'Chiến thuật' ôn tập bài thi Khoa học tự nhiên trước giờ 'G'
Để giúp thí sinh có tâm lý ổn định khi làm bài thi Khoa học tự nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, một số giáo viên đưa ra lời khuyên là lúc này các em không nên tập trung vào học kiến thức mới nữa, mà nên ưu tiên luyện tập 'chiến thuật' làm bài thi.
Theo TS Nguyễn Thành Nam, Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, để có được sự chuẩn bị tốt nhất, các thí sinh cần lưu ý: Về sức khỏe, các em cần phải giữ sức khỏe ổn định bằng cách sinh hoạt điều độ. Không nên thức quá khuya, dậy quá sớm và cần đảm bảo ngủ đủ giấc. Hạn chế những hành động có thể làm mất ổn định hoặc gây ra vấn đề cho sức khỏe, như vận động quá sức, ăn uống quá nhiều. Tránh ăn những loại thực phẩm lạ, khó tiêu hóa, hoặc dễ gây tiêu chảy, ngộ độc. Tóm lại, giống như vận động viên trước khi thi đấu, các em cần phải giữ sức khỏe ở trạng thái tốt nhất có thể.
Về việc ôn thi, TS Nguyễn Thành Nam khuyên các em không nên tập trung vào học kiến thức mới nữa, mà nên ưu tiên luyện tập chiến thuật làm bài thi. Nên luyện tập trên một số đề thi chuẩn, và dựa vào mục tiêu điểm số của mình để kiểm soát thời gian cho hợp lý. Trong quá trình làm đề, cần lưu ý hoàn thiện kỹ thuật tính toán sao cho nhanh và chính xác. Tuyệt đối tránh việc phải tính đi tính lại nhiều lần một phép tính.
“Trong quá trình làm bài thi, không nên quá suy nghĩ về những phần đã thi xong, mà nên tập trung vào phần đang làm. Nếu cảm thấy đề thi khó hơn mức bình thường thì cũng không cần phải lo lắng, vì điều này là hết sức bình thường. Trong trường hợp đề thi được nâng cao hơn về độ khó thì đó là cái khó chung, nên về cơ bản sẽ không làm thay đổi thứ hạng và kết quả tuyển sinh vào đại học của các thí sinh nên không cần phải bận tâm. Cần giữ trạng thái tâm lý ổn định và sự tập trung cao độ mới có thể đạt được kết quả tốt nhất”, TS Nguyễn Thành Nam cho biết.
Cô Thiều Thị Dung, tổ Khoa học tự nhiên, Hệ thống Giáo dục HOCMAI tư vấn: “Để đạt được kết quả tốt nhất môn Vật lý thì ngoài việc nắm vững hệ thống kiến thức và thành thạo các kỹ năng làm bài, các thí sinh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, tránh căng thẳng dẫn đến những sai sót không đáng có”.
Cô Thiều Thị Dung lưu ý một số điểm quan trọng khi thí sinh làm bài môn Vật lý:
Thứ nhất là đọc kỹ đề. Nhiều câu hỏi Vật lý chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn, nếu đọc đề bài một cách sơ sài chúng ta không thể phát hiện những yếu tố khác biệt đó, và sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Khi làm xong các phép tính, các em cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi, xem đáp số có phù hợp với thực tế không.
Thứ hai là các em phải nháp thẳng vào đề thi: Để tránh nhầm lẫn trong quá trình tính toán, các em nên kí hiệu các đại lượng đề bài đã cho ngay trên đề thi, đồng thời đổi đơn vị và ghi công thức cần tính ngay trên đề.
Thứ ba là phân bổ thời gian hợp lý: Số lượng câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 28 - 30 câu nên các em cần ưu tiên xử lý nhanh, gọn, chính xác các câu hỏi này trong khoảng 15 - 20 phút. Sau đó dành khoảng 2 phút tô luôn đáp án toàn bộ các câu hỏi này vào phiếu trả lời. Thời gian còn lại, các em quan sát nhanh các câu cuối, phân loại các câu hỏi có dạng quen thuộc và ưu tiên xử lý trước, câu lạ và khó xử lý sau.
Cô Nguyễn Thùy Linh, tổ Sinh học, Hệ thống Giáo dục HOCMAI khuyên các thí sinh: “Khi được phát đề, các em nên đọc lướt qua một lượt (khoảng 1-2 phút) cả đề để biết độ dài và độ khó của đề, áng chừng tốc độ làm bài; nếu thấy đề thi bị mờ hoặc thiếu câu thì báo cho giám thị để xử lý. Kiến thức 30 câu đầu thường ở mức Nhận biết - Thông hiểu nên các em cần làm nhanh, gạch chân được từ khóa của câu hỏi, chú ý các câu hỏi chọn câu đúng/không đúng để tránh hiểu sai đề bài. Ở 10 câu cuối, khi tính toán bị sai sót hoặc không nghĩ ra hướng của câu nào thì không nên hoảng loạn mà bỏ qua và làm câu tiếp theo, sau khi làm hết đề thì quay lại câu không làm được và tiếp tục giải, nếu không giải được thì thử đáp án lên nếu có thể.
“Sau khi làm xong thì nên kiểm tra lại 2-3 lần (nếu có thời gian), ấn lại máy tính và kiểm tra xem đã tô đúng đáp án chưa. Làm xong câu nào nên tô đáp án luôn câu đó, tránh làm xong mới tô có thể bị lệch đáp án và sai đáp án cả đề”, cô Nguyễn Thùy Linh nhấn mạnh.
Với môn Hóa học, cô Vũ Thị Thùy Dương, tổ Khoa học Tự nhiên, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Các em chọn câu đơn giản (câu 1 - 28) làm trước, câu khó làm sau. Vì mỗi câu hỏi trong đề thi môn Hóa học đều có giá trị 0,25 điểm/câu. Các em chọn câu lý thuyết làm trước, câu tính toán làm sau. Vì câu hỏi lí thuyết thường đơn giản hơn câu hỏi tính toán, trừ các câu hỏi lí thuyết thuộc nhóm câu từ 32 - 40. Nháp một cách khoa học, trên tờ nháp ghi rõ số thứ tự câu, nháp rõ ràng gọn gàng, … để dễ dàng xem lại khi cần. Các em phải đọc kỹ đề, để ý các “bẫy” như: Chọn phát biểu sai (tức đề hỏi tìm phát biểu sai chứ không phải tìm phát biểu đúng), quên cân bằng phương trình phản ứng, nhầm nguyên tử khối của các chất, nhầm danh pháp của các chất,…
Cuối cùng, cô Vũ Thị Thùy Dương nhấn mạnh với thí sinh là phải biết phân bố thời gian: “Với các câu lý thuyết và tính toán đơn giản (khoảng 28 - 30 câu đầu), các em đọc đề, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 15 - 20 phút). Với các câu tính toán khó, các em nên viết số thứ tự câu ra nháp, tóm tắt lại đề bài để phân tích, làm bài, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 20 - 25 phút). Với câu khó chưa làm được, đánh dấu hỏi chấm ở đầu số thứ tự câu trong đề, để đánh dấu câu đó chưa làm được, nếu còn thời gian làm bài có thể làm lại các câu này”.
Các giáo viên cũng khuyên thí sinh nên dành 5 phút cuối giờ thi để kiểm tra lại thông tin về số báo danh, các đáp án đã khoanh (tránh khoanh nhầm đáp án).