Chiến lược xây dựng tính kiên nhẫn cho trẻ

Kiên nhẫn là một trong những đức tính cần có nhất ở mỗi người. Không chỉ là một phẩm chất thiết yếu đối với người lớn, mà trẻ em cũng cần kiên nhẫn.

Để dạy trẻ kiên nhẫn, cha mẹ cũng cần phải sở hữu đức tính này. Ảnh minh họa

Để dạy trẻ kiên nhẫn, cha mẹ cũng cần phải sở hữu đức tính này. Ảnh minh họa

Song, dạy tính kiên nhẫn cho trẻ em có thể là một việc khó khăn.

Hai nguyên tắc vàng

Theo các chuyên gia, cha mẹ cần nuôi dưỡng tính kiên nhẫn ở con mình ngay từ nhỏ. Điều quan trọng hơn là truyền đạt những lời dạy này cho con hằng ngày, thông qua các bước thực tế và khả thi. Song, câu hỏi đặt ra là: Cha mẹ nên dạy con tính kiên nhẫn như thế nào?

Nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc tìm ra những lời khuyên và phương pháp phù hợp để giúp đỡ con mình. Trẻ em không có đủ kinh nghiệm sống để tự nhiên biết về những đức tính tuyệt vời như tính kiên nhẫn.

Ví dụ, nếu phụ huynh yêu cầu trẻ xếp hàng dài hoặc đợi đồ ăn nhẹ, con sẽ không thể làm được. Trẻ không hiểu về khái niệm chờ đợi những thứ mình cần. Đó là một thách thức rõ ràng để khiến trẻ làm bất cứ điều gì mà không nổi cơn thịnh nộ. Tuy nhiên, đây không phải là cách cha mẹ luôn bắt trẻ làm nhiệm vụ.

Ngay cả khi trẻ không có tính kiên nhẫn, thì việc dạy con vẫn là điều cần thiết. Kiên nhẫn là yếu tố quan trọng để trẻ lớn lên thành những người hạnh phúc. Hơn nữa, trẻ chỉ cần kiên nhẫn thực hiện các hoạt động hằng ngày như chờ ăn, chơi thể thao giỏi, kết nối với mọi người, vui chơi, chờ xe buýt và nhiều việc khác. Đó là lý do tại sao trẻ cần học tính kiên nhẫn.

Các chuyên gia đã gợi ý những bước thiết thực mà phụ huynh có thể áp dụng để dạy con mình tính kiên nhẫn.

Ngay cả việc học về tính kiên nhẫn cũng cần một thời gian đáng kể. Cha mẹ cần chuẩn bị sẵn một số kiến thức cơ bản trước khi dạy trẻ về tính kiên nhẫn.

Trước hết, phụ huynh cần giúp trẻ hiểu sự chậm trễ có mục đích. Trẻ còn ngây thơ và chưa biết nhiều về các khái niệm. Nếu muốn một cái gì đó, trẻ chỉ cần yêu cầu về vấn đề ấy. Đơn giản là trẻ không hiểu tại sao đôi khi cần phải chờ đợi mọi thứ.

Trách nhiệm của cha mẹ là giới thiệu cho trẻ khái niệm về sự kiên nhẫn. Thay vì đưa ra những lý do mơ hồ để truyền đạt “Nó là như vậy đó”, cha mẹ cần nói chuyện với con bằng ngôn ngữ của trẻ.

Trước khi bắt đầu dạy con mình tính kiên nhẫn, hãy đảm bảo rằng, trẻ hiểu mình đang làm gì. Để có thể truyền đạt những điều cơ bản, hãy nhớ rằng, phụ huynh cần nêu rõ lý do, thời gian chờ đợi chính xác và phần thưởng cho sự chờ đợi. Hãy trao đổi và thực hiện những gợi ý này và trẻ sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề đó.

Có một số điều nói thì dễ hơn làm, giống như sự kiên nhẫn. Cha mẹ có thể có được lời khuyên tốt nhất trên thế giới, nhưng cũng có thể sẽ thất bại cho đến khi áp dụng vào thực tế. Song, phụ huynh không cần phải lo lắng. Phụ huynh hãy dạy con chơi với những đứa trẻ khác, ngay cả khi chúng đang tranh luận. Cha mẹ có thể dạy trẻ những thủ thuật để giữ bình tĩnh, như đếm từ một đến mười, hoặc rời khỏi tình huống đó cho đến khi bình tĩnh lại.

