Chiến thuật đội tàu cá Trung Quốc sử dụng để vơ vét khắp thế giới

Trung Quốc đã xây dựng đội tàu đánh cá hùng hậu để càn quét nhiều vùng biển trên thế giới, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ ở nhiều nước.

Với hệ sinh thái đa dạng và phong phú, vùng biển xung quanh quần đảo Galápagos (Ecuador) đã thu hút ngư dân địa phương trong nhiều thế kỷ. Song giờ đây, những vùng biển này đang phải đối mặt với sự càn quét của đội tàu cá đến từ Trung Quốc, theo New York Times.

Mỗi năm, ngày càng nhiều tàu thương mại của Trung Quốc vượt hàng nghìn km để đến đây đánh cá. Đội tàu này có lúc còn đánh bắt ngay rìa vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador.

Kể từ năm 2016, các tàu Trung Quốc đã hoạt động ở vùng biển Nam Mỹ hầu như quanh năm, di chuyển theo mùa từ bờ biển Ecuador, Peru đến Argentina.

Quy mô đánh bắt lớn đã đặt ra báo động về tác hại đối với nền kinh tế địa phương và môi trường, cũng như tính bền vững thương mại của cá ngừ, mực và các loài khác.

Đội tàu cá hùng hậu hàng đầu thế giới

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng đội tàu đánh cá nước sâu lớn nhất thế giới với gần 3.000 tàu. Do nguồn tài nguyên ở vùng biển ven bờ của Trung Quốc đã cạn kiệt nghiêm trọng, nước này hiện đánh bắt cá ở bất kỳ đại dương nào trên thế giới.

Tác động ngày càng được cảm nhận rõ ràng từ Ấn Độ Dương đến phía nam Thái Bình Dương, từ các bờ biển của châu Phi đến những vùng ngoài khơi Nam Mỹ. Đây được coi một biểu hiện của sức mạnh kinh tế toàn cầu của Trung Quốc trên vùng biển khơi.

Hoạt động của Trung Quốc đã hứng làn sóng phản đối về mặt ngoại giao và pháp lý. Hạm đội này cũng có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp, bao gồm xâm phạm lãnh hải của các quốc gia khác và đánh bắt nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Vào năm 2017, Hải quân Ecuador từng bắt giữ tàu cá Fu Yuan Yu Leng 999 của Trung Quốc trong khu bảo tồn biển Galapagos. Bên trong tàu này là 6.000 con cá mập đông lạnh - bao gồm cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá mập đầu búa và cá mập voi, theo Guardian.

Tuy nhiên, phần lớn những gì Trung Quốc làm là hợp pháp, ít nhất là trên vùng biển cả. Với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc, điều này được dự đoán khó có thể kết thúc sớm.

Vào mùa hè năm 2020, nhóm bảo tồn Oceana đã ghi nhận gần 300 tàu Trung Quốc hoạt động gần Galápagos, ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador.

Họ chiếm gần 99% sản lượng đánh bắt gần Galápagos, và không có quốc gia nào khác tiệm cận con số đó.

“Biển của chúng tôi không thể chịu được áp lực này nữa”, Alberto Andrade, một ngư dân từ Galápagos, cho biết.

“Chúng tôi e rằng trong tương lai sẽ không còn nghề cá nữa. Ngay cả đại dịch cũng không ngăn được họ”, ông nói thêm.

Trung Quốc có thể đánh bắt cá ở quy mô lớn là nhờ các tàu như Hải Phong 718, một tàu chở hàng được đóng tại Nhật Bản vào năm 1996. Nó được đăng ký tại Panama và do một công ty ở Bắc Kinh quản lý. Chủ sở hữu của nó là một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

 Một tàu câu mực Trung Quốc đánh bắt gần Galápagos vào năm ngoái. Ảnh: AP.

Một tàu câu mực Trung Quốc đánh bắt gần Galápagos vào năm ngoái. Ảnh: AP.

Hải Phong 718 được biết đến như một tàu chuyên chở, hay còn gọi là tàu mẹ, có kho lưu trữ lạnh để bảo quản hàng tấn đánh bắt. Nó cũng chở nhiên liệu và nhiều nguồn cung khác cho các tàu nhỏ hơn. Do đó, các tàu khác không cần phải mất thời gian quay trở lại cảng, cho phép họ đánh bắt gần như liên tục.

