Chiến sĩ quân hàm xanh nuôi dưỡng những 'chồi non' nơi biên giới, hải đảo (Bài 2): Bồi đắp niềm tin yêu cho đồng bào hai tuyến biên giới

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị là gìn giữ biên cương, giúp đồng bào phát triển kinh tế, người lính quân hàm xanh còn là những bố nuôi chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ, nâng đỡ, chắp cánh ước mơ cho những phận đời khó khăn vùng biên giới, biển đảo không chỉ ở Thanh Hóa mà còn ở tỉnh giáp biên của nước bạn Lào.

Cháu Bun Xu (người thứ hai bên phải), bản Thà Láu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) thân mật bên cán bộ ĐBP Bát Mọt.

Ươm mầm nơi biên cương

Chuyến công tác đến vùng biên giới, chúng tôi cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Bát Mọt, xã Bát Mọt (Thường Xuân) đến thăm gia đình cháu Bun Xu, sinh năm 2011 tại bản Thà Láu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Nhà Bun Xu cách ĐBP Bát Mọt khoảng 6 km, qua cửa khẩu Khẹo.

Đến trước nhà, Thiếu tá Bùi Đức Toản, nhân viên Trạm Kiểm soát biên phòng Khẹo (ĐBP Bát Mọt) gọi vọng vào: “Bun Xu ơi, Bun Xu về chưa con”. Trong nhà, anh Thông Lun và chị Nàng Ná Lun là bố mẹ của Bun Xu vui mừng xuống cầu thang nhà sàn chào đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói, cả hai vợ chồng đều bị khuyết tật bẩm sinh không nói được. Căn nhà sàn tuy cũ nhưng chắc chắn. Trong nhà, Bun Xu và 3 người em ngó ra chào chúng tôi và được đồng chí Bùi Đức Toản phiên dịch lại. Anh Toản vẫy tay Bun Xu lại gần rồi mời mọi người quây quần trò chuyện. Mặc dù thông qua phiên dịch viên Bùi Đức Toản, nhưng câu chuyện của chúng tôi với gia đình anh Thông Lun và bé Bun Xu vẫn diễn ra rôm rả, thỉnh thoảng anh Toản và các anh của ĐBP Bát Mọt kể chuyện vui, những nỗ lực vượt khó của Bun Xu khiến không khí buổi gặp gỡ thêm ấm cúng, thân thiện. Nhìn nụ cười của vợ chồng anh Thông Lun chúng tôi cảm thấy vui trong lòng.

Bun Xu là con trai đầu của vợ chồng anh Thông Lun, gia đình rất khó khăn, chỉ dựa vào làm nương rẫy, chăn nuôi vài con gia cầm và đánh bắt cá dưới khe suối. Bun Xu thường đi bộ từ nhà đến trường 3 km, chặng đường đến với con chữ của Bun Xu khá khó khăn khiến nhiều lần con muốn nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Bằng mối quan hệ hớp tác, hữu nghị, tháng 1-2023, ĐBP Bát Mọt đã nhận hỗ trợ Bun Xu 500 ngàn đồng/tháng cho đến hết lớp 12 theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. Nhà đông con, với số tiền hỗ trợ này thật sự là nguồn động viên lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với bản thân Bun Xu cũng như gia đình. Mỗi tháng các cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bát Mọt thay nhau qua thăm và trao tiền hỗ trợ, cho quà động viên gia đình... Đây là khoảng thời gian ấm áp, vui nhất của bố mẹ, Bun Xu và các em cũng như các hộ dân sinh sống quanh đây. Họ cảm nhận và biết ơn, trân quý tình cảm cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bát Mọt đã dành cho Bun Xu, giúp cậu bé tiếp tục được đến trường, tạo động lực cho nhiều trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác của cụm Phôn Xay vượt khó vươn lên. Năm học 2022-2023, con được đánh giá xếp loại học lực khá. Ngồi bên cạnh tôi, chàng trai bé nhỏ Bun Xu bẽn lẽn nói (qua phiên dịch): “Con rất biết ơn các chú ĐBP Bát Mọt!”.

