Chiến sự ngày 17/2: Nga tăng cường tấn công miền Đông Ukraine
Quân đội Nga đã tăng cường các cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hướng tới mục tiêu chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 3 năm qua đang đến gần.
Nga tăng cường tấn công ở miền đông Ukraine
Quân đội Nga thông báo đã giành quyền kiểm soát làng Berezivka, phía Đông Bắc Pokrovsk. Quân Nga đã tiến quân đều đặn ở phía Đông Ukraine trong nửa cuối năm 2024, chiếm được một vùng lãnh thổ ở phía Nam Pokrovsk và hiện đang tiến lên phía Tây Nam. Việc giành được quyền kiểm soát khu vực này có thể mở ra nhiều tuyến tấn công hơn cho Nga.
Tại các khu vực khác, Nga tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Vào sáng sớm 17/2, hệ thống phòng không ở khu vực trung tâm Thủ đô Kiev của Ukraine đã được kích hoạt sau khi còi báo động vang lên. Quân đội và các quan chức Ukraine cho biết, Nga đã phóng 147 máy bay không người lái để tấn công đất nước này vào đêm qua. Trong số 147 máy bay, lực lượng không quân Ukraine đã bắn hạ 83 máy bay không người lái và 59 máy bay khác không đánh tới mục tiêu. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào khu vực Kiev đã gây ra hỏa hoạn tại một cơ sở công nghiệp và làm hư hại 4 nhà riêng; 1 người đàn ông đã bị thương trong cuộc tấn công.
Ở chiều ngược lại, Ukraine cũng tiếp tục đẩy mạnh tấn công bằng máy bay không người lái. Đêm 17/2, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công nhà máy lọc dầu Ilsky của Nga ở khu vực Krasnodar, phía Nam nước Nga.
Nga bác khả năng nhượng bộ lãnh thổ trước các cuộc đàm phán với Mỹ
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 17/2 đã bác khả năng nhượng bộ lãnh thổ cho Ukraine. Lập trường cứng rắn trên được tái khẳng định ngay trước thời điểm các cuộc đàm phán với nhóm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Ả rập Xê út dự kiến diễn ra vào ngày 18/2.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: Reuters)
Điện Kremlin cho biết, ông Lavrov và ông Yuri Ushakov, Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, người cũng từng là Đại sứ Nga tại Mỹ, sẽ tham gia phái đoàn gặp các quan chức Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio.
Ông Lavrov cũng chỉ trích gay gắt nỗ lực của Ukraine nhằm đạt được một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận khai thác khoáng sản. "Chúng ta nên nhượng bộ như thế nào - với người dân Nga hay với kim loại đất hiếm?", ông Lavrov nói.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng sẽ từ chối nhượng bộ lãnh thổ và sẽ yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Tuần trước, Mỹ đã gây sốc cho các nhà lãnh đạo châu Âu khi tuyên bố rằng, vị trí của Ukraine không nằm trong NATO và rằng việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 là không thực tế, cũng như nhấn mạnh rằng, châu Âu sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán với Nga và Ukraine.
Ông Lavrov cũng cho biết, ông không thấy vai trò nào của châu Âu tại bàn đàm phán: "Nếu họ đưa ra một số ý tưởng khéo léo về việc đóng băng xung đột như thế này và bản thân họ... cũng nghĩ đến việc tiếp tục chiến tranh, thì tại sao lại mời họ?".
Châu Âu họp khẩn về tình hình Ukraine
Trước viễn cảnh có thể bị gạt ra ngoài trong các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, các nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Anh, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch ngày 17/2 đã tổ chức một cuộc họp khẩn không chính thức ở Paris.

Điện Élyseé, nơi diễn ra cuộc gặp của các nhà lãnh đạo châu Âu về Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Ngay trước cuộc họp này, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên tuyên bố sẵn sàng đưa quân gìn giữ hòa bình đến Ukraine.
Bình luận của ông Starmer nhấn mạnh nhận thức ngày càng tăng của các quốc gia châu Âu rằng, họ có thể sẽ phải đóng vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh của Ukraine khi Washington hợp tác riêng với Nga để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm này.
Trong khi đó, Thủ tướng Ulf Kristersson cho biết, Thụy Điển cũng sẽ cân nhắc đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình sau chiến tranh tại Ukraine, đồng thời nói thêm rằng, các cuộc đàm phán sẽ cần phải đạt tiến triển trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào như vậy.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc quân đội châu Âu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine đều là quá sớm. Ông Scholz cũng nhấn mạnh rằng, việc hỗ trợ Ukraine và quân đội của nước này sẽ là "một nhiệm vụ lớn đối với châu Âu, đối với Mỹ và các đối tác liên minh quốc tế".
"Chúng ta phải đảm bảo rằng châu Âu vượt qua những thách thức trong tương lai một cách mạnh mẽ và có chủ quyền và với sự hiên ngang", ông Scholz nói với các phóng viên bên lề một sự kiện vận động tranh cử ở Kassel, trước khi ông lên đường đến thủ đô của Pháp.
Một lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga và sẽ tăng thêm áp lực cho quân đội châu Âu, những nước đã cạn kiệt kho vũ khí cung cấp cho Ukraine và đã quen với việc phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ cho các nhiệm vụ lớn.
Bình luận về cuộc gặp của lãnh đạo một số nước châu Âu, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho rằng, EU không có thẩm quyền để thảo luận về triển khai quân đội ở Ukraine. "Các quan chức Liên minh châu Âu không có thẩm quyền để đàm phán tại Paris về vai trò của châu Âu trong bất kỳ lệnh ngừng bắn nào ở Ukraine", Thủ tướng Slovakia cho biết trong một tuyên bố chính thức. Theo Thủ tướng Slovakia, các cuộc thảo luận không liên quan đến EU và sự tham gia của các quan chức làm tổn hại đến lòng tin vào khối này. Ông Fico nhấn mạnh, vấn đề quân đội ở Ukraine chỉ dành cho Liên hợp quốc hoặc thông qua các thỏa thuận song phương và "là một chủ đề mà EU không liên quan và không nên bình luận".
Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các đồng minh châu Âu sửng sốt khi ông tuyên bố đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không tham khảo ý kiến của họ để thảo luận về việc chấm dứt xung đột. Nỗ lực đó dự kiến sẽ được thúc đẩy với các cuộc đàm phán trong tuần này tại Ả rập Xê út giữa các quan chức Mỹ và Nga.
Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine, ông Keith Kellogg cho biết rằng, châu Âu sẽ không có chỗ tại bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.