Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh: Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24.4.1972 - 24.4.2022), sáng 22.4, tại thành phố Kon Tum, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm'.
Hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ để giành và giữ độc lập dân tộc, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại của nhân dân ta. Đồng thời, giúp nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về mở cuộc Tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972, từ ngày 30.3 đến ngày 5.6.1972, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng khu vực Đăk Tô - Tân Cảnh và thị xã Kon Tum. Khi có điều kiện sẽ phát triển xuống Pleiku, hình thành vùng căn cứ hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ, phối hợp với hướng tiến công chiến lược chính ở Trị - Thiên.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên về ý chí, quyết tâm chiến đấu, trình độ tác chiến, khả năng hiệp đồng binh chủng; khả năng vận dụng, phát triển nghệ thuật chiến dịch tiến công; vận dụng các hình thức chiến thuật, nhất là tiến công địch trong công sự vững chắc, để lại nhiều kinh nghiệm quý.
Hơn 80 báo cáo, tham luận đã đề cập một cách khá toàn diện, sâu sắc về chiến thắng có ý nghĩa quan trọng này. Các tham luận có nội dung phong phú, chất lượng khoa học tốt, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều sự kiện và nội dung quan trọng, trong đó có một số khía cạnh mới được công bố về Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972 cũng như đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau Hội thảo, các đơn vị của Bộ Quốc phòng cũng như địa phương tiếp tục sưu tầm, cung cấp các tư liệu, sự kiện liên quan đến trận Đăk Tô - Tân Cảnh nói riêng, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972 nói chung để các cơ quan, đơn vị bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa chiến lược này...