Sống dậy những ước mơ

Sinh ra trong gia đình đặc biệt khó khăn, Vi Việt Khang chịu cảnh thiệt thòi vì bố mất, mẹ bỏ đi biệt tăm, cháu ở với ông bà nội già yếu. Khang lớn lên “hoang dã” như “cái cây chưa nắn” bao giờ. Nhưng ngược lại cậu bé có tố chất nhanh nhẹn và thông minh. Sau những lần rà soát đời sống Nhân dân, ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) đã làm việc với chính quyền địa phương và gia đình để nhận con về đồn trực tiếp chăm sóc. Năm 2019, con chính thức về đồn ở và đang học lớp 7 (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Na Mèo). Cậu bé nhỏ nhắn, gầy đen... chỉ sau thời gian ngắn cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các “bố”, các chú, con được chỉ bảo, chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo như con cháu trong nhà. Từ đó, con đã dần thích nghi trong môi trường quân đội và dần dần “lột xác” thành thiếu niên ngoan, lễ phép với mọi người, rất có ý thức chủ động học tập, sinh hoạt.

16 tuổi phổng phao, mạnh khỏe, Khang đang học lớp 11, Trường THPT Quan Sơn và luôn được các “bố” quan tâm, định hướng nghề nghiệp, tương lai khiến con cảm thấy mình như đang trải qua giấc mơ đẹp giữa đời thường. Con luôn nỗ lực làm mọi việc tốt nhất với mong muốn phấn đấu trở thành bộ đội chuyên nghiệp để bảo vệ Tổ quốc, giúp dân bản giống như các bố, các chú hiện giờ đang giúp con và nhiều bạn, nhiều em nhỏ khác.

Hà Bình Minh cùng các “bố”, các chú ĐBP Pù Nhi.

Năm học 2022-2023, Hà Bình Minh, sinh năm 2008, dân tộc Thái báo tin vui cho các “bố”, các chú ĐBP Pù Nhi (Mường Lát) rằng, con đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi toán cấp huyện. Chẳng cần phải “mở tiệc” chúc mừng thành tích học tập của con, mà những lời chúc, những cái vỗ vai ân cần của các bố, các chú thôi cũng đủ để Minh cảm nhận được tình cảm, sự kỳ vọng của các bố, các chú dành cho mình rất nhiều.

Minh là con út của liệt sĩ Hà Văn Tính, nguyên cán bộ ĐBP Pù Nhi. Bố mất, cuộc sống của ba mẹ con rất khó khăn. Năm 2019, con đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học xã Pù Nhi thì được đơn vị đón về trực tiếp nuôi dưỡng, đưa đón đi học. Đến năm học lớp 6, Minh theo mẹ chuyển về thị trấn Mường Lát ở và học tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Mường Lát. Dù ở cùng các bố, các chú trong đồn 1 năm thôi, nhưng tình cảm và những kỷ niệm cứ hiện lên trong ký ức. Cuối tuần, Minh được mẹ cho về đồn sinh hoạt và tập làm một chú bộ đội nhí dưới sự kèm cặp, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Pù Nhi cho đến hết lớp 12. Thành tích học tập của con qua các năm từ khi được đơn vị nhận nuôi luôn đạt loại giỏi. Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THCS vừa qua, con tự tin với những nỗ lực của mình, chỉ nay mai thôi, con sẽ có điều kiện “bơi” ra biển lớn, tiếp tục thực hiện ước mơ.

Bun Xu, Khang, Minh... là những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cán bộ, chiến sĩ các ĐBP thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nuôi dưỡng như con em ruột thịt theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” và “Nâng bước em đến trường” cho đến khi các con tốt nghiệp THPT. Cán bộ, chiến sĩ luôn sát sao việc học hành, định hướng tương lai cho các con... đã giúp những mảnh đời non nớt, đơn lẻ dần lớn lên theo chất con nhà binh rắn rỏi, quyết đoán và nghị lực. Nếu các con không được sống trong môi trường tốt, rất có thể ở vùng miền núi xa xôi, những bản làng hẻo lánh, các con sẽ không tránh khỏi bị lợi dụng, lôi kéo.