Trong khi chơi với con mình, hoặc khi trẻ chơi với những bạn khác, hãy để con thay phiên nhau sử dụng đồ chơi. Điều đó sẽ dạy trẻ chờ đến lượt và giữ bình tĩnh. Nếu trẻ có vẻ mất nhiều thời gian hơn một chút, hãy để chúng chơi như vậy thường xuyên. Như vậy, trẻ sẽ dần nhận ra rằng, cuộc sống luôn cần phải chờ đợi.

 Cha mẹ cần nuôi dưỡng tính kiên nhẫn ở con mình ngay từ nhỏ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần nuôi dưỡng tính kiên nhẫn ở con mình ngay từ nhỏ. Ảnh minh họa.

Biến kiên nhẫn thành một trải nghiệm tích cực

Trẻ hầu như không có kinh nghiệm sống. Thường thì trẻ không nhớ những gì bản thân đã học, mà chỉ nhớ điều đó khiến bản thân cảm thấy thế nào. Vì vậy, nếu hiểu được tầm quan trọng của tính kiên nhẫn thông qua trải nghiệm căng thẳng hoặc tiêu cực nói chung, thì việc dạy tính kiên nhẫn cho trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề hơn.

Để dạy trẻ kiên nhẫn, cha mẹ cũng cần phải sở hữu đức tính này. Nếu phụ huynh thường xuyên tức giận hoặc cáu kỉnh, trẻ sẽ học được thói quen xấu đó. Ví dụ, trong khi học về việc trì hoãn sự hài lòng và chờ đợi những điều tốt đẹp, trẻ vẫn có thể liên tục hỏi rằng, cha mẹ đã đến thời điểm chưa. Đó là điều hiển nhiên vì trẻ không hiểu việc chờ đợi một điều gì đó.

Trẻ cũng sẽ hỏi phụ huynh những câu như: Tại sao con phải đợi? Và tại sao con không thể có điều đó luôn? Cha mẹ cần trả lời những câu hỏi này một cách bình tĩnh và cẩn thận.

Nếu phụ huynh tức giận với con mình, điều đó sẽ củng cố thêm rằng, việc chờ đợi hoặc học hỏi có thể là một trải nghiệm tiêu cực. Do đó, cha mẹ cần biến việc chờ đợi thành một khoảng thời gian thú vị và hiệu quả cho cả phụ huynh lẫn con. Trước hết, cha mẹ cần đặt thời gian chờ đợi cố định bằng cách hẹn giờ hoặc đưa ra thời hạn cho con. Điều này sẽ khiến việc chờ đợi trở nên hữu hình hơn với trẻ. Cha mẹ cũng có thể bắt đầu với thời gian chờ đợi ngắn hơn và tăng dần.

Thay vì để tâm trí của trẻ chú ý vào mục tiêu, cha mẹ hãy đánh lạc hướng con bằng một hoạt động khác. Đề nghị trẻ tìm cách giết thời gian cho đến khi hết giờ chờ đợi. Đó có thể là chơi với những món đồ mà trẻ yêu thích, hoàn thành bài tập về nhà hoặc tô màu một số trò chơi thú vị. Khi thời gian chờ đợi kết thúc, cha mẹ hãy thực hiện đúng lời hứa. Khi đưa cho trẻ những gì phụ huynh đã hứa, trẻ sẽ cảm thấy sự chờ đợi dù lâu đến đâu cũng đáng giá và coi đó là một trải nghiệm tích cực.

Khi dạy con mình tính kiên nhẫn, phụ huynh sẽ không muốn khơi dậy tình trạng “nghiện” thiết bị công nghệ ở trẻ. Trong thời gian này, cha mẹ cần để trẻ cảm nhận được sự chờ đợi và thực sự nhận ra rằng, chúng đã đợi một lúc trước khi nhận được phần thưởng. Bằng cách này, trẻ sẽ cảm thấy thời gian chờ đợi là đáng kể. Khi đó, trẻ có thể chờ đợi điều mình muốn.

