Chiến sự Gaza: Ngừng bắn, rồi sao nữa?
Nhóm vũ trang Hamas xem lệnh ngừng bắn là chiến thắng của họ trước đối thủ có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn rất nhiều sau 11 ngày giao tranh ác liệt
Hàng ngàn người Palestine đổ ra đường phố ăn mừng lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào 2 giờ ngày 21-5 (giờ địa phương) giữa Israel và phong trào Hamas kiểm soát Gaza. Người dân reo hò trước những ngôi nhà đổ nát tại Dải Gaza trong khi xe cộ chạy vòng quanh khu Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem cũng như khu Bờ Tây, không ngừng bấm kèn, vẫy cờ và bắn pháo hoa.
Theo AP, nhiều ý kiến đồng tình là Hamas thắng nhưng cho rằng cái giá quá đắt. Bộ Y tế Gaza cho biết có ít nhất 232 người Palestine thiệt mạng, bao gồm 65 trẻ em và 39 phụ nữ, cùng 1.710 người bị thương. Phía Israel có 12 người tử vong, trong đó có 2 trẻ em. Bản thân Hamas và nhóm vũ trang nhỏ hơn là Thánh chiến Hồi giáo (IJ) tuyên bố có ít nhất 20 tay súng thiệt mạng song Israel cho rằng ít nhất phải 130.
Hạ tầng Gaza vốn đã xuống cấp sau 14 năm bị phong tỏa nay càng thảm hại, khi các cuộc không kích của Israel phá sập khoảng 16.800 ngôi nhà, bao gồm nhiều trường học và trung tâm y tế. Dù vậy, việc Hamas bắn hơn 4.000 quả rốc-két về phía các thành phố của Israel, khiến cuộc sống nước này ngưng trệ được nhiều người Palestine xem là sự đáp trả mạnh mẽ.
Về phần mình, quân đội Israel tuyên bố đã phá hủy nặng nề hạ tầng quân sự của Hamas, bao gồm mạng lưới đường hầm khổng lồ, các điểm phóng tên lửa, cơ sở sản xuất vũ khí và nhà riêng của các chỉ huy. Nhưng cũng như 3 cuộc chiến trước đây, Israel không thể ngăn chặn đối phương tiếp tục phóng rốc-két.
Không chỉ vậy, Thủ tướng Benjamin Netanyahu bị khối cánh hữu ủng hộ mình chỉ trích là đình chiến quá sớm. Vị trí của thủ tướng Israel có thể bị đe dọa hơn nữa nếu tiết lộ của phía Hamas là đúng, rằng ông Netanyahu đã đồng ý không hạn chế người Palestine đi lễ ở đền Al Aqsa và hủy bỏ việc trục xuất các gia đình Palestine ra khỏi khu Sheikh Jarrah ở Jerusalem. Đây chính là nguồn cơn trực tiếp gây ra nhiều ngày đụng độ giữa người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel, dẫn đến hành động của Hamas.
Lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian và do Mỹ gây sức ép lên Israel. Ban đầu, Mỹ ủng hộ "quyền tự vệ của Israel" nhưng khi đụng độ kéo dài và thương vong tăng mạnh, Tổng thống Joe Biden không ngừng thúc ép Israel xuống thang. Đến cuối ngày 20-5, văn phòng của ông Netanyahu thông báo thỏa thuận ngừng bắn và Hamas nhanh chóng theo bước.
Việc một số thanh niên Palestine ở thị trấn Ramallah của Bờ Tây đổ ra đường vẫy cả cờ màu xanh lá của Hamas có thể khiến chính phủ của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lo lắng. Theo giới phân tích, với việc nhân danh bảo vệ người Palestine ở Jerusalem khi bắt đầu dội rốc-két về phía Israel ngày 10-5, Hamas còn có mục đích gạt ông Abbas, 85 tuổi, ra bên lề.
Dù ông Abbas nhận được cuộc điện thoại đầu tiên của ông Biden nhưng chính phủ được phương Tây ủng hộ của ông hầu như không có ảnh hưởng ở Gaza. Dải đất này bị Ai Cập phong tỏa năm 2007, sau khi Hamas chiếm quyền của chính quyền Palestine.
Lệnh ngừng bắn dù mong manh song cuộc sống vẫn tiếp tục. Một khu chợ ngoài trời ở Gaza mở cửa trở lại, trong lúc người dân nhanh tay nhặt cà chua, cải bắp… tươi mới thì nhân viên vệ sinh quét dọn những đống đổ nát trên đường phố lân cận.
"Đây không phải là cuộc chiến đầu tiên, cũng không phải là cuối cùng. (…) Nhưng số phận của chúng tôi trên mảnh đất này là vậy, phải kiên nhẫn" - ông Ashraf Abu Mohammad, chủ một cửa hàng, bộc bạch với AP.
Còn bên phía Israel, theo Reuters, sau nhiều ngày phát tin chiến sự, các đài phát thanh nước này đã mở lại chương trình ca nhạc. Dù vậy, tâm trạng thấp thỏm vẫn hiển hiện qua lời anh Eiv Izyaev, kỹ sư phần mềm 30 tuổi sống ở Tel Aviv: "Đụng độ chấm dứt thì tốt rồi nhưng e là chẳng mấy chốc sẽ lại tới lần căng thẳng tiếp theo".