Chiến sĩ Hải Dương vững vàng nơi biên cương Tổ quốc

Trong thời bình và thời chiến, những chiến sĩ Hải Dương luôn có mặt ở biên cương, hải đảo, kiên gan, bền chí, tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ và con người xứ Đông.

Trung tá An Văn Đăng thuộc Trạm Kiểm soát biên phòng Nặm Rằng, quê ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) đã có 33 năm liên tục công tác ở vùng biên giới. Trong ảnh: Trung tá An Văn Đăng bên cột mốc 679, phía bên kia là xã Thin Pon, Trịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc

Trung tá An Văn Đăng thuộc Trạm Kiểm soát biên phòng Nặm Rằng, quê ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) đã có 33 năm liên tục công tác ở vùng biên giới. Trong ảnh: Trung tá An Văn Đăng bên cột mốc 679, phía bên kia là xã Thin Pon, Trịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Đồn Biên phòng Lũng Nặm tiền thân là Đồn Công an nhân dân vũ trang Nặm Nhũng, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng. Trong suốt hành trình bảo vệ biên giới đầy cam go, có hy sinh, mất mát, song các cán bộ, chiến sĩ ở đây luôn chắc tay súng để bảo vệ nhân dân, bảo vệ từng mét đất của vùng phên dậu quốc gia.

Trung tá An Văn Đăng năm nay 52 tuổi đời thì có đến 33 năm công tác tại biên giới. Năm 1991, khi mới 19 tuổi, anh Đăng từ quê nhà thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường (Thanh Miện) khoác ba lô nhập ngũ và đóng quân ở biên giới cho đến tận bây giờ.

Đi khắp các đồn, các trạm, trung tá An Văn Đăng về với Trạm Kiểm soát biên phòng Nặm Rằng (thuộc Đồn Biên phòng Lũng Nặm) và dự kiến sẽ "định cư" ở đây cho đến lúc "quân đội cho về nghỉ ngơi".

Trạm Kiểm soát biên phòng Nặm Rằng quản lý gần 24 km đường biên giới, với 9 trong tổng số 21 xóm của 2 xãLũng Nặm, Cải Viên là xóm biên giới.

Bộ đội biên phòng có câu "ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang" để nói về cực nhọc của bộ đội ở Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Điện Biên) giáp với nước bạn Lào.

- Ở đây không kém Tây Trang đâu. Mùa hè đổ lửa, còn mùa đông sau khi bộ đội và dân bản "nếm rét" xong thì cái rét mới về xuôi - trung tá An Văn Đăng kể.

Nhiệm vụ chính của anh Đăng và đồng đội là quản lý đường biên, cột mốc, hằng ngày thay nhau tuần tra. Ngoài ra luôn phải gần dân, sát dân để sẻ chia, vận động bà con phát triển kinh tế, tránh xa tệ nạn xã hội và chấp hành chủ trương đường lối.

Cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Nặm Rằng trong đêm trực chốt (ảnh cơ sở cung cấp)

Cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Nặm Rằng trong đêm trực chốt (ảnh cơ sở cung cấp)

Mỗi chiến sĩ biên phòng luôn phải sắm "nhiều vai". Dù mỗi người một quê nhưng không chỉ là đồng chí, mà còn là anh em. Họ cùng nhau gánh vác sứ mệnh cao cả nhưng lặng thầm là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho vùng biên cương Tổ quốc, sẵn sàng trước mọi tình huống đột xuất, bất ngờ để hậu phương bình yên, hạnh phúc. Với họ "đồn chính là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".

Khó khăn càng nhân lên quyết tâm

Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới (ảnh cơ sở cung cấp)

Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới (ảnh cơ sở cung cấp)

Trung tá An Văn Đăng chia sẻ khó khăn nhất là đường biên giới dài, có những vị trí đi cả buổi sáng mới đến được cột mốc. Địa hình đường tuần tra hiểm trở, vừa dốc, vừa trơn trượt, khó đi.

Tuổi quân kém anh Đăng đúng 1 năm, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Trường Khương (sinh năm 1974, quê xã Phúc Điền, Cẩm Giàng) đã có 32 năm công tác và hiện ở Tổ công tác biên phòng Dê Chú Thàng (huyện Mường Khương, Lào Cai). Anh Khương cho biết, ngoài tuần tra biên giới, tổ còn giúp dân bản loại bỏ hủ tục lạc hậu, làm ăn kinh tế, chăn nuôi trồng trọt.

Ở Dê Chú Thàng có 100% là người dân tộc đặc biệt khó khăn, còn nhiều hủ tục lạc hậu, nhiều nhà tranh vách nát. "Nhiều lúc muốn xin về xuôi nhưng lại thương bà con quá. Bộ đội biên phòng không chỉ bảo vệ đường biên mà còn giúp dân ổn định cuộc sống. Dù khó khăn nhưng đã là lính biên phòng thì phải có ý chí sắt đá để khó khăn nào cũng vượt qua", trung tá Nguyễn Trường Khương cho biết.

Năm 1968, thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ông Phạm Xuân Đĩnh ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) lên đường bảo vệ Tổ quốc và được biên chế vào Tiểu đoàn Thanh Xuyên.

Tại Trạm cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, giáp với Cửa khẩu Namkan, bản Din Dan Muang Nong Het, tỉnh Xiengkhuang (Lào), ông Đĩnh cùng đồng đội có nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyến biên giới trước sự xâm nhập của biệt kích Mỹ bằng đường bộ. Đồng đội có người nằm lại biên cương, có người được trở về khi chiến tranh kết thúc, song những người lính biên phòng đã kiên cường bám trụ với biên giới cho đến ngày đất nước toàn thắng, Nam - Bắc về chung một nhà.

"Bộ đội thời nào cũng vất vả. Vất vả để thử thách và rèn luyện bản lĩnh. Nhưng nói vất vả, khó khăn thì không thể không nói đến lính biên phòng", cựu chiến binh Phạm Xuân Đĩnh nói.

Không chỉ bảo vệ biên giới, bộ đội biên phòng còn luôn gần dân, sát dân để giúp đỡ bà con loại bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển sản xuất (ảnh cơ sở cung cấp)

Không chỉ bảo vệ biên giới, bộ đội biên phòng còn luôn gần dân, sát dân để giúp đỡ bà con loại bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển sản xuất (ảnh cơ sở cung cấp)

Trong cả thời bình và thời chiến, những người lính Hải Dương luôn có mặt ở tất cả các địa bàn theo yêu cầu của quân đội và họ sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào theo tiếng gọi của con tim tràn đầy lý tưởng cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.

Từ hải đảo xa xôi cho đến những vùng biên cương xa thẳm, heo hút không một bóng người, những người lính quê Hải Dương vốn chỉ quen với đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ nhưng luôn kiên gan, bền chí bám trụ với núi rừng, với điểm cao để canh giữ đất trời Tổ quốc.

Năm 2024 tròn 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (1959-2024), tiền thân là lực lượng công an nhân dân vũ trang.

Tại Hải Dương, Ban liên lạc truyền thống Bộ đội biên phòng tiền thân là Hội đồng ngũ năm 1959, thành lập vào năm 1989 với 5 hội viên. Đến nay, ban liên lạc có gần 2.000 hội viên thuộc ban liên lạc 12 huyện, thị xã, thành phố và 2 hội đồng ngũ.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chien-si-hai-duong-vung-vang-noi-bien-cuong-to-quoc-400673.html