Chiến sự Gaza: Hamas nói gì về hiệp định đình chiến với Israel?
Người phát ngôn lực lượng Hamas Hazem Qasem nhận định với Sputnik ngày 8/10 rằng hiệp định đình chiến với Israel hiện không có khả năng xảy ra bởi Israel đã 'leo thang chiến tranh', đồng thời cho biết việc đàm phán để thả những người Israel bị bắt giữ sẽ diễn ra sau khi Chiến dịch Al-Aqsa Flood kết thúc.
“Sẽ không thể có cuộc đàm phán nào về hiệp định đình chiến trong khi Israel đang leo thang chiến tranh", ông Qasem nhận định với Sputnik.
Người phát ngôn Hamas cũng cho rằng hiện còn quá sớm để thảo luận về việc đàm phán bởi trong xung đột thì "chiến trường sẽ quyết định ai là người kiểm soát tình hình". Ông thông báo, các cuộc đàm phán về những binh lính Israel bị bắt giữ sẽ diễn ra sau khi kết thúc Chiến dịch Al-Aqsa Flood của Hamas
"Các cuộc trao đổi về các binh lính Israel bị bắt giữ sẽ diễn ra sau khi kết thúc trận chiến Al-Aqsa Flood", ông Qasem nói, cho biết vấn đề này thuộc trách nhiệm của Lữ đoàn Al-Qassam.
Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Israel Netanyahu thông báo đêm 7/10 rằng, Nội các an ninh Israel bỏ phiếu chính thức tuyên chiến, mở cửa cho việc thực hiện "các hoạt động quân sự lớn". Đây là lời tuyên chiến đầu tiên của Israel kể từ cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Liên quan đến phản ứng của quốc tế đối với cuộc khủng hoảng, truyền hình NBC của Mỹ cho biết giới chức quân đội nước này có kế hoạch điều tàu sân bay và chiến hạm tới vùng biển Israel để thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ với đồng minh. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo sẽ viện trợ bổ sung khẩn cấp cho Israel để đối phó với cuộc tấn công chưa từng có của Hamas, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia kêu gọi "ngừng chiến ngay lập tức và tiến tới lệnh ngừng bắn cũng như các cuộc đàm phán ý nghĩa, đã được nêu ra trong hàng thập kỷ" bởi Hội đồng Bảo an.
"Đây là một phần kết quả của những vấn đề chưa được giải quyết", ông Nebenzia cho hay.
Nhiều quốc gia khu vực cũng lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng, trong đó, một số quốc gia như Ai Cập, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẵn sàng làm trung gian hòa giải để chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình tại khu vực.