Chiến thắng Trảng Bom: Then chốt mở đầu thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Ngày 23-4, Hội thảo khoa học Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - ý nghĩa và bài học kinh nghiệm do Viện Lịch sử quân sự (LSQS, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) chủ trì phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Quân khu 7, Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng các nhân chứng, đại biểu dự hội thảo. Ảnh: N.Hà

Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng các nhân chứng, đại biểu dự hội thảo. Ảnh: N.Hà

Gần 70 bài tham luận gửi đến hội thảo và gần 10 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã khẳng định, trận đánh Trảng Bom ngày 27-4-1975 có ý nghĩa, vai trò quan trọng, mang tính “then chốt” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

* Trận “then chốt” mở màn

GS-TS-NGND thiếu tướng Nguyễn Văn Tài là một nhân chứng trực tiếp tham gia trận đánh Trảng Bom cách đây 49 năm. Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Tài, cùng một thời điểm mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh đã có nhiều trận đánh diễn ra. Tuy nhiên, xét trên quy mô, giá trị nghệ thuật quân sự, tầm quan trọng, kết quả và ý nghĩa chiến lược của trận đánh thì trận đánh Trảng Bom là một trong những trận then chốt cấp sư đoàn của chiến dịch.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài phân tích thêm, xét cả thời gian nổ súng mở đầu và thời gian hoàn thành, trận đánh Trảng Bom ngày 27-4-1975 đã nhanh chóng giành thắng lợi, trong khi các trận chiến đấu khác trên cả 5 hướng tấn công của Chiến dịch Hồ Chí Minh chưa kết thúc. Cụ thể, trên hướng Đông Nam có trận đánh chiếm Cụm căn cứ Nước Trong - Long Thành, kết thúc thắng lợi vào 10h ngày 29-4. Hướng Tây Bắc có trận Đồng Dù, tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 25 ngụy, kết thúc vào 14h ngày 29-4, ta “làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù”.

“Với tư cách người nghiên cứu lịch sử quân sự, thông qua hội thảo khoa học lần này, tôi thay mặt các cựu chiến binh Sư đoàn 341 - nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia trận đánh xin đề nghị Bộ Quốc phòng chính thức công nhận trận đánh Trảng Bom ngày 27-4-1975 là trận “then chốt” mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” - thiếu tướng Nguyễn Văn Tài nói.

Hội thảo khoa học Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - ý nghĩa và bài học kinh nghiệm có sự tham dự của các đồng chí: thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; thiếu tướng, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện LSQS; thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cùng lãnh đạo Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 và nhiều cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận đánh Trảng Bom.

Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc - Long Khánh được mở toang, việc gỡ bỏ “cái then chốt” Trảng Bom được Sư đoàn 341 Quân đoàn 4 thực hiện trong thế trận có lợi, cùng các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Trảng Bom - một mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng ngự phía trước của địch, mất Trảng Bom, tuyến phòng ngự của địch bị đứt gãy trên hướng Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực cơ động lực lượng tác chiến, mở đường tiến quân về Sài Gòn, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, khát vọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Trận đánh Trảng Bom thắng lợi đã phá vỡ một mắt xích quan trọng, tạo thuận lợi cho Quân đoàn 4 cùng các “binh đoàn cơ động thọc sâu trên từng hướng” của chiến dịch cơ động tiến vào 5 mục tiêu đầu não của địch trong nội đô Sài Gòn.

* Cụ thể hóa chủ trương vào thực tiễn

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên trong bài tổng thuật đã nêu lên 5 vấn đề quan trọng mà hội thảo khoa học về trận đánh Trảng Bom thu được. Theo đó, từ thắng lợi này đã cho phép ta khẳng định và cụ thể hóa chủ trương, sự chỉ đạo của cấp trên vào thực tiễn; đó là minh chứng cho tư tưởng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” và phát huy sức mạnh các binh đoàn chủ lực.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho rằng, với nhịp độ thần tốc “một ngày bằng 20 năm”, trên cơ sở nắm chắc thế trận, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định không tổ chức đội hình “thê đội” (đội hình chiến đấu dùng trong các trận đánh cấp chiến lược, chiến dịch) trong quá trình tác chiến; không chia bước, chia đợt như các chiến dịch thông thường, mà giao khu vực tác chiến và mục tiêu tiến công cụ thể cho từng quân đoàn trên từng hướng chiến lược.

Để tiến vào nội đô Sài Gòn, các hướng tham gia chiến dịch phải tổ chức những trận đánh lớn, ác liệt với quân địch ở vòng ngoài. Để hoàn thành nhiệm vụ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao, Sư đoàn 341 đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực làm tốt công tác chuẩn bị, trong đó tập trung làm tốt công tác chính trị - tư tưởng, phát huy ý chí tiến công, quyết tâm giành thắng lợi cho trận mở màn. Sư đoàn còn được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng (13 chiếc), một tiểu đoàn cao xạ hỗn hợp, một đại đội pháo 105mm…

“Tư tưởng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” và việc phát huy sức mạnh các binh chủng thể hiện ở việc nổ súng mở màn trận đánh và kết thúc thắng lợi nhanh chóng (4h05 đến 10h30 ngày 27-4-1975) quân ta đã làm chủ toàn bộ Yếu khu Trảng Bom. Thực tế, chỉ sau loạt “bão lửa” pháo binh trút vào các mục tiêu đã định, các hướng đồng loạt tiến công quân địch trong Yếu khu Trảng Bom. Dù ra sức chống trả nhưng trước sức mạnh áp đảo và tinh thần chiến đấu anh dũng của quân ta, các vị trí phòng ngự của địch lần lượt bị tiêu diệt” - thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh.

Đây cũng là trận đánh giành thắng lợi sớm nhất trong các trận đánh mở màn trên các hướng tiến công của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nên đã cổ vũ tinh thần, thúc giục các đoàn quân đẩy nhanh “thần tốc”, giành lấy những thắng lợi của trận đánh đầu tiên trên các hướng tiến quân về thành phố mang tên Bác.

Thắng lợi từ trận đánh Trảng Bom còn thể hiện nghệ thuật “chọn hướng và sử dụng lực lượng” hợp lý, hiệu quả. Từ thực tế chiến trường, Sư đoàn 341 đã đề ra phương án tác chiến đúng đắn, xác định rõ các hướng tiến công chủ yếu (phía Bắc), hướng tiến công thứ yếu (phía Đông Bắc), hướng tiến công quan trọng (Đông Nam). Đồng thời, bố trí lực lượng phù hợp cho các hướng do các trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh làm chủ công, cùng với sự tham gia của pháo binh, xe tăng bảo đảm phát huy tốt sức mạnh tiến công - được coi là phương án tối ưu nhất về chọn hướng, kết hợp với sử dụng lực lượng đạt hiệu quả chiến đấu cao.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202404/chien-thang-trang-bom-then-chot-mo-dau-thang-loi-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-8c26de8/