Chiến sĩ Mùa hè xanh tình nguyện tại huyện đảo Phú Quý: 'Đi để cống hiến, trở về để trưởng thành'
Mỗi mùa hè đến, khi bạn bè đồng trang lứa chọn cho mình những chuyến đi du lịch hay kỳ nghỉ ngắn để xả hơi sau kỳ học căng thẳng thì hàng ngàn sinh viên lại lựa chọn 'xách ba lô lên và đi' để đến với những vùng đất xa xôi, mang yêu thương đến cộng đồng và tìm thấy chính mình qua các hoạt động thiện nguyện.

Các chiến sĩ Mùa hè xanh thực hiện nhiệm vụ tại huyện đảo Phú Quý (cũ).
Tuổi trẻ viết nên hành trình xanh
Từ ngày 15/6 đến ngày 30/6/2025, 40 chiến sĩ tình nguyện là đoàn viên, sinh viên đến từ các trường Đại học, bệnh viện và đơn vị trực thuộc Thành Đoàn TP. HCM đã có mặt tại huyện đảo Phú Quý (nay là đặc khu Phú Quý, tỉnh Lâm Đồng) để tham gia chiến dịch Mùa hè xanh. Giữa cái nắng mặn mòi và điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, họ đã để lại không chỉ là mồ hôi, công sức mà còn là dấu ấn của khát vọng sống đẹp, sống có ích.
Hồ Phạm Như Ngọc - sinh viên năm 3, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. HCM, chia sẻ: “Khi khoác lên mình chiếc áo xanh, mình cảm thấy bản thân không còn đơn độc mà là một phần của tập thể, cùng chung lý tưởng đi để cống hiến, đi để rèn luyện, đi để trưởng thành”.
Còn Cao Lê Tấn Tỷ - sinh viên năm 3, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. HCM tâm sự rằng, cứ đến hè là lòng lại “nôn nao Mùa hè xanh”, bởi đó là cơ hội quý giá để học hỏi, trải nghiệm, sống hết mình với tuổi trẻ và đóng góp cho cộng đồng.

Như Ngọc (ngoài cùng bên trái) và Tấn Tỷ (ngoài cùng bên phải) cùng các chiến sĩ chụp ảnh tại tuyến đường cờ Tổ quốc.
Dù từng tham gia các hoạt động Đoàn - Hội từ sớm, nhưng khi đặt chân đến đảo, cả Ngọc và Tỷ đều đối mặt với những thử thách: từ thiếu nước sinh hoạt đến thời tiết nắng gió khắc nghiệt. Những buổi tắm nhờ nhà dân, tiết kiệm từng ca nước, những đêm mất điện cả đội quây quần bên ánh đèn pin kể chuyện... tất cả đều là những trải nghiệm không thể nào quên. “Chính cuộc sống khắc nghiệt ở đảo đã giúp mình học được sự kiên cường, biết quý trọng từng điều nhỏ bé trong cuộc sống và hiểu rằng hạnh phúc đôi khi rất giản dị”, Như Ngọc bày tỏ.
Không chỉ vượt qua khó khăn, các chiến sĩ Mùa hè xanh còn tạo dấu ấn bằng những công trình thiết thực: lắp đặt đèn năng lượng mặt trời, trang trí thư viện, vẽ làng bích họa dọc bờ kè, tổ chức lớp học hè, dạy võ cho thiếu nhi và đặc biệt là công trình “Tuyến đường cờ tổ quốc” - điểm check-in thu hút du khách khi đến với đảo.

Tham gia trang trí thư viện và làng bích họa - điểm nhấn của Chiến dịch Mùa hè xanh 2025
tại đảo Phú Quý (cũ).

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình đã qua, Tấn Tỷ nhớ nhất khi được là một thành viên tham gia tổ chức giải chạy “Phú Quý đảo xanh” thu hút hơn 400 vận động viên. Đây là một hoạt động thể thao cộng đồng có ý nghĩa nhân kỷ niệm huyện đảo Phú Quý chuyển mình thành đặc khu Phú Quý. “Giải chạy thành công nhờ vào tình đoàn kết của cả đội. Chúng mình ai cũng dậy từ tờ mờ sáng, mỗi người một việc, tự tay dựng sân khấu, chuẩn bị nước uống, vận động người dân tham gia… và khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ, niềm vui ấy là thứ không gì đánh đổi được”.

