Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ quét tại Nghệ An
Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả vụ lũ quét xảy ra lúc 22 giờ ngày 30/9, cuốn qua 4 bản của xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An).
Theo báo cáo của UBND xã Lượng Minh, trận lũ quét đêm 30/9 khiến 15 nhà thiệt hại nặng phải di dời để đảm bảo an toàn, 60 nhà bị ngập. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng nhiều tài sản của người dân bị cuốn trôi hoặc hư hỏng. Riêng bản Đửa có 76 hộ dân, tất cả đều kịp thời sơ tán nhưng tài sản gồm nhà cửa, hoa màu, vật nuôi… bị thiệt hại nghiêm trọng. Đây cũng là bản chịu thiệt hại nặng nhất.
Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, ngay khi nhận thông tin, Đảng ủy, UBND xã cùng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự xã, Ban quản lý các bản kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ các hộ gia đình có nguy cơ sạt lở tạm thời di dời đến nơi an toàn. Đồng thời khắc phục tạm thời điểm sạt lở tại các tuyến đường, cắm cọc dăng dây cảnh báo nguy hiểm. Đến sáng 1/10, công tác khắc phục hậu quả vẫn đang được các lực lượng khẩn trương triển khai, dự kiến chiều cùng ngày, đường vào các bản bị ảnh hưởng sẽ thông tuyến.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lượng Minh (bản Minh Tiến, xã Lượng Minh) có 299 học sinh đang ở bán trú cũng bị thiệt hại nặng do lũ quét. May mắn, vào thời điểm lũ quét, các em được cô thầy đưa đến nơi an toàn, tuy nhiên do lũ lên nhanh, đột ngột nên gần như toàn bộ áo quần, sách vở, đồ dùng phục vụ giảng dạy đều ngâm trong bùn đất.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lượng Minh cho biết, vào thời điểm lũ quét, ở trường đang có 299 học sinh và 11 giáo viên. Nước lũ, kèm theo bùn lên nhanh khiến các thầy cô không kịp trở tay. Nước lũ, bùn đất ngập 3 dãy nhà, thầy cô chỉ kịp đưa học sinh đến nơi cao hơn và vớt được ít đồ dùng phục vụ học tập còn hầu hết đều bị ngập trong nước lũ, bùn đất.
Sáng 1/10, để bảo đảm an toàn cho học sinh, nhà trường thông báo phụ huynh đến đón con về nhà. Nhiều học sinh được gửi đến nhà người thân, họ hàng ở khu vực gần trường. Tuy nhiên, hiện còn gần 100 em vẫn chưa được đón về do các tuyến giao thông bị tắc bởi sạt lở.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, ngay trong đêm, lãnh đạo huyện trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục. Sáng 1/10, trời mưa nhỏ nhưng tuyến đường vào 4 bản (Đửa, Minh Thành, Minh Tiến, Chăm Puông) của xã Lượng Minh vẫn bị sạt lở và tiềm ẩn sạt lở rất nguy hiểm. Để kịp thời giúp nhân dân, thu dọn bùn đất, khắc phục hậu quả lũ quét, lực lượng công an, quân đội được huy động. Hiện huyện huy động máy móc san gạt, giải phóng các điểm sạt lở, cố gắng trong chiều 1/10 sẽ thông đường. Lực lượng y tế chuẩn bị thuốc, khi thông đường tiếp cận hỗ trợ, đảm bảo không phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ.
Theo thống kê của UBND huyện Tương Dương, mưa lớn đếm 30/9 rạng sáng 1/10 khiến 19 ngôi nhà bị hư hỏng trên 50% và 64 nhà bị bùn đất tràn vào nhà. Mưa lũ khiến nhiều gia súc, gia cầm bị chết, diện tích lúa, hoa màu bị đổ gãy và ngập. Nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng, ách tắc do sạt lở đất như tuyến đường bản Pủng đi Lưu Thông với chiều dài khoảng 2 km (xã Lưu Kiền), tuyến đường vào bản Na Bè, Hợp Thành (xã Xá Lượng). Thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.
Tại Nghệ An, mưa lớn kéo dài từ đêm 30/9 đến rạng sáng 1/10 khiến nước suối dâng cao, tràn vào Trường Tiểu học và Trường Mầm non thuộc xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, khu vực ký túc xá giáo viên và học sinh bị ngập, thiệt hại một số đồ dùng học tập, thiết bị vi tính…
Tại xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn), ngay trong đêm 30/9, chính quyền huy động lực lượng cùng Công an huyện Kỳ Sơn tổ chức di dời 40 hộ, 135 nhân khẩu tại bản Nam Tiến 2 về nơi an toàn do lo ngại nguy cơ sạt lở đất.
Mưa lớn trong đêm khiến tuyến Quốc lộ 7 đi qua địa bàn các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây ách tắc cục bộ như, đoạn Km170+980, Km173+370, Km180+470, Km182+880, Km187+450…
Ngay trong đêm, Văn phòng Quản lý đường bộ II.2, Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) chỉ đạo các đơn vị duy tu, bảo dưỡng huy động máy móc và nhân lực tổ chức dọn để thông đường. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ ứng trực tại vị trí xung yếu kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.