Chiến sự chuyển sang miền Đông Ukraine, báo hiệu xung đột sẽ dai dẳng

Các lô hàng, bao gồm vũ khí chống tăng Javelin và hệ thống tên lửa phòng không Stinger, trong gói viện trợ 800 triệu USD của Mỹ đã đến Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài phát biểu video hôm 31/3 rằng tình hình ở miền Nam đất nước và khu vực Donbass ở miền Đông vẫn vô cùng khó khăn.

Ông Zelensky cho rằng Nga đang xây dựng lực lượng xung quanh thành phố cảng Mariupol ở miền Đông Nam. Mariupol đã trở thành tâm điểm giao tranh trong nhiều tuần khi lực lượng Nga cố gắng chiếm bờ biển Azov.

"Sẽ có những trận chiến ở phía trước. Chúng ta vẫn cần phải đi trên một con đường rất khó khăn để đạt được mọi thứ chúng ta muốn", ông Zelensky tuyên bố.

Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, việc Nga tái bố trí các nỗ lực tập trung vào khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, có thể dẫn đến một "cuộc xung đột kéo dài hơn, dai dẳng hơn".

"Việc người Nga ưu tiên và dồn nhiều lực lượng hơn hoặc nhiều năng lượng hơn vào đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ dễ dàng đối với họ", vị quan chức này cho biết. "Đó có thể là dấu hiệu báo trước một cuộc xung đột kéo dài hơn, dai dẳng hơn ở đây khi người Nga cố gắng đạt được một số đòn bẩy, đạt được một số tiến bộ và có thể là để giành được một số lợi thế trên bàn đàm phán".

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố cuộc chiến đang bước sang một giai đoạn mới, và quân đội Nga sẽ tập trung vào Donbass. Tình báo Mỹ cho biết, một số binh sĩ Nga đang được tái bố trí khỏi khu vực Kiev, nhưng các cuộc pháo kích vào khu vực này vẫn tiếp diễn.

Các lực lượng Nga vẫn giữ các vị trí xung quanh Kiev, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết. Miền Đông Bắc Ukraine không chứng kiến đợt tấn công nào mới trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Al Jazeera

Các lực lượng Nga vẫn giữ các vị trí xung quanh Kiev, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết. Miền Đông Bắc Ukraine không chứng kiến đợt tấn công nào mới trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Al Jazeera

Trong một diễn biến khác, quân đội Nga đã rời khỏi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine sau nhiều tuần kiểm soát khu vực này, các quan chức ở Kiev, thuộc cơ quan nhà nước Ukraine phụ trách khu vực loại trừ Chernobyl, cho biết trên Facebook hôm 31/3.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, IAEA, cũng xác nhận rằng họ đã nhận được thông báo từ Ukraine rằng các lực lượng Nga đã trao quyền kiểm soát nhà máy điện và "các đoàn quân đã di chuyển".

Cơ quan này cũng cho biết, họ sẽ gửi các lực lượng hỗ trợ đến Chornobyl trong vài ngày tới.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga đang tái triển khai các lực lượng từ Gruzia cho cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là một động thái mà Bộ Quốc phòng Anh cho là nhấn mạnh "những tổn thất không mong muốn" của Moscow trong chiến dịch này.

“Khoảng 1.200-2.000 quân Nga đang được tổ chức lại thành các Nhóm Chiến thuật Tiểu đoàn”, Bộ này cho biết trong một bài đăng trên Twitter.

Lầu Năm Góc: Viện trợ quân sự của Mỹ đã đến Ukraine

Những chuyến hàng đầu tiên, gồm vũ khí Mỹ và các hỗ trợ an ninh khác, đã đến Ukraine, trong khuôn khổ gói viện trợ 800 triệu USD mà Tổng thống Biden đã phê duyệt vào ngày 16/3, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Người phát ngôn John Kirby hôm 31/3 cho biết, các lô hàng bao gồm vũ khí chống tăng Javelin, hệ thống tên lửa phòng không Stinger, áo giáp, vật tư y tế và các vật liệu khác.

Ông Kirby cho biết, 800 triệu USD viện trợ có thể sẽ được chuyển giao đầy đủ trong vòng khoảng 2 tuần. Gói này cũng bao gồm máy bay trực thăng Mi-17, vũ khí cỡ nhỏ, đạn dược, xe cộ, hệ thống liên lạc an toàn cũng như khả năng phân tích và hình ảnh vệ tinh.

