Chiến sĩ Bắc Giang vững vàng nơi đầu sóng
Trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức đầu năm 2024, tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với những cán bộ, chiến sĩ quê hương Bắc Giang. Dù công việc của mỗi người khác nhau song tất cả đều chung một ý chí, quyết tâm cống hiến tuổi xuân để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
"Mệnh lệnh từ trái tim"
Thiếu tá Ngô Văn Khiết (SN 1981) quê ở thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) nhập ngũ năm 2000 là sĩ quan nhiều năm gắn bó với biển đảo. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sửa chữa tàu, thuyền hệ trung cấp, anh được điều động về Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân công tác. Riêng ở huyện đảo Trường Sa, anh đã công tác được 5 năm. Hiện anh là tổ trưởng tổ kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ hậu cần kỹ thuật âu tàu đảo Trường Sa.
Mặc dù không phải là đơn vị trực tiếp huấn luyện sẵn sàng chiến đấu song công việc của Trung tâm rất quan trọng, đó là sửa chữa, khắc phục sự cố các tàu của ngư dân bị hư hỏng, giúp bà con vươn khơi, bám biển; hỗ trợ, tham gia cứu nạn, cứu hộ, cung cấp nước ngọt, lương thực, dầu cho ngư dân khi có nhu cầu… Áp lực công việc khá lớn, nếu các tàu hư hỏng không được sửa chữa kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm quốc phòng an ninh, đi biển, đánh bắt hải sản...
Mỗi năm, anh cùng đồng đội trực tiếp sửa chữa, thay thế thiết bị cho khoảng 30 tàu, thuyền của ngư dân bị hư hỏng, xuống cấp, gặp nạn. Không ít tàu cá được anh và đồng đội hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, tiếp tục vươn khơi, bám biển. "Việc hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của những người lính biển chúng tôi", anh Khiết chia sẻ.
Cách đây hơn 2 năm, khi đang đánh bắt hải sản ở quần đảo Trường Sa, tàu cá của ông Lê Ngọc Tú, quê ở tỉnh Phú Yên gặp nạn, phát tín hiệu cấp cứu. Trên tàu có 12 người, nước biển liên tục tràn vào khoang máy, đe dọa tính mạng ngư dân. Nhận được lệnh của chỉ huy, ngay lập tức anh Khiết cùng đồng đội vượt sóng dữ, cứu ngư dân thoát nạn, kéo tàu về Trung tâm để sửa chữa. Được biết, con tàu của ông Tú trị giá khoảng 16 tỷ đồng bị hư hỏng nặng. Đơn vị huy động cán bộ, chiến sĩ có chuyên môn giỏi, trong đó đồng chí Khiết là người trực tiếp tham gia sửa chữa.
Với tinh thần làm việc trách nhiệm, khẩn trương, 1 tuần sau, tàu của ông Tú tiếp tục ra khơi. "Nếu thuê kéo tàu về đất liền sửa chữa sẽ rất tốn kém, vì phải trải qua hải trình gần 600 km đường biển, mất nhiều thời gian, tiền bạc; đồng thời chủ tàu sẽ thiệt hại lớn về kinh tế do không thể đi biển. Chúng tôi vô cùng biết ơn hành động mưu trí, dũng cảm, những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Trung tâm", ông Tú tâm sự.
Năm nay, Thiếu tá Khiết được về quê ăn Tết cùng gia đình sau nhiều năm xa cách. Anh cảm thấy rất hãnh diện, hạnh phúc khi có một hậu phương vững chắc giúp anh yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện vợ anh là giáo viên Trường THPT Hiệp Hòa số 6. Con gái lớn đang học lớp 8, con gái thứ 2 học lớp 6 luôn chăm ngoan, học giỏi.
Gác việc riêng vì việc chung
Cũng sinh ra và lớn lên ở vùng quê cách mạng Hiệp Hòa, thiếu tá Đỗ Mạnh Xuyến (SN 1974) ở thôn Vân Cẩm, xã Đông Lỗ có 30 năm trong quân ngũ, từng làm nhiệm vụ ở nhiều đảo, trong đó 4 lần anh được cấp trên điều động ra quần đảo Trường Sa công tác. Như một mối lương duyên, những lần anh được điều động ra đảo làm nhiệm vụ đều là thời điểm áp Tết. Hiện anh là nhân viên cơ yếu, làm việc ở bộ phận mật mã tại đảo Trường Sa. Công việc này vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự chính xác, bí mật tuyệt đối. Anh luôn xây dựng cho mình một nguyên tắc làm việc khoa học, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.
