Chiến thắng lịch sử góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Chiến thắng Tây Bắc - 1952 là chiến thắng quan trọng nhất của quân dân ta trong Chiến dịch Đông - Xuân 1951 - 1952. Với chiến thắng này, chúng ta đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu lập xứ Thái, xứ Nùng tự trị của thực dân Pháp, quyền chủ động về chiến lược của ta tiếp tục được giữ vững và mở rộng. Lực lượng vũ trang của ta tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, bước đầu làm quen với cách tấn công tập đoàn cứ điểm.Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự kiện lịch sử trọng đại ấy là sự chỉ đạo sáng suốt và đúng đắn về phương hướng tác chiến cùng sự động viên quân dân rất kịp thời của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CHIẾN DỊCH TÂY BẮC

Tháng 4-1952, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Tây Bắc, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch được xúc tiến khẩn trương, trước hết là chuẩn bị đường sá, lực lượng, lương thực, thực phẩm.

Bộ đội ta hành quân trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Ngày 16-8-1952, Ban Bí thư ra Chỉ thị về thi hành chính sách dân tộc thiểu số ở Khu Q.T (Quang Trung - Tây Bắc). Cuối tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch tác chiến Chiến dịch Tây Bắc. Nghe xong phương án tác chiến, Người căn dặn: Đây là lần đầu tiên ta mở chiến dịch lớn, địa hình hiểm trở, cần nắm chắc địa hình và chú trọng thực hiện đúng chính sách dân tộc, giúp đỡ đồng bào dân tộc, bộ đội phải giữ kỷ luật dân vận.

Do tính chất quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Từ ngày 6-9-1952, Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc diễn ra trong thời tiết xấu, mưa kéo dài. Đến ngày 9-9, cuộc họp sắp kết thúc thì bỗng thấy Bác một tay cầm ô, tay kia chống gậy, hai ống quần xắn cao từ ngoài tươi cười đi vào.

Nói chuyện với Hội nghị cán bộ chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Bắc, Người chỉ rõ mục đích, ý nghĩa của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch là chính, tranh thủ nhân dân, giải phóng đất đai. Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến, và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc, vừa qua, tại TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng nhấn mạnh: Chiến thắng Tây Bắc 1952 đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên tầm cao mới; tạo tiền đề để quân và dân ta giành được thắng lợi quyết định trong Đông - Xuân 1953 - 1954, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), thắng lợi của chiến dịch là kết quả quá trình 7 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, là kết tinh sức mạnh tổng hợp của cả nước, trực tiếp là các đơn vị chủ lực của Bộ cùng quân và dân các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và các chiến trường phối hợp.

Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố 8 điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Bắc, trong đó nói rõ: “Thực dân Pháp và vua quan Việt Nam đã áp bức, bóc lột đồng bào miền núi thậm tệ. Nay Chính phủ ta phái quân đội đến tiêu diệt giặc Pháp và bè lũ bù nhìn phản quốc để giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ…”.

Căn cứ vào thế và lực giữa địch, ta trên chiến trường, ngày 28-9-1952, Ban Chấp hành Trung ương ra chỉ thị mở Chiến dịch Tây Bắc. Bộ Chính trị cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm Cung cấp.

Ngày 1-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ Chiến dịch Tây Bắc. Với lời lẽ ngắn gọn súc tích, Bác đã động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ và dân công tham gia chiến dịch: “Chiến dịch này là một chiến dịch có vai trò rất quan trọng, các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ đều phải: Quyết tâm chiến đấu, chấp hành triệt để mệnh lệnh. Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục tất cả khó khăn. Thương dân, trọng dân và tốt với dân. Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng. Bác chờ tin thắng lợi của các chú để khen thưởng các chú”.

Cùng ngày, Bác gửi thư cho các chiến sĩ dân công ở mặt trận Tây Bắc, nhấn mạnh: “Chiến dịch này rất quan trọng. Các cô, các chú cũng là chiến sĩ, cũng có công như các chiến sĩ, phải cùng anh em bộ đội giành cho được thắng lớn”.

Ngày 29-1-1953, tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ biểu dương cán bộ, chiến sĩ dân công đã thấm nhuần quyết tâm của Trung ương Đảng, ra sức tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm đúng chính sách của Đảng đối với đồng bào thiểu số. Người nói: “Trung ương, Chính phủ khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Trung ương, Chính phủ, Bác bằng lòng các chú, lần này chưa phải hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước”.

TẠO RA THẾ VÀ LỰC MỚI CHO CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử kháng chiến giành độc lập dân tộc, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công Chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Một trong những vị trí của địch bị quân ta tấn công tiêu diệt trong Chiến dịch Tây Bắc 1952. Ảnh: TTXVN

Về quân sự, Chiến thắng Tây Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch (diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch), thu nhiều vũ khí trang bị; đập tan thế bố trí lực lượng của địch tại vùng Tây Bắc và các cuộc hành quân, chi viện của địch, đẩy địch vào thế co cụm, phòng ngự bị động trên một số khu vực (Nà Sản).

Về chính trị, kinh tế, Chiến thắng Tây Bắc đã giải phóng được một vùng rộng lớn đất đai ở địa bàn chiến lược. Những cánh đồng rộng lớn như Điện Biên, Nghĩa Lộ, Than Uyên, Quang Huy, Phù Yên lắm thóc, nhiều lâm thổ sản đã thuộc về ta, góp phần tạo thuận lợi cho việc xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, cơ sở Đảng, cơ sở chính trị và tiềm lực cho kháng chiến; mở rộng hậu phương kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi cuộc tiến công Chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam đó là giành và giữ vững được quyền chủ động trên chiến trường. Ta hoàn toàn chủ động lựa chọn chiến trường, mục tiêu và cách đánh với những lực lượng, quy mô khác nhau. Việc mở rộng được các vùng giải phóng, đặc biệt là kết nối thủ đô kháng chiến Việt Bắc với Tây Bắc, với Thượng Lào, Trung Quốc và kết nối với chiến trường vùng đồng bằng ở Liên khu 3, Liên khu 4 đã góp phần tăng thêm tiềm lực và tương quan sức mạnh giữa ta và địch, từng bước làm suy yếu và đẩy Pháp vào thế ngày càng bất lợi.

Chiến thắng Tây Bắc 1952 là nguồn động viên to lớn đối với quân và dân ta, qua đó góp phần củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202212/ky-niem-70-nam-chien-thang-tay-bac-10-12-1952-10-12-2022-chien-thang-lich-su-gop-phan-ket-thuc-cuoc-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-966573/