Chiến sự Nga - Ukraine tròn 2 năm: Nỗi lo cạn nguồn viện trợ và bị bỏ rơi của Kiev

Tâm trạng ở Ukraine vẫn ảm đạm như ngày Nga phát động 'chiến dịch quân sự đặc biệt' hai năm về trước, tức ngày 24 tháng 2 năm 2022. Quân đội Ukraine đang thiếu đạn dược và đã đứng trước viễn cảnh bị lãng quên bởi các đồng minh toàn cầu của mình.

Dấu mốc 2 năm đến ngay sau một trong những tổn thất nặng nề nhất mà Ukraine phải gánh chịu trong xung đột. Việc thất thủ mang tính biểu tượng ở thị trấn Avdiivka đã diễn ra sau nhiều tháng bị Nga áp đảo về nhân sự và cả hỏa lực. Như một chỉ huy Ukraine cho biết, đó là một cuộc chiến 1 chọi 7.

 Ukraine đang cạn kiệt đạn pháo. Ảnh: NYT

Ukraine đang cạn kiệt đạn pháo. Ảnh: NYT

Ukraine đổ lỗi cho thất bại là do lượng đạn dược thiếu đến mức nguy hiểm. Sự thiếu hụt xảy ra trong bối cảnh Kiev và các nước châu Âu khác lo ngại về tương lai hỗ trợ của Mỹ cho cỗ máy chiến tranh ở Ukraine.

Khoảng 60 tỷ USD tiền tài trợ bổ sung vẫn bị giữ lại do bế tắc chính trị tại Quốc hội Mỹ. Ngay cả khi viện trợ của châu Âu tiếp tục được đổ vào, viện trợ của Mỹ vẫn được coi là rất quan trọng đối với Ukraine, vì nó bao gồm đạn dược, đạn pháo và bảo trì các thiết bị do Mỹ sản xuất và cung cấp.

Người phát ngôn hàng đầu của Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Âu và châu Phi đã cảnh báo trong tuần này trong một cuộc phỏng vấn với CBS News rằng họ dự kiến “sẽ hết tiền trước mùa hè” cho các hoạt động ở cả hai châu lục nếu tiền không được giải ngân.

Tình hình còn nghiêm trọng hơn đối với Ukraine khi nước Mỹ đang bước vào cuộc bầu cử tổng thống 2024 với chiến thắng hoàn toàn có thể thuộc về ông Donald Trump, người được cho rằng có thể chấm dứt hoặc giảm mạnh nguồn viện trợ cho Ukraine nếu đắc cử.

 So sánh quân sự giữa Nga và Ukraine. Ảnh đồ họa: AJ

So sánh quân sự giữa Nga và Ukraine. Ảnh đồ họa: AJ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, người đã cầu xin viện trợ của Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich vừa rồi, đã lường trước được viễn cảnh đáng sợ đó. “Nếu Trump, nếu ông ấy đến, tôi thậm chí sẵn sàng đi cùng ông ấy ra tiền tuyến”, Tổng thống Zelenskyy nói. Ông Trump được coi là ít ủng hộ Ukraine hơn nhiều so với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, người sẽ tiếp tục là đối thủ chính của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Ông Biden mới đây đã tiếp tục kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua gói viện trợ, lặp lại cảnh báo từ các đồng minh NATO ở châu Âu của Mỹ rằng nếu Ukraine thất bại, “cái giá mà Mỹ phải trả - cùng với các đồng minh và đối tác NATO của chúng ta ở châu Âu và trên toàn thế giới - sẽ tăng lên".

Ngay từ đầu cuộc chiến, thế giới đã chứng kiến sức mạnh hỏa lực vượt trội của Nga so với Ukraine. Năm ngoái, nhờ sự hỗ trợ to lớn từ Mỹ và các đồng minh khác, Ukraine đã phát động một cuộc phản công lớn, chiếm lại một số lãnh thổ, nhưng đã bất lực trước hệ thống phòng ngự dày đặc của Nga trên khắp các chiến tuyến phía đông.

Mặc dù chỉ riêng Mỹ đã đóng góp hơn 75 tỷ USD cho các nỗ lực phòng thủ của Ukraine, nhưng sức mạnh quân sự của Ukraine vẫn thua kém quá nhiều so với Nga sau 2 năm của cuộc chiến. Bởi vậy, có thể nói Kiev đang đối mặt với viễn cảnh đầy khó khăn trong cuộc chiến không cân sức với Nga.

Hoàng Hải (theo CBS, NYT, AJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chien-su-nga--ukraine-tron-2-nam-noi-lo-can-nguon-vien-tro-va-bi-bo-roi-cua-kiev-post285620.html