Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 16/7/2023: Chuyên gia Nga ước tính khoảng 400.000 quân nhân Ukraine thiệt mạng kể từ đầu xung đột

Thông tin Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 16/7: Từ khi Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất khoảng 400.000 quân nhân.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Ura.ru, chuyên gia quân sự, đại tá lực lượng đặc biệt đã nghỉ hưu Anatoly Matviychuk đánh giá, tính từ khi Nga bắt đầu tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt, Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất khoảng 400.000 quân nhân.

Theo lời chuyên gia Anatoly Matviychuk, nếu tính cả số bị thương, bị bệnh và các nguyên nhân khác không thể chiến đấu, Ukraine đã mất từ 700.000 tới 800.000 quân nhân. Với những kết quả trên chiến trường hiện tại, chỉ còn một phần nhỏ quân nhân Ukraine còn động lực chiến đấu, trong khi phần lớn họ là lính nghĩa vụ không muốn tiếp tục tham chiến.

 Binh sĩ Nga tham chiến ở mặt trận Kherson

Binh sĩ Nga tham chiến ở mặt trận Kherson

“Mọi người không muốn xung đột tiếp diễn. Những thành phần dân tộc chủ nghĩa tham gia chiến đấu thường đã thiệt mạng hoặc đã rút lui khi nhận ra sự vô nghĩa của cuộc chiến”, chuyên gia Anatoly Matviychuk đánh giá.

Phần lớn các đơn vị quân sự Ukraine tham chiến chịu sự giám sát của các tiểu đoàn dân tộc cực đoan và sự duy ý chí của Kiev.

Trước đó, theo thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga, chỉ tính riêng trong đợt phản công quy mô lớn Ukraine bắt đầu từ tháng 6/2023, Ukraine đã mất 26.000 binh sĩ và hơn 3.000 phương tiện chiến đấu bị phá hủy.

Nói về thiệt hại của Ukraine trong phản công, tờ báo Mỹ The New York Times dẫn các nguồn tin thân cận đăng tải, trong 2 tuần đầu tiên chiến sự, Ukraine đã mất 20% tổng trang bị được đưa ra tiền tuyến.

Trong số phương tiện bị phá hủy có nhiều loại xe tăng và xe chiến đấu hiện đại của phương Tây được Ukraine kỳ vọng sẽ áp đảo tuyến phòng thủ của Nga.

Trong những tuần tiếp sau đó, mỗi tuần, Ukraine mất khoảng 10% số trang bị, dù tốc độ phản công đã chậm lại. Một thông tin đáng chú ý khác là Ukraine có thể sẽ dừng việc sử dụng xe tăng Leopard-2 do sự kém tin cậy, bảo dưỡng khó khăn và luôn là mục tiêu ưu tiên phá hủy từ phía Nga. Điều này càng rõ ràng khi Đức đã đặt trung tâm bảo trì dòng xe tăng này tại Ba Lan.

Về tình hình chiến sự, sau những tuyên bố của Kiev trong tuần qua về khả năng mở mặt trận mới tại vùng Kherson, Quân đội Nga trong khu vực đã đánh bật lực lượng Ukraine vượt sông Dnieper và giành quyền kiểm soát các vị trí chiến thuật quan trọng tại chân cầu Antonovsky.

Theo lời Quyền Thống đốc khu vực Kherson Vladimir Saldo, lực lượng Ukraine đã bị ngăn chặn tại đảo nổi trên sông Dnieper. Với sự chi viện hỏa lực pháo binh và không quân, binh sĩ Nga đã quét sạch khu vực chân cầu bên hữu ngạn dòng sông.

“Đây là khu vực rất quan trọng về mặt chiến thuật. Từ vị trí bàn đạp này, Ukraine có thể tổ chức các đơn tấn công thăm dò hay mở rộng khu vực đầu cầu tại bờ sông. Chính vì thế, chúng tôi đã kiểm soát lại chúng”, ông Vladimir Saldo nói.

Trước đó, đã có thông tin về việc Ukraine tăng cường lực lượng đổ bộ sang hữu ngạn sông Dnieper với vị trí bàn đạp quan trọng ở chân cầu Antonovsky. Tuy nhiên, các xuồng đổ bộ của Ukraine đã bị phát hiện và bị phá hủy trước khi kịp đổ bộ.

Cùng với đó, để chặn đứng các hướng tiếp tế và mũi phản công của Ukraine trên tiền tuyến, Bộ Quốc phòng Nga thông tin 93 khu vực tập trung quân và kho tàng của Ukraine đã bị tấn công trong ngày 15/7. Các vụ tấn công được thực hiện bởi không quân chiến thuật và pháo binh Nga.

Đáng chú ý, Nga đã phá hủy các kho đạn của Ukraine tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và khu vực Zaporozhye; các vị trí tập trung binh lực ở khu định cư Yampol (DPR), Malaya Tokmachka và Novosolenoe của vùng Zaporozhye.

Các kho đạn của các Lữ đoàn pháo binh cơ giới 33 và 44, cũng như của Lữ đoàn 5 Vệ binh Quốc gia của Ukraine ở gần Makarovka, DPR; Lữ đoàn Phòng thủ lãnh thổ 129.

Liên quan tới thỏa thuận ngũ cốc sắp hết hạn vào đầu tháng 8/2023, hãng thông tấn RIA Novosti đánh giá, trong hơn 1 năm qua, Ukraine đã thu được 9,8 tỷ USD thông qua việc xuất khẩu 50,6 triệu tấn ngũ cốc. Phần lớn việc xuất khẩu ngũ cốc được thực hiện bằng đường thủy qua Biển Đen với tỷ lệ trên 80% các hợp đồng xuất khẩu.

Trong trường hợp thỏa thuận ngũ cốc không được gia hạn, Ukraine sẽ bị thiệt hại khoảng 500 triệu USD/tháng.

Hiện tại, Moscow đang yêu cầu phương Tây thực hiện đúng các cam kết đã ký theo Sáng kiến Biển Đen về việc tạo hành lang xuất khẩu ngũ cốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, thỏa thuận ngũ cốc sẽ chỉ được gia hạn, nếu các đề nghị của Nga được giải quyết đúng hạn.

Kim Ngân (tổng hợp)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chien-su-nga-ukraine-hom-nay-ngay-1672023-chuyen-gia-nga-uoc-tinh-khoang-400000-quan-nhan-ukraine-thiet-mang-ke-tu-dau-xung-dot-262445.html