Chiến thuật cổ điển nhưng lợi hại đối phó lính bắn tỉa trên chiến trường Ukraine
Quân đội các nước đã nghĩ ra nhiều cách để chống lại các tay súng bắn tỉa. Một trong những cách thức đơn giản và hiệu quả nhất là sử dụng hình nộm binh sỹ.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã để lại nhiều bài học về nghệ thuật tác chiến và việc sử dụng công nghệ quân sự trong giao tranh. Về khía cạnh công nghệ, hai bên đã sử dụng nhiều phương tiện và vũ khí có từ thời Liên Xô kết hợp với những vũ khí hiện đại. Giao tranh vẫn diễn ra trong các trận địa chiến hào tương tự như Thế chiến thứ nhất, với cảnh tượng các binh sỹ lội trong những vũng bùn lầy khi tuyết tan vào mùa xuân. Trong bối cảnh này, một trong những chiến thuật điển hình của tác chiến chiến hào từ năm 1914-1918 đã xuất hiện trở lại, đó là việc sử dụng mồi nhử hay hình nộm để đánh lừa lính bắn tỉa đối phương, đặc biệt là hình nộm binh sỹ.
Sự nguy hiểm của các tay súng bắn tỉa
Hình nộm này có kích thước giống người thật, mặc quần áo chiến đấu mùa đông, đeo mặt nạ phòng độc từ thời Liên Xô, được dựng lên cạnh các bao cát đặt bên trong chiến hào. Một bức ảnh do nhiếp ảnh gia Wolfgang Schwan chụp được cho thấy hình nộm này đã xuất hiện tại chiến hào của Lữ đoàn cơ giới số 24 của Ukraine, dọc theo chiến tuyến phía Nam thành phố Bakhmut vào ngày 10/3/2023. Bakhmut và khu vực xung quanh là nơi đã chứng kiến các cuộc giao tranh dữ dội trong thời gian gần đây. Mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng thành phố không có giá trị lớn về mặt chiến lược, nhưng cả Nga và Ukraine vẫn quyết tâm triển khai mọi nguồn lực để giành quyền kiểm soát.
Đây không phải hình nộm đầu tiên xuất hiện kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra và chiến thuật sử dụng hình nộm cũng không phải khái niệm mới. Chiến thuật này có lẽ khá phổ biến trong giao tranh chiến hào thời Thế chiến thứ nhất. Trong Thế chiến thứ nhất, súng bắn tỉa là một trong những vũ khí đáng sợ nhất. Đức là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.
Những tay súng bắn tỉa sử dụng súng trường được trang bị loại kính ngắm có thể nhắm bắn mục tiêu chính xác ở cự ly cách xa hơn 500m. Binh sỹ của đối phương có thể bị hạ gục nêu họ để lộ phần đầu ra khỏi chiến hào. Các tay súng bắn tỉa không chỉ chọn vị trí cẩn thận mà họ còn ngụy trang rất kỹ lưỡng và di chuyển ngay lập tức sau khi ngắm bắn để tránh bị phát hiện.
Một tay súng bắn tỉa được đào tạo bài bản có thể gây thiệt hại lớn cho đối phương khi nhắm vào các chỉ huy trên chiến trường, đe dọa tinh thần của phe bên kia. Các binh sỹ đều nhận thức được rằng, một hành động sai lầm có thể khiến họ mất đi mạng sống ngay lập tức và sự lo ngại này có thể khiến họ bị ảnh hưởng về tâm lý, làm giảm tinh thần chiến đấu.
Chiến thuật đối phó
Quân đội các nước đã nghĩ ra nhiều cách để chống lại các tay súng bắn tỉa. Một trong những cách thức đơn giản và hiệu quả nhất là sử dụng hình nộm binh sỹ. Hình nộm này có phần đầu được làm bằng giấy bồi, được gắn trên một cây gậy và đặt bên trên chiến hào để thu hút sự chú ý từ các tay súng bắn tỉa. Sau khi đối phương nhắm bắn, các binh sỹ sẽ sử dụng phép đo tam giác kết hợp với thiết bị phát hiện tia lửa từ họng súng đối phương để tìm ra vị trí tay súng bắn tỉa. Cuối cùng là tiến hành phản công bằng cách sử dụng pháo binh hoặc điều động lính bắn tỉa đáp trả.
Những hình nộm bằng giấy bồi tương đối rẻ tiền và dễ làm. Đôi khi chúng được chế tạo với độ chân thực cao để dễ đánh lừa thị giác của một tay súng bắn tỉa. Binh sỹ Ukraine trong chiến hào ở phía Nam Bakhmut dường như cũng đã sử dụng dạng hình nộm này nhằm thu hút hỏa lực bắn tỉa để xác định vị trí của đối phương. Ngoài cách thức đo đạc thủ công, họ có thể sử dụng những thiết bị tiến tiến hơn như thiết bị giám sát quang điện, hệ thống trinh sát âm thanh, hình ảnh như Boomerang do DARPA phát triển, sử dụng cảm biến nhỏ để phát hiện tiếng nổ từ họng súng và sóng xung kích của viên đạn khi nó di chuyển với tốc độ cao.
Trong bối cảnh máy bay không người lái được sử dụng khá phổ biến trên chiến trường, trong đó có cả những máy bay không người lái cỡ nhỏ thả đạn dược tấn công các binh sỹ ẩn náu bên trong chiến hào, hình nộm cần phải chân thực khi quan sát từ mọi góc độ. Các binh sỹ có thể đánh lừa đối phương một cách hiệu quả bằng cách gắn thêm mặt nạ phòng độc cho hình nộm, điều này sẽ khiến UAV trinh sát của đối phương khó phân biệt thật giả.
Tác chiến chiến hào đôi khi buộc lực lượng của các bên tham chiến phải đến gần đối phương hơn. Trong môi trường này, ngay cả một tay súng bắn tỉa cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn.
Hầu hết các chuyên gia đều thừa nhận rằng, chiến thuật sử dụng hình nộm cùng với chiến thuật ngụy trang, đánh lạc hướng được sử dụng khá nhiều trong cuộc xung đột. Ngoài hình nộm binh sỹ, cả Nga và Ukraine được cho là đang tăng cường sử dụng mô hình giống hệ thống tên lửa đất đối không, thiết giáp và nhiều phương tiện có giá trị cao khác làm mồi nhử để làm tiêu hao tên lửa, đạn dược của đối phương, đồng thời góp phần bảo vệ hệ thống vũ khí thực sự.
Tác chiến chiến hào là một trong những khía cạnh nổi bật của cuộc xung đột Nga-Ukraine, không chỉ diễn ra ở phía Đông xung quanh Bakhmut mà còn ở phía Nam Ukraine. Chừng nào kiểu giao tranh này còn tiếp diễn, thì mối đe dọa do các tay súng bắn tỉa gây ra đối với những binh sỹ trong chiến hào vẫn rất lớn. Và như vậy, quân đội các nước sẽ phải tìm ra những biện pháp đối phó sáng tạo để phòng thủ cũng như đẩy lùi mối đe dọa này./.