Thực tâm, thực chất, trách nhiệm, hiệu quả

Khởi đầu bằng tấm lòng nhân ái, mỗi ĐBP thuộc BĐBP tỉnh đều nhận nuôi dưỡng toàn bộ và hỗ trợ giúp đỡ về chi phí học tập, sinh hoạt, xe đạp, tặng quà... và cả lương thực, thực phẩm cho gia đình các con vào thời điểm giáp hạt, khi hoạn nạn, ốm đau. Việc làm đó thực tâm, thực chất không khoa trương nhưng lại có sức lan tỏa, để lại dấu ấn riêng của cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Mường Lát, bày tỏ: Tôi rất tâm đắc với mô hình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” vì đây là việc làm rất nhân văn. Bởi ngoài chi phí ăn uống, sinh hoạt, các đồn còn mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, hỗ trợ tiền hàng tháng, đưa đi học, mua quà, đưa đón mỗi lần về thăm thân vào dịp cuối tuần, lễ, tết... Điều đáng quý là mặc dù đời sống của nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn khó khăn, nhưng các anh đều giàu lòng nhân ái, vừa quyên góp, ủng hộ tiền của, vừa không quản ngại vất vả chăm lo, nuôi dưỡng, dạy dỗ, giúp các em học sinh trưởng thành.

Hiện nay, ĐBP Bát Mọt đang nhận hỗ trợ 19 cháu học sinh thuộc dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”; chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng”, trong đó có 2 cháu ở nước bạn Lào (1 cháu đã tốt nghiệp THPT, đang đi làm), 2 cháu nhỏ là con của liệt sĩ Thiếu tá Vi Văn Nhất hy sinh khi tấn công tội phạm (năm 2019)... ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo hỗ trợ 27 học sinh, trong đó có 2 học sinh nước bạn Lào; ĐBP Quang Chiểu hỗ trợ 26 cháu, trong đó có 2 cháu học sinh Lào...

Gia đình cháu Bun Xu, bản Thà Láu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bát Mọt và phóng viên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có nguồn lực nuôi dưỡng, giúp các con được nhiều nhất, tốt nhất, ngoài khoản đóng góp tự nguyện, đều đặn hằng tháng bằng tiền lương, cán bộ, chiến sĩ được nhận khen thưởng, nâng lương, thăng quân hàm... còn ủng hộ thêm; thực hành tiết kiệm trong mọi công việc, nhất là tiết kiệm lương thực, thực phẩm, dành nguồn thu từ tăng gia sản xuất... Ngoài ra, vào dịp năm học mới, tết đến xuân về, các ĐBP chủ động, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình: Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản; Xuân ấm biên cương; Đồng hành cùng phụ nữ biên cương; Áo ấm mùa đông... Qua đó, đã huy động nhiều nguồn lực, như: đồ dùng học tập, sách vở, xe đạp cho các con và gạo, nhu yếu phẩm phụ giúp gia đình có thêm điều kiện chăm lo cho các con không phải bỏ học giữa chừng.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021, cán bộ, chiến sĩ các ĐBP đã tự nguyện đóng góp kinh phí bằng ngày lương thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” đạt hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, chương trình “Nâng bước em tới trường” hơn 1,6 tỷ đồng; chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” hơn 110 triệu đồng. Năm 2022, cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP tỉnh tham gia ủng hộ chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” gần 350 triệu đồng; triển khai chi cho các đơn vị thực hiện chương trình với tổng số tiền 225 triệu đồng.

Nguồn kinh phí trên cùng với kinh phí tự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện nuôi dưỡng giao động mỗi năm 100 cháu, trong đó bình quân mỗi năm có khoảng 10 cháu học sinh nước bạn Lào vùng giáp biên và 10 cháu nhận nuôi tại đồn theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Thiếu tá Trần Văn Sỹ, Chính trị viên phó, ĐBP Bát Mọt, chia sẻ: “Đây là chương trình hết sức ý nghĩa và nhân văn, chúng tôi tăng cường phối hợp với địa phương hai vùng giáp biên, nhà trường rà soát xét chọn và tiếp tục nhận các trường hợp đặc biệt khó khăn làm con nuôi của ĐBP và hỗ trợ nâng bước em đến trường bằng nguồn kinh phí vận động từ cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng và nguồn vận động đến khi tốt nghiệp THPT, tạo điều kiện tốt nhất để các em có tương lai tươi sáng hơn. Thông qua chương trình, lực lượng biên phòng và địa phương, Nhân dân 2 tuyến biên giới gắn bó hơn và tình cảm hơn".

Bài và ảnh: Lê Hà - Hoàng Lan

Bài 3: Những "mầm ươm" trưởng thành.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-si-quan-ham-xanh-nuoi-duong-nhung-choi-non-noi-bien-gioi-hai-dao-bai-2-boi-dap-niem-tin-yeu-cho-dong-bao-hai-tuyen-bien-gioi/188878.htm