Giải chạy “Phú Quý đảo xanh” do Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. HCM chủ trì tổ chức thu hút hơn 400 vận động viên tham gia.
Đi để cống hiến, trở về để trưởng thành
Không phải bài giảng nào, môn học nào cũng có thể dạy sinh viên cách ứng xử với thực tế cuộc sống như những ngày tham gia tình nguyện. Đó là những bài học về sự sẻ chia, kỹ năng mềm, trách nhiệm cộng đồng và cả lòng biết ơn.
Theo Tấn Tỷ, việc tham gia một chiến dịch tình nguyện như Mùa hè xanh không chỉ là một hoạt động ý nghĩa mà còn là cơ hội để sinh viên trải nghiệm và trưởng thành theo những cách họ có thể chưa từng nghĩ đến. Cuộc sống sinh viên không nên chỉ gói gọn trong giảng đường hay những buổi học nhóm mà cần mở rộng hơn với các hoạt động xã hội. Vì đây sẽ là môi trường để sinh viên khám phá bản thân, thử thách giới hạn và tạo ra những kỷ niệm quý giá trong tuổi trẻ.

Các chiến sĩ Mùa hè xanh hào hứng trong ngày ra quân.
Sau chiến dịch Mùa hè xanh, Ngọc nhận ra bản thân đã thay đổi: sống chậm hơn, hiểu và thương người hơn. “Điều quý giá nhất trong hành trình này không phải là những công trình vật chất mà chúng mình để lại mà là sự kết nối với người dân. Chúng mình tổ chức các lớp học hè cho trẻ em, dạy các em những kiến thức mới, cùng các em chơi những trò chơi dân gian. Nụ cười hồn nhiên, ánh mắt sáng ngời của các em nhỏ chính là động lực, niềm vui lớn nhất của các chiến sĩ Mùa hè xanh. Mình đã học được một điều quý giá từ người dân đảo: sự lạc quan và nghị lực phi thường. Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, bà con vẫn luôn đối đãi chân thành, sống chan hòa và yêu thương. Chính sự giản dị, mộc mạc ấy đã khiến mình nhìn nhận lại nhiều thứ trong cuộc sống, nhận ra hạnh phúc đôi khi không cần quá phức tạp. Mùa hè xanh đã dạy mình lòng trắc ẩn, tinh thần không bỏ cuộc và niềm tin rằng người trẻ hoàn toàn có thể tạo nên sự thay đổi tích cực cho cộng đồng”, Ngọc tâm sự.

Người trẻ được rèn luyện kỹ năng, mở rộng mối quan hệ và trưởng thành qua các hoạt động tình nguyện thực tế.
“Chiến dịch Mùa hè xanh có ý nghĩa lớn đối với cả người trẻ và cộng đồng. Với người trẻ, đây là cơ hội để rèn luyện kỹ năng, mở rộng mối quan hệ và trưởng thành qua các hoạt động tình nguyện thực tế. Với cộng đồng, chiến dịch mang lại những đóng góp thiết thực như xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giáo dục và các hoạt động an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Tuổi trẻ là để trải nghiệm, sinh viên cần bước ra khỏi vùng an toàn, để khám phá bản thân và để viết nên thanh xuân bằng những điều có ích cho xã hội”, thông điệp Tấn Tỷ gửi đến các bạn trẻ.
Hai tuần tại huyện đảo Phú Quý đã khép lại, những công trình do các chiến sĩ Mùa hè xanh thực hiện đã hoàn thành, những tiếng cười vẫn còn vang vọng và những bài học vẫn lặng lẽ lớn lên trong lòng người trẻ. Không chỉ là những sinh viên ngồi dưới giảng đường mà các chiến sĩ Mùa hè xanh đã trưởng thành qua từng việc làm nhỏ bé nhưng mang đầy ý nghĩa đối với cộng đồng, xã hội.