Chiến thuật cực đoan của ông Trump

Sau khi tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024, ông Donald Trump đang dần tìm cách liên kết với các thành phần cực đoan nằm ngoài dòng chính thống của nền chính trị Mỹ.

Tối 1/12, Cựu Tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố ông đứng về phe đã xông vào Điện Capitol gần 2 năm trước.

“Mọi người bị đối xử một cách vi hiến. Theo tôi, điều này rất không công bằng. Chúng ta sẽ đi tới tận cùng”, ông nói trong video gửi tới buổi gây quỹ cho nhóm Dự án Tự do Yêu nước tổ chức thay mặt cho gia đình những người bị buộc tội tấn công Điện Capitol hôm 6/1/2021.

Theo New York Times, đoạn video này nhấn mạnh việc cựu tổng thống liên kết với các lực lượng bên ngoài dòng chủ lưu trong nền chính trị Mỹ, giữa lúc ông tìm cách giành lại Nhà Trắng vào năm 2024. So với quá khứ, ông Trump giờ mạnh bạo chấp nhận những đối tượng cực đoan trong xã hội Mỹ.

Chiến thuật tái tạo động lực chính trị?

Tại các cuộc vận động gần đây, ông Trump đã sử dụng nhạc nền là bài hát của QAnon. Theo BBC, QAnon là thuật ngữ chỉ thuyết âm mưu hoàn toàn vô căn cứ cho rằng ông Donald Trump đang tiến hành cuộc chiến chống lại nhóm người ấu dâm và tôn thờ quỷ trong chính phủ, doanh nghiệp và giới truyền thông Mỹ.

Không chỉ vậy, ông Trump cũng ăn tối cùng Kanye West - ngôi sao nhạc rap có những tuyên bố bài Do Thái và Nick Fuentes - người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

Những vị khách trong bữa tối với ông Trump cũng một lần nữa làm dậy sóng dư luận với các bình luận trong chương trình Infowars của Alex Jones - người chuyên sản xuất thuyết âm mưu - vào hôm 1/12.

"Mỗi người đều có những giá trị riêng, đặc biệt là Hitler", Kanye West (Ye) nói. "Tôi cũng thấy những điều tốt về Hitler", Independent đưa tin. Trong buổi phỏng vấn, Ye còn nói Đức quốc xã và Hitler cũng đã làm một số "điều tốt".

Trong khi đó, Stewart Rhodes - người sáng lập lực lượng dân quân Oath Keepers cánh hữu và là người ủng hộ ông Trump - gần đây đã bị kết tội âm mưu nổi loạn trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021.

 Nhiều thành viên đảng Cộng hòa lo lắng việc ông Trump ủng hộ phe cực hữu sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng đảng giữa lúc họ cần thu hút thêm sự ủng hộ. Ảnh: New York Times.

Nhiều thành viên đảng Cộng hòa lo lắng việc ông Trump ủng hộ phe cực hữu sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng đảng giữa lúc họ cần thu hút thêm sự ủng hộ. Ảnh: New York Times.

Phán quyết trong vụ Oath Keepers nhấn mạnh mối liên kết giữa ông Trump và lực lượng cánh hữu đã bị chính phủ Mỹ gắn mác là mối nguy hiểm.

Phiên tòa xác định có âm mưu bất hợp pháp nhằm để ông Trump tiếp tục nắm quyền vào năm 2020, dù cựu tổng thống có liên quan trực tiếp hay chỉ truyền cảm hứng cho tổ chức thông qua lời vô căn cứ ông lan truyền.

Jon Lewis - nhà nghiên cứu tại chương trình về chủ nghĩa cực đoan của Đại học George Washington - cho biết phán quyết tuần này củng cố thực tế là ông Trump và nhóm ủng hộ đã học được cách lợi dụng tâm lý tức giận, cũng như các quan điểm phân biệt chủng tộc và phản dân chủ.

Việc ông Trump chấp nhận những cá nhân cực đoan này diễn ra giữa lúc đảng Cộng hòa đổ lỗi lên ông sau kết quả đáng thất vọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ.

Các quan chức đảng Cộng hòa - dẫn đầu là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - lập luận việc cựu tổng thống nâng đỡ cho ứng viên ủng hộ tuyên bố vô căn cứ về cuộc bầu cử 2020 chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại.

“Ông Trump đang nỗ lực gây dựng hồ sơ lãnh đạo cực đoan”, Ruth Ben-Ghiat - giáo sư lịch sử tại Đại học New York - cho biết. “Với người có tính khí như ông Trump, việc bị làm bẽ mặt bởi những người quay lưng lại với mình sẽ chỉ khiến ông tuyệt vọng và có xu hướng ủng hộ hoặc liên kết với những thành phần cực đoan nhất của xã hội. Ông ấy không có lựa chọn nào khác”.