 Cha mẹ có thể làm một số điều để khiến thời gian chờ đợi trở nên đáng giá và kích thích tinh thần cho trẻ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ có thể làm một số điều để khiến thời gian chờ đợi trở nên đáng giá và kích thích tinh thần cho trẻ. Ảnh minh họa.

Những phiền nhiễu không cần thiết, chẳng hạn như màn hình, sẽ không cho phép trẻ trải nghiệm sự chờ đợi. Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều video giải trí ngắn, chỉ từ 10 đến 60 giây.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ xem quá nhiều video ngắn sẽ hình thành thói quen hấp tấp, vội vàng và nhanh chán nản. Đây cũng là lý do mà cha mẹ nên kiểm soát và hạn chế nhiều nhất có thể việc xem video dung lượng ngắn của trẻ mà hướng đến những video giải trí dài có nội dung tích cực, lành mạnh.

Cha mẹ có thể làm một số điều để khiến thời gian chờ đợi trở nên đáng giá và kích thích tinh thần cho trẻ. Phụ huynh cũng cần giúp trẻ phát triển niềm yêu thích với các hoạt động đúng lứa tuổi. Hãy cùng trẻ làm các tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công, thực hiện hoạt động giác quan.

Phụ huynh cũng hãy khuyến khích con phát triển một sở thích bổ ích. Trẻ em luôn thích làm những điều mới. Cha mẹ có thể giúp trẻ có những sở thích mới như làm bánh, cắm hoa hoặc đơn giản là đi bộ. Đọc sách là một trong những hoạt động dễ tiếp cận nhất giúp kích thích trí não của trẻ. Việc đọc sách sẽ truyền cảm hứng sáng tạo, tăng vốn từ vựng và cải thiện khả năng giao tiếp cho trẻ.

Cha mẹ cũng có thể dành thời gian bằng cách bắt chuyện với con mình. Hãy hỏi xem ngày của con đã diễn ra như thế nào, mọi việc ở trường ra sao và con muốn làm gì? Hãy cho trẻ thấy rằng, cha mẹ muốn điều tốt nhất và sẽ luôn ủng hộ con.

Những hoạt động này sẽ khuyến khích trẻ dành thời gian một cách có ý thức trong khi chờ đợi. Việc trẻ xem màn hình và thưởng thức chương trình yêu thích là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trong khi rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến cách con sử dụng thời gian.

Trong một số trường hợp, khi trẻ nổi cơn thịnh nộ, nhiều cha mẹ đưa ra lời hứa về phần thưởng để giúp con bình tĩnh lại. Tuy nhiên, phụ huynh có thể sẽ quên điều đó. Việc đưa ra những lời hứa nhưng không thực hiện có thể khiến trẻ tổn thương.

Ví dụ, cha mẹ đã hứa sẽ cho trẻ kẹo trong vòng nửa giờ, nhưng lại quên mất điều đó. Lúc này, trẻ sẽ nghĩ rằng, nửa giờ là một khoảng thời gian dài và không muốn đợi lâu như vậy nữa. Hoặc, nếu cha mẹ không cho trẻ kẹo, bé sẽ cảm thấy mất niềm tin vào phụ huynh.

Vì vậy, để bắt đầu dạy trẻ tính kiên nhẫn, cha mẹ cần có được sự tin tưởng của con. Phụ huynh cần đảm bảo rằng, những phần thưởng đã hứa với con mình là có thật và sự chờ đợi sẽ xứng đáng. Do đó, cha mẹ hãy cẩn trọng khi hứa hẹn với con.

Ngay cả khi trẻ đang nổi cơn thịnh nộ hoặc cha mẹ dường như không thể kiểm soát con, hãy tránh đưa ra bất kỳ lời hứa nào nếu không thể thực hiện. Cha mẹ có thể nói với con rằng, mình sẽ thưởng cho trẻ sau khi bé hoàn thành công việc hoặc sau bữa tối. Song, hãy chắc chắn rằng sẽ thực hiện lời hứa.

Theo Mightykidsacademy

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-luoc-xay-dung-tinh-kien-nhan-cho-tre-post691693.html