Chiến thuật đối kháng AI của Trung Quốc và triết lý 'giáo, khiên' trong chiến tranh hiện đại

Quân đội Trung Quốc có thể tập trung phát triển chiến thuật đối kháng AI, nhằm làm suy yếu dữ liệu và khả năng tính toán của đối phương để giành ưu thế trên chiến trường tương lai.

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng chiếm lĩnh vai trò trong hoạch định và ra quyết định tác chiến, lực lượng vũ trang Trung Quốc đang nỗ lực tìm ra cách làm suy yếu năng lực dữ liệu và tính toán của đối phương.

Chiến thuật đối kháng AI thời đại mới

Trong một bài viết vừa đăng tải ngày 20-5, tờ PLA Daily (nhật báo của quân đội Trung Quốc) nhấn mạnh rằng khả năng đối phó với kỹ năng tác chiến dựa trên AI của đối phương đang trở thành một lĩnh vực chiến tranh mới nổi, có ý nghĩa then chốt trong tương lai.

Theo PLA Daily, để giành được ưu thế trong lĩnh vực này, quân đội Trung Quốc cần nhắm tới ba tầng chính trong quá trình xử lý AI của đối phương: dữ liệu, thuật toán và năng lực tính toán.

 Quân đội Trung Quốc có thể tập trung phát triển chiến thuật đối kháng AI để giành ưu thế trên chiến trường tương lai. Ảnh minh họa: SOUTH CHINA MORNING POST

Quân đội Trung Quốc có thể tập trung phát triển chiến thuật đối kháng AI để giành ưu thế trên chiến trường tương lai. Ảnh minh họa: SOUTH CHINA MORNING POST

Bài viết đề xuất một khả năng là “làm nhiễu” dữ liệu hoặc thay đổi phân bố dữ liệu trong thời chiến, nhằm khiến các mô hình ngôn ngữ của đối phương giảm độ chính xác.

Các phương pháp như ngụy trang vũ khí và tung dữ liệu giả lên mạng có thể khiến các mô hình AI của đối phương học sai, dẫn đến phân tích và phản ứng sai lệch. Bài viết cho biết những kỹ thuật này đã được một số quân đội nước ngoài sử dụng.

Một chiến thuật khác là “lừa thuật toán”, tức là hành động theo cách vượt ra ngoài phạm vi hiểu biết hoặc đi ngược lại logic vận hành của các mô hình AI của đối thủ, khiến chúng không thể dự đoán hay phản ứng chính xác.

Trong thực chiến, chiến thuật này có thể được hiện thực hóa bằng cách điều khiển các bầy thiết bị bay không người lái (drone) thực hiện những thao tác bất quy tắc, khiến lực lượng nước ngoài không thể học được tuyến đường di chuyển hay đội hình vận hành.

Quân đội Trung Quốc từ lâu đã thảo luận về khái niệm “chiến tranh đánh lừa” theo hướng này.

Theo PLA Daily, thông qua việc tạo ra thông tin “nhiễu”, tức bơm vào hệ thống lượng dữ liệu quá lớn dưới dạng hình ảnh, âm thanh, video và tín hiệu điện từ, quân đội Trung Quốc có thể làm giảm hiệu suất xử lý của hệ thống tính toán đối phương.

Trong xung đột, quân đội Trung Quốc cũng có thể tấn công vào các trung tâm điện toán, cơ sở mạng lưới và những hạ tầng hỗ trợ khác như hệ thống cung cấp điện của đối phương.

Đây là lần đầu tiên PLA Daily chính thức diễn giải các thuật ngữ liên quan đến mục tiêu tác chiến nhắm trực tiếp vào các mô hình AI quân sự của đối phương trên chiến trường. Tờ báo kêu gọi quân đội Trung Quốc “tăng cường tư duy biện chứng và đổi mới lý luận” nhằm phục vụ cho các hoạt động đối kháng AI trong bối cảnh chiến tranh ngày càng được số hóa.

Vừa có “giáo’, vừa có “khiên”

Ông Lyle Goldstein – Giám đốc Sáng kiến Trung Quốc tại Viện Watson thuộc ĐH Brown (Mỹ) – cho biết quân đội Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển các chiến thuật đối kháng AI, trong bối cảnh những năm gần đây có nhiều cuộc thảo luận về việc sử dụng AI trong chiến tranh.

Ông Goldstein nhận xét rằng ví dụ về chiến thuật trong bài viết “đặc biệt đáng chú ý” vì cho thấy sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự cứng (như vũ khí, tấn công mạng) và năng lực mềm (như gây nhiễu, đánh lạc hướng AI), theo tờ South China Morning Post.

“Trung Quốc hiểu rằng chiến tranh luôn thay đổi theo thời thế, nhưng vẫn sẽ duy trì những yếu tố truyền thống nhất định” - ông Goldstein nhận định.

 UAV Cửu Thiên của Trung Quốc được tích hợp công nghệ điều khiển đội UAV bằng AI. Ảnh: CCTV

UAV Cửu Thiên của Trung Quốc được tích hợp công nghệ điều khiển đội UAV bằng AI. Ảnh: CCTV

Bình luận viên quân sự và cựu giảng viên quân đội Trung Quốc - ông Tống Trung Bình cho rằng việc quân đội Trung Quốc tiến hành nghiên cứu ngược về hệ thống AI, nhằm ngăn đối phương thu thập và khai thác dữ liệu hiệu quả, là điều hoàn toàn hợp lý.

Ông Tống lý giải rằng triết lý quân sự truyền thống của Trung Quốc từ lâu đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp cả “giáo” (tấn công) và “khiên” (phòng thủ) trong chiến tranh.

Ông Timothy Heath - chuyên gia cao cấp về quốc phòng quốc tế tại tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ) - nhận định rằng các công nghệ được nêu trong bài viết của PLA Daily có thể vẫn đang ở giai đoạn ý tưởng, chưa đi vào ứng dụng thực tế.

“Xét đến việc nhiều quân đội trên thế giới hiện mới chỉ bắt đầu tích hợp AI vào vũ khí và hệ thống tác chiến, những năng lực được đề cập trong bài viết nhiều khả năng vẫn mang tính lý thuyết và đề xuất, chứ chưa trở thành học thuyết tác chiến chính thức” - ông Heath nói.

Ông Heath cũng cho biết các lỗ hổng trong hệ thống AI (kể cả ngoài lĩnh vực quân sự) đã được nhận ra từ lâu và không còn là điều xa lạ.

Theo vị chuyên gia, quân đội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện, nghiên cứu và phát triển lý luận về bảo mật dữ liệu, nhằm bảo đảm AI có thể được ứng dụng hiệu quả trong các hoạt động quân sự.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chien-thuat-doi-khang-ai-cua-trung-quoc-va-triet-ly-giao-khien-trong-chien-tranh-hien-dai-post851105.html