Giới phân tích và chiến lược gia cho rằng việc ông Trump xoay về phe cực hữu là chiến thuật tái tạo động lực chính trị khi động lực ấy có thể đang vuột khỏi tay cựu tổng thống. Một số thăm dò cho thấy ông đang theo sau Thống đốc Florida Ron DeSantis để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2024.

Tuy nhiên, nhiều thành viên lo lắng khi động thái này ảnh hưởng tới đảng. “Động thái của ông Trump làm tổn hại tới danh tiếng của đảng, đặc biệt là với cử tri trung tâm và ngoại ô. Nhưng điều này cũng giúp lãnh đạo đảng Cộng hòa xa rời ông ấy và bắt đầu một chương mới”, cựu thành viên Hạ viện Mỹ Carlos Curbelo nói.

Điều chưa vị tổng thống hiện đại nào làm

Ông Trump từ lâu đã tỏ ra hứng thú với nhóm bên lề nền chính trị chính thống - điều chưa từng có tiền lệ đối với một vị tổng thống Mỹ thời hiện đại. Ông công khai ủng hộ những định kiến dựa trên chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, khuynh hướng tình dục và nhiều yếu tố khác.

Ông Trump tìm cách thu hút sự ủng hộ cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 bằng cách tung tin ông Barack Obama được bí mật sinh ra bên ngoài nước Mỹ, sau đó công khai việc ứng cử bằng cách gán mác người nhập cư Mexico là tội phạm hiếp dâm.

Ông tuyên bố sẽ cấm tất cả người Hồi giáo vào Mỹ, cũng như không nhanh chóng rút lại sự ủng hộ đối với David Duke - cựu lãnh đạo tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan. Nổi tiếng nhất là việc ông không chỉ trích mạnh mẽ cuộc biểu tình cực hữu đẫm máu tại Charlottesville, bang Virginia hồi năm 2017.

Trong những tuần gần đây, ông đăng lại các thuyết âm mưu vô căn cứ từ QAnon. Cựu tổng thống cũng nói những người xông vào Điện Capitol là “yêu nước” và hứa xem xét nghiêm túc “ân xá đầy đủ kèm lời xin lỗi”.

 Những người ủng hộ ông Trump tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington hôm 6/1/2021. Ảnh: Reuters.

Những người ủng hộ ông Trump tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington hôm 6/1/2021. Ảnh: Reuters.

“Nhóm thân tín của ông Trump nhận thức sâu sắc được thực tế là ông đã đánh mất vị thế như năm 2016. Hiện nay, có tư tưởng cho rằng chìa khóa khôi phục sự ủng hộ với ông Trump nằm ở việc vực dậy phần bảo thủ nhất trong nhóm ủng hộ ấy”, Alyssa Farah Griffin - người từng là Giám đốc truyền thông chiến lược Nhà Trắng dưới thời ông Trump - nói.

“Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó đồng nghĩa tiếp cận với các phần tử bên lề, phân biệt chủng tộc mà theo truyền thống đã bị gạt sang bên lề xu hướng chủ đạo của đảng”, bà nói.

Việc ông Trump ngày càng lấn sâu vào chủ nghĩa cực đoan khiến các thành viên đảng Cộng hòa một lần nữa phải tìm cách tạo khoảng cách. Tuy ông nói mình không biết Fuentes là ai trước khi cùng ăn tối tại Mar-a-Lago, ông Trump biết rõ Ye vốn bị chỉ trích vì có tuyên bố bài Do thái. Ông vẫn mời nam rapper này.

Liên minh Do Thái của đảng Cộng hòa - vốn ủng hộ ông Trump - đã đưa ra tuyên bố chỉ trích những bình luận mới nhất của rapper Ye và ngầm quở trách cựu tổng thống.

Nhưng ông Trump không có dấu hiệu lùi bước.

Dù cựu tổng thống thật sự theo quan điểm của các nhóm cực đoan hay chỉ đơn giản là hùa theo, mục đích cuối cùng của ông Trump là xác định xem còn ai ủng hộ mình. Sau khi nhiều cố vấn cũ đã quay lưng, giờ chỉ còn những đồng minh thân cận nhất đang ở lại bên cựu tổng thống.

“Câu hỏi mà rất nhiều người tò mò trong nhiều năm qua là liệu ông Trump có thực sự tin những gì ông ấy rêu rao hay không, đặc biệt là lời vô căn cứ về kỳ bầu cử”, bà Griffin nói.

“Tôi cho rằng thời gian trôi qua, khi ông ấy không còn tại vị và nhận thấy xung quanh mình chỉ còn nhóm cố vấn vô tổ chức, ông ấy sẽ ngày càng tin vào các thuyết âm mưu bên lề do một nhóm thiểu số có tiếng nói trong đảng Cộng hòa”, bà nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-thuat-cuc-doan-cua-ong-trump-post1381255.html