Chiến lược xả kho dầu dự trữ của Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Quy mô của đợt xuất kho dầu lần này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu cho tới cuối năm nay khi sản xuất trong nước tăng cao.
Kho dự trữ khổng lồ dưới lòng đất
Ý tưởng về xây dựng các kho SPR được các chính trị gia Mỹ đưa ra từ những năm 1970, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu Arab, gồm Iran, Iraq, Kuwait, Qatar và Saudi Arabia từ chối xuất khẩu dầu sang Mỹ vì nước này ủng hộ Israel trong Chiến tranh Arab-Israel năm 1973.
Cuộc chiến chỉ kéo dài 3 tuần vào tháng 10-1973, nhưng lệnh cấm vận dầu mỏ với Mỹ kéo dài đến tháng 3-1974, khiến giá dầu thế giới tăng gấp 4 lần, từ khoảng 3USD lên gần 12USD/thùng. Năm 1975, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Bảo tồn và chính sách năng lượng, theo đó cho phép thành lập kho SPR để đề phòng trường hợp nguồn cung dầu gián đoạn.
Hiện nay, Mỹ có 4 kho dự trữ dầu chiến lược tại các địa điểm Freeport, Winnie ở bang Texas và Lake Charles, Baton Rouge ở bang Louisiana. Mỗi kho có một số hang muối (hang được đào xuống khu vực có đá muối) sâu tới 1.000m để chứa dầu. Kho lưu trữ lớn nhất ở khu vực Freeport với sức chứa lên đến 254 triệu thùng.
Do điều kiện lưu trữ trong hang muối, mỗi ngày Mỹ chỉ có thể đưa một lượng nhỏ dầu ra khỏi hang, đồng nghĩa với việc ngay cả khi có lệnh mở kho của tổng thống, dầu dự trữ cũng phải mất gần hai tuần mới ra được thị trường. Hơn nữa, tất cả số dầu này đều chưa qua tinh chế. Chúng cần được xử lý thành nhiên liệu trước khi được sử dụng để vận hành ô tô, tàu và máy bay.
Theo Luật Bảo tồn và chính sách năng lượng, Tổng thống Mỹ có đặc quyền huy động tới 30 triệu thùng từ kho SPR trong vòng 60 ngày hoặc hơn “trong trường hợp nguồn cung cấp năng lượng bị gián đoạn nghiêm trọng”. Năm 1991, Tổng thống George H.W.Bush (Bush cha) ra lệnh rút khoảng 17 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.
Năm 2005, Tổng thống George W.Bush Jr (Bush con) đã lấy 11 triệu thùng dầu từ những kho dự trữ này sau cơn bão Katrina tàn phá bang Louisiana và các công trình dầu mỏ ở bang này. Năm 2011, Tổng thống Barack Obama đã rút 30 triệu thùng dầu để bù đắp cho việc gián đoạn nguồn cung cấp từ Libya.
Vào tháng 11-2021, Chính phủ của Tổng thống Biden đã cam kết bơm 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược trong một động thái phối hợp với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, thỏa thuận đó cũng không thể ngăn giá dầu leo lên trên 100USD/thùng.
Ngược lại, ngay sau vụ tấn công ngày 11-9-2001, Tổng thống Bush đã ra lệnh lấp đầy các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước Mỹ.
Chỉ là giải pháp ngắn hạn
Mỹ hiện nắm giữ khoảng 570 triệu thùng trong kho dự trữ-mức thấp nhất kể từ tháng 5-2002. Việc Tổng thống Biden đồng ý “giải phóng” 180 triệu thùng trong 6 tháng đồng nghĩa với việc kho dầu của Mỹ sẽ giảm hơn 30%. Biện pháp này sẽ bổ sung lượng dầu đáng kể vào thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn đang “quá nóng”, khiến nền kinh tế Mỹ đối mặt với các “cơn sốc” lạm phát.
Ngay sau khi ông Biden công bố quyết định xuất kho 1 triệu thùng dầu/ngày, giá dầu ngay lập tức giảm mạnh. Trên Sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu WTI giao tháng 5 đã giảm 7,54 USD, tương đương 7% xuống 100,28USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 5 cũng giảm 5,54USD, tương đương 4,9% xuống 107,91USD/thùng trên Sàn giao dịch ICE London.
Nhà phân tích Damien Courvalin của Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, việc xuất kho dự trữ sẽ giúp tái cân bằng thị trường dầu mỏ trong năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ không giải quyết được vấn đề thâm hụt cơ cấu đối với thị trường toàn cầu.
“Đợt xả kho này sẽ giúp bình ổn giá dầu mỏ, nhưng đây không phải là nguồn cung liên tục trong những năm tới”, ông Damien nói.
Trong khi đó, ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty môi giới đầu tư Oanda Asia Pacific Pte, cho rằng, việc bán “vàng đen” dự trữ ra thị trường để hạ giá dầu thô có thể chỉ có tác dụng hạn chế và ngắn hạn.
"Trong lịch sử, các đợt giải phóng kho dự trữ dầu mỏ đã tạm thời khiến giá dầu hạ nhiệt, nhưng sau đó giá vẫn tăng trở lại do thị trường không đủ nguồn cung. Do vậy, có khả năng giá dầu sẽ tăng trở lại sau đợt giảm giá tạm thời ban đầu và các nước có thể phải nạp lại kho dự trữ của họ với giá thậm chí còn cao hơn", Josh Young, Giám đốc đầu tư của công ty đầu tư năng lượng Bison Interest (Mỹ), dự đoán.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/chien-luoc-xa-kho-dau-du-tru-cua-my-56137.html