Chiến sĩ 'sao vuông' làm 'bà đỡ'

Lần đầu tham gia đỡ đẻ, tuy còn khá bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự hướng dẫn của bác sĩ Nguyễn Thị Trâm, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), anh Dương Tuấn Tú, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hòa Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại dấu ấn, tình cảm tốt đẹp đối với gia đình sản phụ và đông đảo người dân trên địa bàn.

 Đồng chí Dương Tuấn Tú (mặc áo sơ mi xanh) tham gia đỡ đẻ cho sản phụ Trần Thị Thùy Trang.

Đồng chí Dương Tuấn Tú (mặc áo sơ mi xanh) tham gia đỡ đẻ cho sản phụ Trần Thị Thùy Trang.

Sáng 1-9, chúng tôi được Dương Tuấn Tú cung cấp thông tin về cơ duyên được làm “bà đỡ” bất ngờ này. Anh kể: “Khoảng 23 giờ 30 phút đêm 27-8, đang tham gia trực chốt trên tuyến đường liên xã, chúng tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Văn Lương (32 tuổi, làm nghề điện nước) trú tại tổ 1, thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, báo tin vợ mình là chị Trần Thị Thùy Trang, mang thai tháng thứ 9 bất ngờ bị vỡ ối, sắp sinh, đề nghị được hỗ trợ. Trời lúc đó đang có mưa to, song nhận định tình thế rất nguy cấp, bác sĩ Nguyễn Thị Trâm vội vàng khoác túi thuốc rồi nhờ tôi và Trung úy Phạm Tự Lực, cảnh sát khu vực cùng lên đường tham gia hỗ trợ. Do gia đình sản phụ nằm trong khe núi, đường quanh co, nhỏ hẹp lại trơn trượt nên mới đi được một đoạn chúng tôi đành phải bỏ xe, nhảy xuống chạy bộ, băng qua khu nghĩa địa và một rừng cây để vào nhà”.

Đón “Tổ công tác đặc biệt” trước hiên nhà, anh Nguyễn Văn Lương lo lắng cho biết, theo lịch dự sinh, khoảng 10 ngày nữa vợ anh mới phải nhập viện để theo dõi. Thế mà nửa đêm, chị Thùy Trang kêu đau bụng rồi bất ngờ vỡ ối, khiến hai vợ chồng cuống quýt cả lên. Sinh con đầu lòng, chưa có kinh nghiệm nên trong lúc chờ nhân viên y tế, anh Lương rối như gà mắc tóc, chẳng biết phải làm gì. Sau khi thăm khám, thấy đầu cháu bé đã nhô ra được một phần, nếu chuyển viện sẽ không bảo đảm an toàn, chị Trâm quyết định cho sản phụ sinh ngay tại nhà vì thời gian đã quá gấp gấp. Theo sự hướng dẫn của chị, anh Tú, anh Lực vừa tích cực chuẩn bị bông băng, vật tư y tế vừa thay nhau ép bụng cho sản phụ. Gần nửa giờ sau, một bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm nặng khoảng 3,2kg cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vỡ òa của tất cả mọi người.

Niềm vui của các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS xã Hòa Ninh sau khi tham gia dập tắt một đám cháy rừng trên địa bàn.

Niềm vui của các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS xã Hòa Ninh sau khi tham gia dập tắt một đám cháy rừng trên địa bàn.

Gần sáng, khi trời đã ngớt mưa, “Tổ công tác đặc biệt” lại thay nhau bế mẹ con sản phụ vượt quãng đường gần một cây số ra vị trí xe cứu thương đang chờ sẵn, đưa đến Bệnh viện Giao thông 5 để tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Có lẽ vì quá phấn chấn, khi xe cấp cứu chuẩn bị nổ máy rời đi, anh Lương mới phát hiện bịch đồ mình vừa tự tay chuẩn bị cho hai mẹ con vẫn để ở trong nhà. Chẳng chút đắn đo, anh Tú lại sắn quần, chạy vào nhà lấy giúp. Về đến đơn vị, đói và mệt lả song anh Tú và mọi người đều cảm thấy rất vui. Chiều 31-8, trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, anh Lương không giấu được niềm vui: “Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, ai ở đâu thì ở đó, biết vợ sắp đến ngày sinh nở nên tôi chủ động lên mạng tìm hiểu, lưu vào danh bạ hàng chục số điện thoại của các chuyến xe cấp cứu 0 đồng, phòng khi cần đến. Vậy mà đúng đêm trời có mưa to, gió lớn, vợ tôi lại bất ngờ chuyển dạ khiến tôi không kịp trở tay. May nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của chị Trâm, anh Tú và anh Lực mà vợ con tôi được vuông tròn. Trước lúc chuyển viện, thấy hoàn cảnh tôi quá khó khăn, các anh chị còn góp tiền mừng cho gia đình tôi nữa”.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài chuyện “đỡ đẻ”, tuần tra, chốt chặn, truy vết F0, phun khử khuẩn các khu vực có nguy cơ lây nhiễm, trong thời gian trực chốt, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS xã Hòa Ninh còn tham gia các tổ công tác liên ngành “8394” kịp thời phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng trộm cắp tài sản, 1 đối tượng truy nã, 1 đối tượng tàng trữ chất ma túy trái phép. Chỉ trong tháng 8, đơn vị đã 4 lần huy động lực lượng phối hợp cùng các lực lượng chức năng kịp thời dập tắt những đám cháy rừng lớn trên địa bàn các thôn An Sơn, Trung Nghĩa, Trung Phước, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Công việc vất vả nặng nhọc, nguy cơ lây nhiễm cao, đã nhiều tháng nay các chiến sĩ không được về thăm gia đình.

Bản thân anh Tú, đã lấy vợ được hơn nửa năm nhưng thời gian ở bên gia đình cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chưa một lần được làm cha, song khi cần kíp, anh đã làm tròn chức năng “bà đỡ”. “Tất cả vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân”, giữa cơn đại dịch, sự tận tâm, trách nhiệm và những hy sinh thầm lặng của các “sao vuông” xã Hòa Ninh luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con ghi nhận, đánh giá cao.

Bài, ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tren-tuyen-dau-chong-dich/cac-van-de/chien-si-sao-vuong-lam-ba-do-670096