Chiến sĩ áo trắng: Nhiều hy sinh để đánh đổi cuộc sống an lành

Đội ngũ y tế hầu như góp mặt khắp các mặt trận trong những ngày dịch bệnh hoành hành. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào các bác sĩ vẫn luôn xứng đáng với câu nói 'lương y như từ mẫu'.

“Trước áp lực rất lớn của đại dịch toàn cầu với hệ thống y tế, với nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, nhưng những “chiến sĩ áo trắng” vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Trực tiếp chỉ tạo phòng, chống dịch, ông Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, các nhân viên y tế luôn nhận thức được nhiệm vụ của người thầy thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, với trách nhiệm tự hào vì đã đóng góp cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Cuộc sống cá nhân của nhân viên y tế hoàn toàn bị ảnh hưởng, họ rời xa gia đình lên đường phòng, chống dịch, luôn phiên 1 tháng, 2 tháng, thậm chí có người đã 2 cái Tết không về nhà…

Những y, bác sĩ phải nén tình cảm gia đình và hi sinh cho đất nước. (Ảnh minh họa)

“Vượt qua mọi áp lực, mọi khó khăn, điều đồng hành cùng các y bác sĩ là sự ấm áp và lòng trắc ẩn khi chăm sóc điều trị người bệnh. Họ là người duy nhất tiếp xúc, tương tác với người bệnh, để cố giành lại sự sống với hy vọng dù là nhỏ nhất. Họ vui khi người bệnh khỏi bệnh, nhưng cũng đau buồn bất lực khi chứng kiến cảnh người bệnh không qua khỏi”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Có những thời điểm cuộc chiến chống dịch này dường không có hồi kết. Nhiều y bác sĩ, tình nguyện viên gần như không nghỉ.

“Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngành y tế đã huy động tất cả cán bộ ở mọi miền Tổ quốc tham gia chống dịch, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trọng điểm với mục tiêu khống chế và dập dịch được nhanh, giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của 41 Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đến nay đã huy động trên 7.200 nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch. Đã có điều dưỡng bác sĩ nhiễm COVID-19 và không qua khỏi”, ông Tuyên chia sẻ.

Thời gian qua, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn là chưa đủ và cần có các bước cụ thể hơn để triển khai các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế. Đây là việc làm cấp thiết giúp bảo đảm và củng cố đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là nhân lực y tế cơ sở trong bối cảnh mới hiện nay.

Đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch luôn nỗ lực. (Ảnh minh họa)

Cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cơ chế chính sách của ngành y tế có 3 nút thắt lớn về thể chế cần phải tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thỏa đáng.

Thứ nhất là ngành y đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.

Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khỏe của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. "Tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?", ông Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi. Đối với ngành y tế, vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở những bệnh viện lớn được chuyển giao công nghệ thì được nhưng huyện, xã không có điều kiện thì làm sao tự chủ được, kể cả không có bệnh nhân.

Thứ ba, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến.

"Theo tôi, hệ thống của chúng ta trước mắt tập trung xử lý theo đề xuất của Bộ Y tế là sửa Nghị định 56 để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. Nhưng tôi đề nghị trong các khoản phụ cấp này, chúng ta xác định phụ cấp 100% nhưng không phải lĩnh vực nào cũng 100% mà có những nơi phải là 120%, 150% và có những cái phải thấp hơn. Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng chống dịch chưa có tiền lệ bao giờ", ông Lợi nêu ý kiến.

Ông Bùi Sĩ Lợi mong rằng Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn tôn vinh, coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất để cho các bác sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Mong muốn của ông Lợi cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở phải quan tâm đặc biệt các chế độ, chính sách đối với những lực lượng y tế tuyến đầu. Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình; động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu, phổ biến nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phòng chống dịch.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chien-si-ao-trang-nhieu-hy-sinh-de-danh-doi-cuoc-song-an-lanh-64639.html