Theo tổ chức nghiên cứu Global Fishing Watch, trong suốt một năm, bắt đầu từ tháng 6/2021, tàu Hải Phong 718 đã gặp ít nhất 70 tàu cá nhỏ hơn mang cờ Trung Quốc ở nhiều địa điểm khác nhau trên biển. Mỗi lần gặp là một lần chuyển giao hàng trăm tấn cá.

Những con tàu cùng nhau đi dọc các bờ biển Nam Mỹ. Sau khi rời Uy Hải, một thị trấn ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), tàu Hải Phong 718 đến Galápagos vào tháng 8/2021 và dành gần một tháng ở vùng biển ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador. Tại đây, nó đã phục vụ nhiều con tàu khác.

Một tháng sau, đội tàu Trung Quốc đi đến bờ biển Peru. Được chất đầy hải sản đánh bắt, tàu mẹ quay trở lại Trung Quốc. Đến tháng 12/2021, nó lại hoạt động trên biển, lần này hướng về phía tây qua Ấn Độ Dương. Nó đến ngoài khơi Argentina để bắt đầu mùa mực ở đó vào tháng 1. Vào tháng 5, nó lại một lần nữa ở ngoài khơi Galápagos.

Những hoạt động này khiến sản lượng mực khai thác tăng nhanh chóng. Năm 2019, gần như tất cả tàu câu mực hoạt động ở phía Nam Thái Bình Dương đều đến từ Trung Quốc.

Châm ngòi làn sóng phẫn nộ

Sự xuất hiện của hạm đội Trung Quốc ở rìa Galápagos vào năm 2020 đã khiến quy mô của đội tàu đánh cá nước này nhận được nhiều sự chú ý.

Khi đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi khu bảo tồn biển Galapagos đầu năm 2020, chính phủ Ecuador đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, theo ABC.

Quy mô của hạm đội đó, với hơn 350 tàu cá, còn lớn hơn quy mô hải quân nước này.

Ecuador đã khiếu kiện tại Bắc Kinh. Ông Lenín Moreno - Tổng thống nước này vào thời điểm đó - đã tuyên bố sẽ bảo vệ khu bảo tồn biển, nơi mà ông gọi là "một mầm sống cho toàn bộ hành tinh”.

 Tàu Trung Quốc đánh bắt ở ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ vào tháng 7/2021. Ảnh: AP.

Tàu Trung Quốc đánh bắt ở ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ vào tháng 7/2021. Ảnh: AP.

Trung Quốc đã đáp lại bằng những lời đề nghị nhượng bộ, chẳng hạn công bố các quy định về đánh bắt cá ở một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tác động tích cực của những quy định đó là không lớn.

Sau cuộc tranh luận ở Galápagos, phần lớn hạm đội Trung Quốc giữ khoảng cách xa hơn với vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục đánh cá nhiều như trước.

Tại Argentina, một nhóm các nhà bảo vệ môi trường đã đệ đơn lên tòa án cấp cao nhất của đất nước vào năm ngoái với hy vọng thúc đẩy chính phủ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường. Họ dự định đệ trình một lệnh tương tự trong những tháng tới ở Ecuador.

Hải quân Argentina từng đánh chìm một tàu đánh cá Trung Quốc vào năm 2016. Kể từ đó, họ đã tuyên bố sẽ bổ sung 4 tàu tuần tra mới để tăng cường các nỗ lực thực thi pháp luật ở vùng biển ven bờ của nước này.

Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ các quốc gia khác để chống lại hoạt động đánh bắt bất hợp pháp hoặc không được kiểm soát của Trung Quốc. Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã gọi hành động này là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất trên các đại dương, đồng thời điều các tàu tuần tra đến phía Nam Thái Bình Dương.

Theo New York Times, những nỗ lực như vậy có thể giúp ích trong vùng lãnh hải, nhưng khó có thể hạn chế đội tàu cá Trung Quốc trên các vùng biển cả.

Tiêu thụ cá trên toàn thế giới tiếp tục tăng, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019. Đồng thời, trữ lượng của hầu hết loài cá tiếp tục giảm, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-thuat-doi-tau-ca-trung-quoc-su-dung-de-vo-vet-khap-the-gioi-post1359966.html