Chiến thắng trận đầu - niềm tự hào của những người giữ biển

Ngày 2 và 5/8/1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, Hải quân nhân dân Việt Nam sau 9 năm thành lập, lần đầu tiên ra quân chiến đấu anh dũng, kiên cường, làm nên truyền thống 'Đánh thắng trận đầu'. Những người lính biển khoác áo vằn cánh sóng đã 'bẻ gãy gọng kìm không quân' trong chiến dịch 'Mũi tên xuyên' của Mỹ.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng này, Báo Phú Yên phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, Quân chủng Hải quân Việt Nam nhân dịp đồng chí tham dự hội nghị báo cáo viên toàn quốc tại Phú Yên.

* Xin đồng chí sơ lược về Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc ngày 2 và 5/8/1964?

* Xin đồng chí sơ lược về Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc ngày 2 và 5/8/1964?

- Nhằm cứu vãn sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Ngày 30-31/7/1964, ngoài cho tàu biệt kích ngụy bắn pháo phá hoại trên đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An); huy động máy bay T28 bắn phá đồn biên phòng Nậm Cắn, làng Noọng Dẻ thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, Mỹ cho tàu khu trục Ma-đốc (Maddox) tiến về phía Bắc, xâm phạm hải phận của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và gây ra một số vụ khiêu khích đối với thuyền đánh cá của ngư dân miền Bắc. Rạng sáng 1/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc tiến vào vùng biển Quảng Bình để thu thập tin tức tình báo và khiêu khích lực lượng của ta, có lúc chúng vào cách đông đèo Ngang khoảng 8 hải lý, vi phạm lãnh hải của ta. Ngày 2/8/1964, tàu Ma-đốc đã bị tàu phóng lôi của Hải quân ta tiến công đánh đuổi buộc chúng phải rút ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta, đêm 4/8/1964, bọn đầu sỏ trong chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” lấy cớ để mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên”. Ngày 5/8, Mỹ huy động hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tấn công gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của hải quân ta suốt dọc ven biển từ Cảng Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt. Cùng với lực lượng phòng không ba thứ quân và Nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, bộ đội hải quân đã chiến đấu anh dũng đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Mỹ, bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại của Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt một giặc lái; gây cho bọn đầu sỏ đế quốc Mỹ bị bất ngờ bởi tổn thất lớn.

Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 đã mở đầu trang sử oanh liệt, hào hùng của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam ởmiền Bắc và đồng bào miền Nam thi đua đánh giặc lập công, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

* Qua 60 năm, bài học về Chiến thắng trận đầu vẫn còn hết sức tươi mới, soi rọi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Những bài học đó là gì thưa đồng chí?

- Chiến thắng trận đầu để lại cho chúng ta nhiều bài học quý; là cơ sở đểthế hệ cán bộ, chiến sĩ trong LLVT hôm nay nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh mới, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và phương thức tác chiến của chúng. Đó là xây dựng đơn vị vững mạnh vềmọi mặt, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện và diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, Quân đội cần xây dựng Quân chủng Hải quân, phòng không - không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, ngang tầm với sự phát triển của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công trên không, trên biển bằng vũ khí công nghệ cao của kẻ thù đối với nước ta.

Đặc biệt, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta cần tích cực xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp, toàn diện trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên không, trên biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy tối đa sức mạnh toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Quân chủng Hải quân huấn luyện trên biển. Ảnh: INTERNET

Quân chủng Hải quân huấn luyện trên biển. Ảnh: INTERNET

* Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu, Quân chủng Hải quân sẽ tổ chức các hoạt động gì thưa đồng chí?

- Để tuyên truyền, giáo dục về vai trò, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng trận đầu, Quân chủng Hải quân đã biên soạn và in 1.400 cuốn tài liệu tuyên truyền “60 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc”; phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu “60 năm Chiến thắng trận đầu trong chống chiến tranh phá hoại bảo vệ miền Bắc XHCN”; thực hiện phim tài liệu “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ - Sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh sắp đặt”. Quân chủng Hải quân cũng sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật, truyền hình trực tiếp “Giữ biển trời quê hương”; đồng thời phát động thi đua cao điểm trong quân chủng với chủ đề “60 ngày đêm đoàn kết, sáng tạo, mẫu mực kỷ cương, quyết thắng”…

Bên cạnh đó, Quân chủng Hải quân sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và Nhân dân hy sinh trong Chiến thắng trận đầu tại các khu di tích lịch sử; tổ chức các hoạt động chính sách thăm hỏi, tặng quà các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia Chiến thắng trận đầu.

Được Ban Tuyên giáo Trung ương chọn là một trong hai chuyên đềtham gia báo cáo tại hội nghị Báo cáo viên toàn quốc tháng 7 tại Phú Yên, Quân chủng Hải quân xem đây là cơ hội đểlan tỏa hơn nữa về vai trò, ý nghĩa của Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc. Lãnh đạo, cán bộ ban tuyên giáo của 63 tỉnh thành và thường trực các đảng ủy của các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí sẽ tập trung tuyên truyền đậm nét về vị trí, ý nghĩa của Chiến thắng trận đầu. Qua đó giúp Nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về tinh thần yêu nước của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xác định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Đối với Phú Yên, Quân chủng Hải quân mong muốn địa phương giáo dục, tuyên truyền Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc gắn với truyền thống của đoàn tàu Không số. Phú Yên có bến Vũng Rô là nơi được Khu 5 và Trung ương chọn để một số chuyến tàu Không số từ miền Bắc theo đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp tế hàng, vũ khí vào Liên tỉnh 3. Tôi mong muốn ngoài tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ các cựu chiến binh từng tham gia đoàn tàu Không số; quan tâm tu sửa, chỉnh trang Di tích lịch sử Tàu Không số - Vũng Rô ngày càng khang trang, thực sự là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và Nhân dân.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện,

Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, Quân chủng Hải quân Việt Nam

HÀ MY (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/349/318411/chien-thang-tran-dau-niem-tu-hao-cua-nhung-nguoi-giu-bien.html