Binh sĩ Ukraine chất tên lửa chống tăng Javelin, được chuyển giao trong khuôn khổ hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine, vào một xe tải quân sự tại sân bay Boryspil, ngoại ô Kiev, ngày 11/2/2022. Ảnh: CP24

Binh sĩ Ukraine chất tên lửa chống tăng Javelin, được chuyển giao trong khuôn khổ hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine, vào một xe tải quân sự tại sân bay Boryspil, ngoại ô Kiev, ngày 11/2/2022. Ảnh: CP24

Kỳ vọng về vòng đàm phán tiếp theo giữa Ngoại trưởng Nga và Ukraine

Moscow sẽ không từ chối cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, nhưng bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa họ cũng cần phải thực chất, hãng thông tấn RIA dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm 31/3.

Trước đó, hôm 31/3, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách để đưa Ngoại trưởng Ukraine và Nga đến bên bàn đàm phán thêm lần nữa, sau vòng đàm phán cấp chuyên gia ở Istanbul hôm 29/3.

Ông Cavusoglu cho biết, cuộc gặp cấp cao có thể diễn ra trong vòng hai tuần tới.

Phát biểu với đài truyền hình A Haber hôm 31/3, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết, Ankara chưa nhìn thấy các quyết định được đưa ra trong các cuộc thảo luận được thực thi đầy đủ, bao gồm cả việc rút các lực lượng Nga khỏi một số khu vực, nhưng vẫn đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Trước sự xuất hiện bất ngờ của ông Roman Abramovich tại cuộc hội đàm ở Istanbul hôm 29/3, ông Cavusoglu cho biết, vị tỷ phú Nga đang làm việc tận tâm để chấm dứt chiến tranh.

Ông Abramovich đã liên lạc giữa Kiev và Moscow kể từ khi cuộc xung đột giữa hai bên bắt đầu bùng phát vào ngày 24/2, ông Cavusoglu cho biết thêm.

Các cuộc đàm phán cấp chuyên gia giữa Ukraine và Nga để đạt được một thỏa thuận hòa bình có thể sẽ được nối lại vào ngày 1/4 qua liên kết video, theo trưởng phái đoàn đàm phán Ukraine.

Ukraine triệu hồi đại sứ tại Gruzia và Maroc

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triệu hồi các đại sứ Ukraine tại Gruzia (Georgia) và Maroc (Morocco), ám chỉ rằng họ đã không làm đủ để thuyết phục các nước này ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga khi cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine bước sang tuần thứ 6.

"Tôi đang chờ đợi kết quả cụ thể trong những ngày tới từ công việc của các đại diện của đất nước ở Mỹ Latinh, Trung Đông, Đông Nam Á và châu Phi", Tổng thống Zelensky cho biết tring bài phát biểu video hàng tối trước người dân toàn quốc.

Ông Zelensky cũng cho biết, ông đang chờ kết quả từ các tùy viên quân sự của Ukraine tại các Đại sứ quán ở nước ngoài, tuyên bố rằng "mặt trận ngoại giao là một trong những mặt trận then chốt" trong cuộc chiến của Ukraine với Nga.

Trong bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Úc ngày 31.3.2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Úc viện trợ xe bọc thép. Ảnh Stars and Stripes

Trong bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Úc ngày 31.3.2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Úc viện trợ xe bọc thép. Ảnh Stars and Stripes

Các biện pháp trừng phạt Nga đe dọa “ngôi vương” của đồng USD

Các biện pháp trừng phạt tài chính áp đặt lên Nga đe dọa làm loãng dần sự thống trị của đồng USD và có thể dẫn đến hệ thống tiền tệ quốc tế phân mảnh hơn, một quan chức hàng đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.

"Đồng USD sẽ vẫn là tiền tệ toàn cầu chính ngay cả trong bối cảnh đó, nhưng sự phân mảnh ở cấp độ nhỏ hơn chắc chắn là hoàn toàn có thể xảy ra", bà Gita Gopinath, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, nói với tờ Financial Times, bổ sung rằng một số quốc gia đang đàm phán lại về loại tiền tệ mà họ được thanh toán cho thương mại.

Bà cho biết, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ thúc đẩy việc áp dụng tài chính số, từ tiền điện tử đến đồng tiền ổn định (stablecoin) và tiền số của các ngân hàng trung ương.

Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chien-su-chuyen-sang-mien-dong-ukraine-bao-hieu-xung-dot-se-dai-dang-a548356.html