Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh: Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm

Đó là chủ đề Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (24-4-1972 / 24-4-2022), được tổ chức sáng 22-4, tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức, dưới sự điều hành của Đoàn chủ tịch, gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum; Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5. Tham gia Đoàn chủ tịch còn có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi

Hơn 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng, các địa phương; các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học trong và ngoài quân đội gửi về hội thảo đã phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể, trong đó tập trung làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, QUTƯ; nghệ thuật quân sự (NTQS), giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh nhằm vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: “Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đợt 1 Chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Đây cũng là trận chiến đấu đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) Tây Nguyên tiến công địch bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, với tốc độ nhanh, đánh bại một sư đoàn, đập tan cụm phòng ngự then chốt, vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của ngụy quân Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên, đồng thời mở ra khả năng có thể đánh tiêu diệt lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên”.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh và các đại biểu tham quan xe tăng tại Tượng đài chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh và các đại biểu tham quan xe tăng tại Tượng đài chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh.

Tự hào với truyền thống của bộ đội chủ lực Tây Nguyên anh hùng, Thiếu tướng, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3; Đại tá Hoàng Oanh, nguyên cán bộ Sư đoàn 1, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và một số tham luận tập trung phân tích và khẳng định: Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh là biểu hiện sinh động cho tính đúng đắn trong chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, QUTƯ và Bộ Tổng Tư lệnh; sự chỉ huy nhạy bén, linh hoạt của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch; là tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đoàn kết, hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Các tham luận cũng đi sâu phân tích: Cuối năm 1971 đầu năm 1972, những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân 3 nước Đông Dương đã làm phá sản nhiều mục tiêu cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, cục diện chiến trường có những biến động lớn, có lợi cho ta. Để phát huy thắng lợi và đánh bại âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, tháng 8-1971, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, xác định quyết tâm mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị-Thiên. Tại chiến trường Tây Nguyên, Bộ Chính trị, QUTƯ và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tây Nguyên: “Sử dụng lực lượng bản thân cùng lực lượng và binh khí kỹ thuật tăng cường, tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị quân đối phương, giải phóng vùng Đăk Tô-Tân Cảnh, thị xã Kon Tum; khi có điều kiện phát triển xuống Pleiku, mở rộng vùng căn cứ tây Gia Lai, Đắc Lắc”. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, QUTƯ, cuối tháng 10-1971, Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên ban hành Nghị quyết số 116/Al về Chiến dịch Xuân-Hè năm 1972 tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên thuộc địa bàn hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai. Bộ Chính trị và QUTƯ cũng quyết định thành lập Bộ tư lệnh Chiến dịch Bắc Tây Nguyên để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch.

Góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam

Trình bày tham luận “Nghệ thuật lập thế trận tiến công Đăk Tô-Tân Cảnh”, Thiếu tướng, PGS, TS Trần Khắc Đào, Phó giám đốc Học viện Lục quân nhận định: Từ những kết quả trên chiến trường năm 1972, NTQS Việt Nam có bước phát triển mới cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Trong đó, nghệ thuật lập thế trận tiến công hiểm hóc, vững chắc, tạo sức mạnh ưu thế vào hướng, mục tiêu chủ yếu của địch ngay từ đầu trong trận tiến công Đăk Tô-Tân Cảnh của Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên khá thành công.

Thiếu tướng, TS Lê Xuân Thành, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng và các tham luận khác cũng thống nhất đánh giá: Về nghệ thuật chiến dịch, nét nổi bật trong trận Đăk Tô-Tân Cảnh là nghệ thuật lập thế trận, điều địch ra khỏi công sự để tiêu diệt. Lợi dụng thế bố trí dài và hẹp của địch ở Bắc Tây Nguyên, ta chia cắt địch trên nhiều đoạn ở Đường 14, làm cho địch trên dưới khi bị đánh không ứng cứu được cho nhau. Sau đó, ta tiến công vào hệ thống phòng ngự sơ hở và đột xuất của địch ở Đăk Tô-Tân Cảnh. Mưu kế của ta là thu hút dự bị chiến lược của địch về phía Kon Tum để chúng sơ hở hướng Tân Cảnh; tổ chức làm hai con đường cơ giới thọc vào bên sườn đội hình phòng ngự của địch ở Tây Bắc thị xã Kon Tum, làm địch lầm tưởng ta tiến công thị xã, buộc chúng phải điều hai lữ đoàn dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược và Liên đoàn 22 biệt động ra ngăn chặn và bị ta tiến công, giam chân ở đó. Cùng với đó, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Sư đoàn 320A liên tục tiến công địch ở tuyến phòng thủ phía tây sông Pô Kô, đánh thiệt hại nặng, làm mất sức chiến đấu Lữ đoàn 2 dù, làm cho thế trận của địch ở Bắc Tây Nguyên bị cắt đôi, cụm phòng ngự Đăk Tô-Tân Cảnh bị khóa chặt.

Những kinh nghiệm quý từ chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh

Thiếu tướng, PGS, TS Trần Khắc Đào thông tin đến hội thảo: “Hiện nay, trong các tài liệu cấp sư đoàn bộ binh đang huấn luyện trong toàn quân, Học viện Lục quân thường lấy thực tiễn trận Đăk Tô-Tân Cảnh như một minh chứng đúc rút thành lý luận về nghệ thuật tạo lập thế trận cũng như các nội dung khác trong hình thức chiến thuật tiến công địch phòng ngự trận địa”.

Tại hội thảo, nhiều tham luận đi sâu phân tích và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là: Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Trung ương Đảng, QUTƯ, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch; bài học về phát huy sức mạnh của lực lượng binh chủng hợp thành; về công tác bảo đảm, huy động hậu cần chiến lược, hậu cần nhân dân, huy động sức mạnh đoàn kết quân-dân; về bước phát triển NTQS Việt Nam, phát huy sức mạnh chính trị tinh thần...

Đánh giá tổng thể, các báo cáo, tham luận của hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ trận Đăk Tô-Tân Cảnh; cung cấp những luận cứ khoa học khẳng định giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm vận dụng vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng hiện nay, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời là cơ sở vững chắc để đấu tranh phản bác các âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động; giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

NGUYỄN ANH SƠN (tổng thuật)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chien-thang-dak-to-tan-canh-gia-tri-lich-su-va-bai-hoc-kinh-nghiem-692380