Nông dân Châu Thành thu trái ngọt trên đất phèn
Không có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, song bằng ý chí làm giàu và tinh thần sáng tạo, nhiều nông dân dân, HTX ở Châu Thành (Tây Ninh) đã biến những vùng đất phèn mặn thành những trang trại, vườn cây ăn quả, rau hoa xanh mướt, cho giá trị cao.
Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, ngay từ nhỏ, anh Huy Thành đã đau đáu khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chính vì vậy, khi tốt nghiệp phổ thông, anh theo học chuyên ngành nông lâm, chuẩn bị hành trang lập nghiệp sau này.
Làm giàu trên đất khó
Năm 2021, sau nhiều năm học tập và làm việc xa nhà, với vốn kiến thức tích lũy được cùng khát vọng làm giàu, anh Thành trở về quê hương lập nghiệp trên chính mảnh đất ông cha để lại.
Nếu hầu hết những người nông dân ở Hòa Hội ngày ấy đều chọn những cây trồng cũ như mía, mì (sắn), lúa... thì anh Thành chọn một cây trồng mới là dưa lưới. Xác định để làm giàu thì không thể làm theo cách cũ, anh đầu tư để triển khai trồng dưa công nghệ cao.
Vốn liếng được dồn vào các khu nhà màng trồng dưa, nhưng dù đã chuẩn bị rất kỹ càng cả về cơ sở vật chất và kỹ thuật, anh Thành cũng mất gần 1 năm, với nhiều cú vấp ngã để có được mẻ dưa lưới chất lượng cao đầu tiên. Một điểm đặc biệt là thay vì trồng trên giá thể, anh Thành chọn trồng trực tiếp trên đất, qua đó góp phần tiết kiệm chi phí, nước, phân bón...
Sau hơn 3 năm khởi nghiệp, trang trại của gia đình anh Thành hiện có 1,5 ha dưa. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất, chất lượng sản phẩm luôn vượt trội, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Sau mỗi vụ thu hoạch, anh Thành "cất két" 400-600 triệu đồng lợi nhuận.
Không chỉ riêng anh Thành, hiệu quả của mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao đang thu hút hàng chục hộ nông dân trên địa bàn xã Hòa Hội. Tính chung trên toàn huyện Châu Thành thì số hộ phát triển mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao lên tới hàng trăm. Không chỉ là cây thoát nghèo, cây dưa lưới đang trở thành cây làm giàu của nhiều hộ dân.
Nếu cây dưa lưới đang cho thấy tiềm năng lớn tại Hòa Hội thì ở Trí Bình nhiều năm qua, quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng xanh, sạch, an toàn đang mang lại hiệu quả cao với loạt cây trồng chẳng mấy xa lạ như rau màu, các loại đậu, rau gia vị...
Động lực từ liên kết sản xuất
Đơn cử như cách đây hơn 3 năm, HTX nông nghiệp Đồng Xanh được thành lập ở ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình với 7 thành viên. Ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX gồm trồng các loại rau, đậu, cây gia vị, cây dược liệu; tổ chức sản xuất, dịch vụ chăm sóc và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, cung cấp giống, phân bón…
Tính đến nay, HTX đã liên kết được các thành viên tạo sức mạnh tập thể nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, cung ứng các dịch vụ đầu vào cho nông dân như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giống… với giá cả phù hợp, đảm bảo chất lượng, qua đó góp phần tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX.
Ngoài ra, phải kể đến HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Trí Bình đã hoạt động được 5 năm nay. Lúc đầu thành lập, HTX có 32 thành viên, tổng diện tích canh tác là 34,2 ha ở xã Trí Bình.
Thời gian qua, HTX này đã tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ chăm sóc, thu hoạch sản phẩm. Khi tham gia HTX, các thành viên được hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng, năng suất cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hạn chế những rủi ro trong sản xuất.
HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Trí Bình được đánh giá đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở xã Trí Bình và tham gia thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ với xã Trí Bình, để giảm nghèo ở huyện Châu Thành đạt hiệu quả cao thì việc tạo động lực để các HTX nông nghiệp phát triển nhằm nâng cao đời sống cho bà con nông dân địa phương là rất quan trọng.
Điều này có thể thấy ở HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu tại xã Hòa Thạnh. Đây là một HTX điển hình của huyện, đến nay đã có 86 thành viên, với tổng diện tích canh tác là hơn 200 ha. HTX hoạt động chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và cung ứng các loại giống, phân bón cho các thành viên.
Ông Lý Văn Sa, thành viên của HTX phấn khởi nói: “Từ khi tham gia HTX đến nay, tôi cũng như một số thành viên được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, HTX còn thực hiện nhiều mô hình để tạo đầu ra cho sản phẩm, từ đó tăng lợi nhuận cho các thành viên”.
Thêm “bà đỡ” giảm nghèo
Với kết quả thực tế, thời gian tới, để các HTX nông nghiệp ở Châu Thành là bệ đỡ cho ngành nông nghiệp và là “bà đỡ” cho xóa đói giảm nghèo, đã có nhiều kiến nghị tỉnh Tây Ninh cần đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX.
Đặc biệt trong trường hợp những HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thì rất cần kỹ sư nông nghiệp có trình độ chuyên môn để giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để tìm, giữ được trí thức thức trẻ phù hợp, làm việc lâu dài, bên cạnh sự hỗ trợ của địa phương thì các HTX ở Châu Thành cũng cần quan tâm tạo điều kiện để tăng thêm thu nhập, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để những trí thức này phát huy năng lực, sở trường, qua đó giúp HTX nâng cao chất lượng hoạt động.
Bên cạnh phát huy vai trò liên kết của các HTX, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành dự kiến tiếp tục thúc đẩy việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân an tâm sản xuất, ổn định đầu ra và thu nhập, giúp HTX, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng nông sản.
Đồng thời, huyện cũng định hướng phát triển các cây trồng chủ lực theo hướng đẩy mạnh thâm canh, cánh đồng lớn, cơ giới hóa đồng bộ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng một số mô hình, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến...