Chiến tranh có phải siêu đề tài?
Đề tài là phạm vi hiện thực mà nhà văn sáng tạo trực tiếp nên tác phẩm; nói cách khác là phạm vi các hiện tượng, sự kiện, biến cố, qua sáng tạo của nhà văn làm nên đời sống, sức sống của tác phẩm. Mỗi đề tài qua sáng tạo trở thành chất liệu riêng, cấu trúc riêng, góc nhìn khái quát riêng và loại hình nhân vật riêng của mỗi nhà văn. 'Có bao nhiêu loại hiện tượng trong đời sống là có bấy nhiêu đề tài', chẳng hạn: Lịch sử; Tình yêu; Hôn nhân; Nông dân; Chiến tranh…
1. Chiến tranh là một đề tài văn học nghệ thuật có từ thời cổ đại. Cuộc chiến thành Troia 10 năm đằng đẵng trong thần thoại Hy Lạp đã đi vào hai thiên hùng ca kiệt tác “Iliad” và “Odyssey” của Homer. Cuộc đấu tranh khốc liệt giữa ba thế lực Ngụy - Thục - Ngô thời Đông Hán cũng vào tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Cuộc khởi nghĩa nông dân Lương Sơn Bạc do Tống Công Minh chỉ huy cuối thời Bắc Tống đã được Thi Nại Am đưa vào tiểu thuyết “Thủy hử”.

Hai cuộc chiến tranh năm 1805 và 1812 của nhân dân Nga do Kutuzov chỉ huy với quân đội Pháp do Napoleon lãnh đạo đã được Lep Tolstoi tiểu thuyết hóa trong tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình”. Nếu tìm hiểu sự khốc liệt và số phận bi thảm của con người trong chiến tranh thế giới thứ nhất thì đọc tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ” của Erich Maria Remarque. Còn muốn biết số phận con người bị cuốn vào vòng xoáy 10 năm (1912-1922) nội chiến, buộc phải lần lượt cầm súng cho hai phe Hồng quân và Bạch vệ thì nên đọc “Sông Đông êm đềm” của Mikhain Sholokhov… Đó chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu của văn học thế giới viết về chiến tranh, còn vô số tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trường ca, kịch, điện ảnh, mỹ thuật… được sáng tạo từ nỗi buồn đau của chiến tranh.
Chiến tranh là siêu đề tài? Là một cách nói văn học và cũng đã là hiện thực không hề nói quá. Siêu đề tài với nghĩa: siêu là buồn bã, lo âu, là đau buồn, bi thương thì đã rõ. Cuộc chiến nào mà chẳng đau thương, trận đánh nào mà không mất mát, buồn đau. Chiến tranh kết thúc, nhà này buồn đau vì đứa con ra trận không về cũng làm cho nhà kia dù nguyên vẹn cũng không dám mừng vui tận cùng, khiến niềm vui sướng không đủ đầy. Cho nên chiến tranh dứt khoát không phải ngày hội của của bất cứ quốc gia, dân tộc nào, dù “kẻ thù buộc ta mang cây súng”. Viết về chiến tranh là viết về đề tài cái bi, cái buồn, cái đau.
Cái đau buồn, bi thương ấy không chỉ suốt trong chiến tranh mà kéo dài sang cả thời hậu chiến, không chỉ ở chiến trường và cả hậu phương cũng ngấm đòn mất mát, chia ly. Số phận con người của Mikhain Sholokhov là ví dụ tàn nhẫn đến sinh động về cái bi thương, đau buồn của siêu đề tài chiến tranh. Chiến tranh tàn khốc đổ lên đầu anh lính Andrey Sokolov khốn khổ đau đớn kế tiếp đau thương: Anh bị thương, bị tù đày, vợ và con gái chết vì bom đạn, ngày chiến thắng lại nhận được tin người con trai còn lại hy sinh. Chiến tranh đi qua, anh được ra quân, nhưng không nhà cửa, không gia đình, không nơi nương tựa. Anh bắt gặp chú bé Vania lang thang, mồ côi và nhận làm con nuôi sống hạnh phúc, để rồi đi khắp nẻo đường nước Nga… “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh cũng là một ví dụ của tiểu thuyết siêu đề tài - nỗi buồn đau của chiến tranh. Nhân vật Kiên đi qua chiến tranh, nhưng ám ảnh mất mát tàn khốc, và triền miên sống trong rượu và nỗi buồn day dứt trận mạc…
Chiến tranh là siêu đề tài? Có lẽ còn ở cái nghĩa nhấn mạnh là đề tài đặc biệt và khác biệt, đề tài vượt lên trên các đề tài thông thường?
Chiến tranh là hủy diệt, là mất mát, đau thương. Dường như trong tự nhiên và xã hội từ thuở có sinh vật, có loài người là có xung đột, có chiến tranh. Không nơi này thì chỗ nọ, chiến tranh từ thời tiền sử kéo dài đằng đẵng triền miên cho tới ngày nay. Không gian chiến tranh trải rộng, thời gian chiến tranh trải dài.
2. Chiến tranh không chỉ là bi kịch cá nhân, bi kịch gia đình, bi kịch dòng họ, bi kịch một bộ phận, bị kịch cộng đồng, bi kịch bộ lạc, mà còn là bi kịch dân tộc, quốc gia, thậm chí là bi kịch nhân loại.

Chiến tranh thế giới thứ nhất cuốn vào giông bão bom đạn và thuốc súng 36 nước ban bố tình trạng chiến tranh, lôi kéo 74 triệu người vào quân đội, cướp đi gần 19 triệu người và hơn 60 triệu người bị thương. Chiến tranh thế giới thứ hai khiến 76 nước tuyên bố tình trạng chiến tranh, 110 triệu người phải đăng lính, làm 60 triệu người chết, 90 triệu người tàn tật. Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 bắt đầu khi Iraq xâm chiếm Kuwait, và Iraq buộc phải đối đầu với liên quân 38 nước do Hoa Kỳ chỉ huy. Hậu quả là, chỉ riêng Iraq đã phải chịu tổn thất nặng nề khoảng 30.000 binh sĩ và thường dân, cơ sở vật chất bị tàn phá không kể xiết…
Nhiều nơi khác trên hành tinh đau thương này vẫn còn đang nóng bỏng xung đột lớn, nhỏ, dường như không có ngày hưu chiến… Chiến tranh là đau thương, mất mát của loài người, nhưng lại là hiện thực vô tận, là không gian vô cùng cho sáng tác văn học nghệ thuật. Người nghệ sĩ sáng tạo quá nhỏ bé trước mênh mông vô tận của chiến tranh, tác giả chẳng khác gì hạt cát trong sa mạc chiến tranh. Ở một góc nhìn khác, chiến tranh là siêu đề tài còn mang ý văn học là con người bất lực khi miêu tả chiến tranh.
Bộ phim “Giải phóng” 5 tập, biên kịch là Yury Bondarev, Oskas Kurganov, Yury Ozerov, do Yury Ozerov, Julius Kun đạo diễn được đánh giá là tác phẩm hoành tráng, làm công phu, huy động diễn viên quần chúng đông nhất, vũ khí trang bị nhiều nhất, và khá chân thật như thể chiến tranh đang xảy ra trước mắt, làm nức nở người xem thỏa mãn một thời. Nhưng cũng chỉ là một góc nhìn chiến tranh của những người làm phim, và dĩ nhiên nó chưa là gì, không là gì với chiến tranh thế giới thứ hai tàn khốc vô tận.
3. Chiến tranh đằng đẵng, kéo dài nhiều năm, nó ngốn bao nhiêu xương máu và tan cửa nát nhà bao nhiêu gia đình. Chiến tranh quá dài, và quá lớn đến mức sức sáng tạo của nhà văn dường như bất lực trước nó. Trịnh Nguyễn phân tranh gần 200 năm được mấy bài thơ để lại ai oán? Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 21 năm (1954 - 1975) quá thần thánh, hàng triệu người chết để thống nhất tổ quốc, nhưng cho đến nay văn học - nghệ thuật vẫn được đánh giá là chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại. Dường như thành công mang ý nghĩa khác thường và vượt thoát ít may mắn với các văn nghệ sĩ Việt Nam sáng tác về chiến tranh?

Chiến tranh là hiện tượng hủy diệt đặc biệt, khác thường đến tàn khốc. Chính sự khác biệt, và vượt lên các đề tài thông thường đã mang ý nghĩa tầm vóc của đề tài chiến tranh. Kho tàng tư liệu, chất liệu hiện thực vô tận, choáng ngợp, mà các nhà sáng tác cũng chỉ như một người lính ở trong tiểu đội, trung đội, đại đội, hay một chỉ huy cấp trung đoàn, thậm chí như một vị tướng chỉ huy tập đoàn quân, thì cũng chỉ có cái nhìn ở từng cấp độ tương ứng, chứ người lính không thể nhìn hết trận đánh cấp chiến dịch, và vị chỉ huy một hướng tiến công không thể bao quát hết cả cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm. Đó là cái hạn chế, cái bất lực của nhà văn trước chiến tranh với ý nghĩa siêu đề tài. Chỉ các thiên tài văn chương có tầm nhìn vượt thoát, đi trước thời đại và bao quát xuất chúng mới sinh thành tác phẩm xứng tầm thời đại.
Qua ngàn năm văn học viết, nhân loại mới có “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Phía Tây không có gì lạ”, “Sông Đông êm đềm”,… không quá mười đầu ngón tay tác phẩm văn học về chiến tranh đi cùng mọi thời đại. Bằng ấy tác phẩm dù là đã “đi cùng mọi thời đại” đâu có thấm gì với so với máu chảy thành biển, xương chất thành núi qua không biết bao nhiêu cuộc xung đột, cuộc chiến tranh từ thời tối cổ đến nay?
Tuy nhiên, nhà văn sinh ra để viết. Viết những gì mình say mê, viết những gì mình trải nghiệm, mình hiểu biết nhất và chiến tranh là một đề tài nhà văn quan tâm. Dù siêu đề tài hoặc không thì tác phẩm đi cùng năm tháng hay chết yểu, cuối cùng vẫn được quyết định bằng ý chí và nội lực sáng tạo của nhà văn. Đề tài tình yêu xưa như trái đất, không thể kể hết có bao nhiêu tác giả quan tâm sáng tạo, và chưa có ai nói tình yêu là siêu đề tài, nhưng chưa bao giờ nó cũ. Bởi vì tình yêu cũ với loài người, nhưng mới với mỗi người. Tác phẩm tình yêu cũ mòn, nhạt nhẽo làm chán nản người đọc, cũng như tác phẩm văn học chiến tranh viết hời hợt, sống sượng, giả dối làm người đọc bỏ sách. Chiến tranh nếu được coi là siêu đề tài văn học nghệ thuật thì nó càng đòi hỏi ý chí, cảm xúc, tài năng sáng tạo nhà văn cao hơn, vượt xa phẩm chất thông thường, nếu không sẽ chỉ như người húc đầu vào đá.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/chien-tranh-co-phai-sieu-de-tai--i766318/