Chiến thắng Điện Biên Phủ với các dân tộc thuộc địa

Trong bài 'Nhân ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ' đăng trên báo Nhân Dân số 3690 ra ngày 7/5/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 'Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn'.

 Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu lịch sử

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu lịch sử

Ngày 6/12/1953, để làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Từ ngày 13/3/1954, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt lần lượt từng cứ điểm, vây lấn địch từng mét hào và mở những đợt tiến công quyết định đi đến thắng lợi. 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, tướng De Castries, Chỉ huy trưởng cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống.

Báo Al Gum Gyrria (Ai Cập), ngày 8/5/1954, nhận định: “Điện Biên Phủ thất thủ là một sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và ở tất các nơi mà những kẻ chiếm đoạt mưu mô làm nhục hoặc phá hoại nền độc lập của họ... bước tiến của phong trào giải phóng sẽ tiếp tục và còn nhiều pháo đài đế quốc sẽ sụp đổ”.

William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đã viết trên Công nhân nhật báo ra ngày 10/5/1954 như sau: “Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là một sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa… Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới”.

Tờ Tin tức, số ra ngày 11/5/1954 ở Indonesia nhận thấy rằng, việc giải phóng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của Việt Nam mà còn “chứng minh Nhân dân châu Á có đủ khả năng kết thúc lịch sử của thực dân âm mưu dùng lực lượng vũ trang để thực hiện tham vọng của mình”.

Năm 1955, chỉ một năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị 29 nước Á – Phi đã họp ở Bandung (Indonesia). Lần đầu tiên trong lịch sử những dân tộc hàng trăm năm bị gạt ra ngoài rìa lịch sử đã liên kết lại để công khai lên án chủ nghĩa thực dân và hợp tác giúp đỡ nhau vì mục đích hòa bình, độc lập dân tộc. Tại hội nghị này, các đại biểu Việt Nam đã được chào đón như những người anh hùng.

Tuần báo Pháp Paris Match vào 12/5/1956 có bài viết “Bài học Điện Biên Phủ”. Bài báo viết rằng: “Ngày thất bại ở Điện Biên Phủ là một ngày quan trọng, từ đó đế quốc Pháp bắt đầu tan rã… Những tướng tá Pháp - đánh hơn trăm trận, sức dư muôn người - mà nay đã bị những người bé nhỏ da vàng cho một bài học… Cuộc thất bại ấy phá vỡ một mảnh sức mạnh của Pháp, và do chỗ hở đó mà người Việt, rồi đến người Maroc, người Tunisia, người Algérie ào ạt xông vào”.

Jean Pouget, một cựu sĩ quan trong lực lượng viễn chinh Pháp, cay đắng nhận xét: “Thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thực dân và khởi đầu cho kỷ nguyên độc lập của thế giới thứ ba”. Ký giả người Pháp Jules Roy thì nhận xét: “Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa”.

Nhìn lại để đánh giá, quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương chỉ chiếm 25% quân số, số còn lại được huy động từ 17 nước thuộc địa. Chính vì vậy, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hệ thống thuộc địa của Pháp đã dần bị lung lay bởi những người lình thuộc địa này đã mang tinh thần đấu tranh của người Việt Nam trở về quê nhà.

Khởi đầu là Mặt trận dân tộc giải phóng Algérie đã ra đời. Sau 8 năm kiên trì, bền bỉ tranh đấu (1954-1962), Nhân dân Algérie đã buộc chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Abdelkader Bensalah (sinh năm 1941), Chủ tịch Đại hội đồng Nhân dân Algérie (1997-2002), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Algérie (2002-2019) đã nhận định rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi Nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algérie lại không thể?”.

Đặc biệt, chỉ 4 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm Châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Đến năm 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 2/9/1969, trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, Bí thư Đảng Cộng sản Tunisie Mohamed Hartman đã viết: “Tên tuổi của Người sẽ gắn liền với thắng lợi Điện Biên Phủ… Chúng tôi biết rằng, chính cuộc đấu tranh thắng lợi của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã đóng góp vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phong trào dân tộc ở châu Phi và trong thế giới Ả-rập, và mở đầu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” [1]

Trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, Ban Chấp hành Trung ương Đảng châu Phi đấu tranh cho nền độc lập Sénégal đã viết: “Chúng tôi sẽ không quên rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam anh hùng giáng cho chủ nghĩa thực dân Pháp một thất bại quyết định, do đó đã thúc đẩy và tạo điều kiện dễ dàng cho việc thức tỉnh ý thức dân tộc và ý thức giành độc lập chính trị của nước chúng tôi” [2]

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm Người trên toàn thế giới vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

Tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, Tiến sĩ M.Ahmed, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương đã nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này” [3]

[1] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.631

[2] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.363

[3] UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/chien-thang-dien-bien-phu-voi-cac-dan-toc-thuoc-dia-140293.html