Chiến thắng ấn tượng bậc nhất của Israel trên chiến trường Trung Đông: Bí kíp nằm ở đâu?

Ngoài chiến thuật và thủ đoạn tinh quái, vòng nguyệt quế chiến thắng của quân đội Israel trên chiến trường Trung Đông còn cần có sự đóng góp của những yếu tố khác mới giành được.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến 6 ngày năm 1967

Sau Chiến tranh Trung Đông lần thứ hai (1956), Israel được trao cơ hội hòa bình hiếm có và đã có một thời kỳ phát triển hoàng kim trong 10 năm. Tuy nhiên, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, trong giai đoạn này, khu vực Trung Đông có nhiều biến động lớn, tác động đến các chính sách đối nội và đối ngoại của các quốc gia khu vực này.

Sau khi Cộng hòa Ả Rập Thống nhất (gồm Ai Cập và Syria) được thành lập vào tháng 2/1958, (tan rã vào năm 1961 khi Syria rút khỏi liên minh) và với sự liên minh của các nước Ả Rập, Israel ngày càng phải đối mặt với mối đe dọa và thù địch của các nước Ả Rập.

Điều nghiêm trọng hơn với an ninh của Israel là năm 1964, Syria, Jordan và Lebanon thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), mục tiêu của tổ chức này là tiêu diệt Nhà nước Israel thông qua đấu tranh vũ trang.

Nhưng việc thành lập PLO không đáng lo ngại bằng việc đạt được thỏa thuận về việc sử dụng nguồn nước sông Jordan. Việc thay đổi hướng của thượng nguồn sông Jordan, để không cho Israel sử dụng nước, là một vấn đề sinh tử đối với Israel. Ai Cập và các nước Ả Rập khác đã bày tỏ sự ủng hộ với thỏa thuận trên.

Trên thực tế, trước khi Chiến tranh Trung Đông lần thứ ba bùng nổ, Israel, Jordan và Lebanon đã rơi vào tình trạng chiến tranh. Sau mùa xuân năm 1966, Israel đã liên tục bị Jordan và Lebanon tấn công. Tất nhiên, quân đội Israel cũng đánh trả nhưng chỉ dừng lại ở những trận đánh quy mô nhỏ.

Khi xung đột giữa hai bên ngày càng gia tăng, vào năm 1967, Tổng thống Ai Cập Nasser đã ra lệnh tiếp quản các vị trí của lực lượng Giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc, lúc này đang đảm nhiệm làm "vùng đệm" giữa Ai Cập và Israel,

Vào ngày 23/5/1967, Ai Cập ra lệnh đóng cửa cảng biển quan trọng của Israel là Tiran, điều này "như giọt nước làm tràn ly", khiến Israel quyết tâm bắt đầu chiến tranh với các nước Ả Rập. Cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ ba được gọi là "Cuộc chiến tranh 6 ngày" bắt đầu.

Lục quân Israel tiến đánh quân Ai Cập khi bắt đầu Chiến tranh Sáu ngày 5/6/1967 gần Rafah, Dải Gaza - Nguồn: Getty Images

Lục quân Israel tiến đánh quân Ai Cập khi bắt đầu Chiến tranh Sáu ngày 5/6/1967 gần Rafah, Dải Gaza - Nguồn: Getty Images

Cuộc chiến chớp nhoáng và chiến thắng ấn tượng của Israel

Vào ngày 5/6/1967, Israel đã huy động tất cả các máy bay có thể sử dụng để chiến đấu, thậm chí cả máy bay huấn luyện ra trận để tiến hành cuộc tấn công bất ngờ, quy mô lớn vào các nước Ả Rập như Ai Cập, Syria và Jordan.

Trận chiến bắt đầu vào lúc 8 giờ 45 theo giờ Cairo (7 giờ 45 theo giờ Israel), sáng thứ Hai tại Ai Cập, trùng với thời điểm Không quân Ai Cập nhận ca trực, và là thời điểm nhiều phòng trực radar được thả lỏng nhất.

Đúng lúc này, máy bay chiến đấu của Israel lao nhanh như chớp và khiến Không quân Ai Cập bất ngờ, một số lượng lớn máy bay của Ai Cập bị phá hủy trên mặt đất trước khi chúng kịp cất cánh để đánh trả.

Cũng vào ngày 5/6/1967, 25 căn cứ không quân ở các nước Ả Rập khác đã bị tấn công. Từ 8 giờ sáng đến 18 giờ chiều, Không quân Israel đã tiến hành 4 đợt tập kích vào các nước Ả Rập.

Một chiếc máy bay chiến đấu của Ai Cập bị không quân Israel phá hủy - Nguồn: Getty Images

Một chiếc máy bay chiến đấu của Ai Cập bị không quân Israel phá hủy - Nguồn: Getty Images

Đợt đầu tiên đánh vào 10 sân bay ở Ai Cập, trong đợt thứ hai, có 8 sân bay bao gồm cả căn cứ máy bay ném bom ở Ai Cập. Trong đợt thứ ba, các căn cứ không quân ở Jordan, Syria và Iraq. Cuối cùng, đợt thứ tư, như một con mãnh thú say mồi, Israel tấn công sân bay quốc tế Cairo và một căn cứ không quân khác của Ai Cập.

Theo thống kê, 60 giờ sau khi bắt đầu cuộc chiến, Israel đã phá hủy 451 máy bay của các nước Ả Rập, trong đó có 336 máy bay các loại của Ai Cập, 60 máy bay của Syria, 29 máy bay ở Jordan, 25 máy bay ở Iraq và 25 máy bay ở Lebanon.

