Chiến thắng Bình Giã vẫn nguyên giá trị lịch sử

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết, 60 năm trôi qua, chiến thắng Bình Giã đã để lại những bài học quý giá về tổ chức và thực hành chiến dịch tiến công, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta...

Ngày 22/11, tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tham dự hội thảo, có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu; bà Đinh Thị Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các nhà khoa học lịch sử, cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Bình Giã...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, Chiến thắng Bình Giã là một mốc son trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lần đầu tiên, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo tổ chức sử dụng lực lượng chủ lực với phương pháp tác chiến tập trung đánh bại lực lượng chính quy cơ động mạnh của quân đội Sài Gòn.

Chiến thắng này không chỉ làm thất bại cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ mà còn tạo ra những tiền đề quan trọng cho những thắng lợi tiếp theo. Qua chiến dịch, lực lượng vũ trang miền Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý về tổ chức, chỉ huy tác chiến, đặc biệt chiến thuật đánh vận động được rèn luyện và nâng cao.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, 60 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Bình Giã vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và để lại bài học kinh nghiệm quý. Hội thảo không chỉ là dịp để tưởng nhớ công ơn của những thế hệ người Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn là cơ hội để nghiên cứu, học tập, kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc. Bằng việc ôn lại những bài học lịch sử, chúng ta sẽ rút ra những kinh nghiệm quý để vượt qua mọi thách thức, nắm bắt cơ hội phát triển trong tình hình mới.

Trong khi đó, ông Phạm Viết Thanh cho biết, để có được thắng lợi to lớn của Chiến dịch Bình Giã đã có biết bao người con ưu tú, kiên trung, bất khuất đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên khắp chiến trường. Họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng địa danh Bình Giã gắn liền với chiến dịch Bình Giã sẽ đi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay và mãi về sau”, ông Thanh nói.

Chỉ đạo hội thảo, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết cho biết, 60 năm trôi qua, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới biến động đầy phức tạp hiện nay, Chiến thắng Bình Giã đã để lại những bài học quý giá. Đó là bài học về tổ chức và thực hành chiến dịch tiến công; về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; về phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong xây dựng đường lối cách mạng Việt Nam; về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Những bài học kinh nghiệm quý giá trên cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết mong muốn những tham luận và ý kiến được trình bày sẽ góp phần bổ sung thông tin, tư liệu để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa của chiến thắng đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Bình Giã; tôn vinh và tri ân công lao của lực lượng vũ trang giải phóng cùng các tầng lớp nhân dân đã làm nên chiến thắng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho biết, trong nhiều thập niên qua, Chiến thắng Bình Giã luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 70 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội…

Chiến dịch Bình Giã diễn ra từ ngày 2/12/1964 đến ngày 3/1/1965 trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và hai huyện phía Nam của tỉnh Bình Thuận. Trong đó, điểm khơi ngòi của chiến dịch là ấp chiến lược Bình Giã (nay thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chiến dịch Bình Giã là sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và lực lượng tại chỗ. Sau hơn một tháng chiến đấu, chiến dịch đã đạt được những thắng lợi hết sức quan trọng.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chien-thang-binh-gia-van-nguyen-gia-tri-lich-su-post1693883.tpo