Do đặc thù công việc, hiếm khi được về quê thăm gia đình, người thân. Thời điểm sóng điện thoại di động chưa vươn tới quần đảo Trường Sa, 6 tháng anh mới nhận được thư từ gia đình gửi tới qua mỗi chuyến tàu ra đảo. 5 năm qua, anh chưa một lần về thăm nhà, ăn Tết. Có những lúc nhớ nhà song anh vẫn vững tâm trí, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm nay, anh Xuyến cùng cán bộ, chiến sĩ ăn Tết tại đảo Trường Sa. Đây cũng là năm thứ 8, anh đón mùa xuân cùng đồng đội ở đảo. Dẫu ở nơi đầu sóng, ngọn gió, anh vẫn cảm nhận được tình cảm, hơi ấm từ đất liền, của đồng chí, đồng đội. Mọi người luôn chia sẻ, quan tâm, động viên nhau vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. Nhiều năm liền, Thiếu tá Đỗ Mạnh Xuyến đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Thiếu tá Lương Gia Hà (SN 1977) quê ở xã Yên Lư (Yên Dũng) là sĩ quan thông tin gắn bó quân ngũ đến nay được 28 năm. Cuối năm 2022, anh được cấp trên điều động ra đảo Trường Sa thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân công tác. Vợ anh là công chức tư pháp ở phường Gia Viên, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng). 2 con vẫn đang tuổi ăn học. Mặc dù xa vợ, con và người thân để ra đảo công tác song thiếu tá Hà không cảm thấy dao động; trái lại, anh coi đó như niềm vinh dự, tự hào.
Là người trực tiếp cùng đồng đội thực hiện công việc bảo đảm thông tin liên lạc ở đảo Trường Sa, anh luôn chủ động nắm chắc nhiệm vụ của đài thông tin, quy định, phương pháp liên lạc. Chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin vô tuyến điện. Sử dụng thành thạo và luôn giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Chuyển, nhận các tín hiệu, hình ảnh, dữ liệu kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn giúp đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ như: Cấp cứu ngư dân, tìm kiếm cứu nạn, phục vụ các đoàn công tác thăm và kiểm tra đảo, nghiên cứu biển, đối ngoại quốc tế. Cùng đó, anh thường xuyên tham mưu đề xuất với cấp trên các biện pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm thông tin liên lạc.
Son sắt niềm tin
Trong chuyến công tác, không chỉ gặp gỡ trực tiếp với những sĩ quan đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, tôi còn được gặp, trò chuyện với sĩ quan từng dành trọn cuộc đời để bảo vệ biển đảo, đó là cựu chiến binh Thân Ngọc Hướng (SN 1961), quê ở phường Tăng Tiến (Việt Yên). Ông Hướng từng làm chỉ huy trưởng đảo Trường Sa. Đến nay, ông đã nghỉ hưu được 5 năm, đang sinh sống ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Vợ, con trai thứ hai của ông hiện là sĩ quan hải quân thuộc Lữ đoàn 101, Quân chủng Hải quân. Nhớ lại những năm tháng công tác ở quần đảo Trường Sa, ông Hướng không thể nào quên những gian khổ, mất mát, hi sinh mà ông và đồng đội trải qua.
Khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên có bão, sóng to, gió lớn, điều kiện ăn ở vô cùng khó khăn, sống xa gia đình song cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa luôn vững vàng ý chí, đoàn kết, vững tay súng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, các phong trào thi đua "Tiết kiệm nước", "Diệt chuột", "Trồng cây xanh"… cũng được triển khai tích cực.
Hơn 40 năm phục vụ quân ngũ, 40 năm tuổi Đảng, có mặt hầu hết ở các đảo, nay dù đã nghỉ hưu song trái tim ông luôn khắc sâu hình bóng Trường Sa, tình yêu biển đảo. Ông Hướng cảm thấy tự hào khi huyện Việt Yên mới đây được công nhận là thị xã; KT-XH của tỉnh Bắc Giang phát triển mãnh mẽ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Một mùa xuân mới lại về, bên cạnh niềm vui, hy vọng, phía trước vẫn còn bao khó khăn, thách thức. Những người con quê hương Bắc Giang đang công tác ở biển đảo vẫn luôn sắt son một niềm tin, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Công Doanh