Tỷ lệ tổn thất máy bay chiến đấu của Ai Cập lên tới 95%, và toàn bộ lực lượng không quân Ai Cập hoàn toàn tê liệt, trong khi Israel chỉ mất 26 máy bay.

Nửa giờ sau cuộc không kích của không quân, 5 sư đoàn Lục quân Israel, dẫn đầu là xe tăng và thiết giáp, bắt đầu một cuộc tấn công lớn vào bán đảo Sinai của Ai Cập.

Vào thời điểm đó, quân đội Ai Cập có 5 sư đoàn bộ binh và 2 sư đoàn thiết giáp ở bán đảo Sinai, với tổng số khoảng 120.000 quân, đóng quân ở nhiều điểm chiến lược khác nhau, và địa hình triển khai quân tương đối trống trải.

Với sức mạnh tổng lực, Quân đội Israel nhanh chóng chiếm Dải Gaza và tiến vào Arish và Abu Ogra trên bán đảo Sinai. Sau đó, Quân đội Israel chia thành ba mũi và bắt đầu tấn công khu vực kênh đào Suez.

Cuối cùng, quân đội Israel đã quét sạch 5 sư đoàn Ai Cập trên bán đảo Sinai và chiếm đóng toàn bộ bờ đông của kênh đào Suez. Chỉ trong ba ngày, bán đảo Sinai đã rơi vào tay quân đội Israel.

Sau đó vào ngày 9/6/1967, quân đội Israel điều động thêm hai lữ đoàn thiết giáp và một lữ đoàn bộ binh tấn công Cao nguyên Golan của Syria từ phía bắc. Lữ đoàn lính dù Gul và Lữ đoàn bộ binh Afnon tấn công Cao nguyên Golan từ phía nam.

Đầu tiên Quân đội Israel tấn công đánh chiếm Tawarfik và Thung lũng Yamuk, sau khi chiếm được Tawarfik, Israel tiếp tục tấn công Fick và Elar, và tiến dọc theo bờ đông của Hồ Taibara.

Chỉ hai ngày tiến quân, Quân đội Israel đã chiếm giữ hầu hết Cao nguyên Golan, có độ cao 600-1.000 mét, với diện tích 1.800 km vuông giáp biên giới Tây Nam của Syria và một số con đường chính dẫn đến Damascus, đồng thời chiếm giữ đường ống dẫn dầu xuyên khu vực Ả Rập tới Lebanon.

Cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ ba kéo dài 6 ngày, Israel cũng đã hứng chịu tổn thất lớn trên biển, tàu khu trục Eilat bị 3 tàu tên lửa dẫn đường của Ai Cập, sử dụng tên lửa chống hạm SS-N-2 Styx do Liên Xô chế tạo đánh chìm, làm 47 thủy thủ thiệt mạng và 91 người bị thương. Đây cũng là lần đầu tiên, tên lửa chống hạm đánh chìm tàu chiến trên thế giới.

Trong cuộc chiến 6 ngày, Quân đội Israel đã tạo được ưu thế bất ngờ, tiến công nhanh, mạnh nên đã đạt được tất cả các mục tiêu chiến đấu, bao gồm đánh quỵ lực lượng không quân của các quốc gia Ả Rập thù địch nhất, đánh chiếm bán đảo Sinai, Cao nguyên Golan và thánh địa Jerusalem.

Vùng đất chiếm được, rộng đến 65.000 km vuông, bao gồm thành phố và Bờ Tây sông Jordan, đã thay đổi hoàn toàn những bất lợi chiến lược của Israel.

Tuy nhiên, ở góc độ quốc tế, chiến thắng của Israel giành được là do quyết tâm cao của lãnh đạo đất nước và quân đội Israel, cùng với chiến thuật và thủ đoạn tinh quái mà nước này sử dụng. Bên cạnh đó là sự "chống lưng hết mình" của Mỹ và một số nước phương Tây dành cho Israel - đây mới là yếu tố quyết định chiến thắng của họ.

Chỉ riêng trong cuộc chiến, Mỹ đã viện trợ cho Israel 3,6 tỷ USD. Tính từ tháng 3 đến tháng 5/1967, Mỹ đã cung cấp cho Israel hơn 400 xe tăng và 250 máy bay mới hiện đại với giá rẻ.

Hơn 1.000 nhân viên bảo đảm kỹ thuật của các công ty vũ khí Mỹ đã đảm bảo kỹ thuật cho Quân đội Israel. Điều này đã nâng cao đáng kể hiệu quả chiến đấu của lực lượng không quân và thiết giáp Israel.

Hành động "chống lưng" của Mỹ đã giúp Israel "tin tưởng", phát động cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ ba, chống lại các nước Ả Rập vài tháng sau đó. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel không chỉ giới hạn ở vũ khí thành phẩm, mà sự hỗ trợ kỹ thuật đã giúp ngành công nghiệp quân sự của Israel phát triển nhanh chóng như ngày nay.

Có thể thấy, vòng nguyệt quế chiến thắng của quân đội Israel trên chiến trường Trung Đông, tuyệt đối không thể tách rời sự hậu thuẫn cực kỳ lớn của Mỹ.

Trịnh Ngọc Tiến

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chien-thang-an-tuong-bac-nhat-cua-israel-tren-chien-truong-trung-dong-bi-kip-nam-o-dau-820203011224746187.htm