Thái Bình: Tăng cường hợp tác đầu tư với Bangladesh

Chiều 5/8, tại tỉnh Thái Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các Sở, ngành tổ chức Diễn đàn giao thương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI) Bangladesh. DCCI Bangladesh kết nối hơn 40 doanh nghiệp thành viên sang Việt Nam để tìm kiếm đối tác, cơ hội giao thương và chọn tỉnh Thái Bình là địa điểm kết nối doanh nghiệp; thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh.

Ông Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Ông Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát về tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển và tiềm năng cơ hội đầu tư của tỉnh Thái Bình. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện, khẳng định vị thế trở thành nơi giao thương kết nối với các đối tác, bạn hàng trong và ngoài nước của tỉnh Thái Bình.

Ông Ashraf Ahmed, Chủ tịch DCCI Bangladesh phát biểu tại diễn đàn.

Ông Ashraf Ahmed, Chủ tịch DCCI Bangladesh phát biểu tại diễn đàn.

Ngoài ra, với chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở cùng với sự năng động, khát vọng phát triển tỉnh của lãnh đạo và các cấp chính quyền tỉnh, tỉnh Thái Bình đã thu hút được sự quan tâm các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút vốn FDI. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 165 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,2 tỷ USD. Riêng khu kinh tế có 98 dự án, với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, chiếm 87% FDI toàn tỉnh. Những con số đó và xu hướng dòng chảy đầu tư vào tỉnh đã khẳng định sức hút đầu tư mạnh mẽ của Thái Bình, một địa bàn chiến lược cho các nhà đầu tư muốn mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự diễn đàn.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự diễn đàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Bình luôn coi Bangladesh là một thị trường lớn với dân số gần 180 triệu người, có sức mua lớn; Bangladesh cũng là cửa ngõ thông thương với khu vực Nam Á và Trung Đông giàu tiềm năng. Việc DCCI Bangladesh kết nối hơn 40 doanh nghiệp thành viên sang Việt Nam để tìm kiếm đối tác, cơ hội giao thương và chọn tỉnh Thái Bình là địa điểm kết nối doanh nghiệp đã thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh, đánh giá cao sự phù hợp về môi trường hợp tác kinh doanh - thương mại trên các lĩnh vực đối với tỉnh Thái Bình.

Đồng thời mong muốn thông qua Diễn đàn sẽ là cơ hội để tỉnh Thái Bình và Bangladesh tiếp tục tìm hiểu, làm rõ hơn những vấn đề mà doanh nghiệp hai bên đang quan tâm trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề quan trọng cho quan hệ hợp tác kinh doanh lâu dài của hai bên.

Thái Bình sẵn sàng chào đón và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về mọi mặt đối với các nhà đầu tư.

Thái Bình sẵn sàng chào đón và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về mọi mặt đối với các nhà đầu tư.

Thái Bình sẵn sàng chào đón và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về mọi mặt với cơ chế chính sách, thủ tục pháp lý đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, thủ tục hải quan cũng như bảo đảm các điều kiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư hoạt động tại tỉnh được ổn định, thuận lợi nhất. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng lắng nghe và giải quyết kịp thời khó khăn cho nhà đầu tư, đáp ứng mọi điều kiện thiết yếu của các tổ chức, cá nhân.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: 51 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước tiếp tục được củng cố và ngày một phát triển.

Hiện nay, Bangladesh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là thị trường mới, giàu tiềm năng với sức mua lớn. Việc đẩy mạnh hợp tác giao thương với thị trường Bangladesh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Riêng đối với tỉnh Thái Bình, không chỉ có lợi thế về vị trí, giao thông kết nối, địa phương còn có cộng đồng doanh nghiệp đông đảo, đa ngành, phù hợp với định hướng hợp tác với doanh nghiệp Bangladesh. Ngoài ra, Thái Bình định hướng phát triển kinh tế lấy công nghiệp là động lực phát triển và điều này luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Ông Đỗ Quốc Hưng cũng nhấn mạnh về tiềm năng, lợi thế hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh nói chung, Thái Bình nói riêng, nhất là việc tận dụng tiềm năng thị trường giữa hai nước để hợp tác phát triển ở quốc gia thứ 3. Cùng với đẩy mạnh hợp tác về ngoại giao, trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh cần tiếp tục chủ động nghiên cứu và tìm hiểu rõ nội dung các thỏa thuận đã có giữa hai nước để làm căn cứ và tận dụng những ưu đãi từ các thỏa thuận này đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia ý kiến, nêu các khó khăn, vướng mắc, các vấn để trong thương mại song phương Việt Nam - Bangladesh giải quyết với các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam và Bangladesh. Những vấn đề này sẽ được các cơ quan hai bên hỗ trợ giải quyết tại các khuôn khổ hợp tác thích hợp.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình phát biểu tại diễn đàn.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình phát biểu tại diễn đàn.

Bày tỏ vui mừng trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng đạt được trong thời gian qua, Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam Lutfor Rahman và Chủ tịch DCCI Bangladesh Ashraf Ahmed cho rằng: Bangladesh là điểm giao thoa giữa Nam Á và Đông Nam Á, trong khi Việt Nam là trung tâm thương mại và đầu tư trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hai nước có quan hệ đối tác song phương lâu đời bao gồm các mối quan hệ cấp Chính phủ với Chính phủ và doanh nghiệp với doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng và thịnh vượng, Bangladesh và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong những thập kỷ gần đây. Cả hai quốc gia đều được đưa vào danh sách “11 quốc gia tiếp theo” của Goldman Sachs - có tiềm năng cao trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỷ XXI.

Thông qua Diễn đàn này, Bangladesh mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng tăng cường xúc tiến đầu tư vào Bangladesh bởi quốc gia này luôn có các quy chế đầu tư cạnh tranh và ấn tượng nhất ở Nam Á với các lợi ích tài chính, phi tài chính đa dạng cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, doanh nghiệp hai nước đã cùng nhau trao đổi, kết nối và tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu và tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kim Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thai-binh-tang-cuong-hop-tac-dau-tu-voi-bangladesh-381000.html