Chiến tranh Israel - Hamas có thể đánh sập kinh tế Liban

Các quán cà phê chứng kiến lượng khách giảm 80%; du lịch giảm mạnh và các hãng hàng không đang cắt giảm các chuyến bay. Bộ trưởng Kinh tế Liban lo ngại sẽ quay trở lại 'thời kỳ đen tối' nếu chiến tranh leo thang.

Một người bán hàng rong đang bày bánh kaak ở thành phố Sidon, miền Nam Liban. Ảnh: Reuters

Một người bán hàng rong đang bày bánh kaak ở thành phố Sidon, miền Nam Liban. Ảnh: Reuters

Yara Adada, 28 tuổi, ngồi bên cửa sổ tiệm bánh và quán cà phê của cô ở Gemmayze, một khu phố sôi động ở trung tâm Beirut, nổi tiếng với các quán bar và nhà hàng. Adada là người duy nhất ở đó. “Chúng tôi đang đuổi ruồi”, cô nói.

Phía sau cô, quầy bánh ngọt và máy pha cà phê đang im phăng phắc, và những chiếc ghế, thường đầy ắp, giờ trống không. Kể từ khi bắt đầu xung đột giữa Hamas và Israel, đây là cảnh tượng hàng ngày tại quán cà phê của Adada và nhiều cơ sở kinh doanh khác khi lo ngại ngày càng gia tăng về viễn cảnh đất nước bị kéo vào một cuộc chiến với Israel.

Adada cho biết: “Chúng tôi nhận thấy lượng khách hàng giảm rất mạnh, hơn 50%. Quán cà phê thường náo nhiệt thường đón từ 30 đến 35 khách hàng mỗi ngày. Bây giờ, vào ngày đẹp trời, chỉ có 10-15 khách. Hôm nay đã giữa trưa mà mới có một người”. “Hôm qua tôi chỉ kiếm được 4 đô la. Thật đáng sợ”, cô nói thêm.

Máy bay cất cánh từ sân bay Beirut. Kể từ ngày 7/10, nhiều hãng hàng không đã thu hẹp quy mô hoặc hủy các chuyến bay đến/đi Beirut. Ảnh: Reuters

Máy bay cất cánh từ sân bay Beirut. Kể từ ngày 7/10, nhiều hãng hàng không đã thu hẹp quy mô hoặc hủy các chuyến bay đến/đi Beirut. Ảnh: Reuters

“Nỗi đau” kinh tế

Theo Hiệp hội Nhà hàng, hộp đêm và quán cà phê của Liban, kể từ ngày 7/10 và khi bắt đầu cuộc đấu súng liên tục giữa Hezbollah và Israel ở miền nam Liban, lĩnh vực nhà hàng đã chứng kiến hoạt động kinh doanh sụt giảm tới 80%.

Du lịch, ngành đóng góp 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liban, bị ảnh hưởng nặng nề. Do tình hình bất ổn ở biên giới, Australia, Pháp, Đức, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác không chỉ kêu gọi công dân của họ không đi lại đến Liban mà còn khuyến cáo họ rời khỏi nước này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Cảnh báo được đưa ra khi các hãng hàng không như Lufthansa, SWISS và Saudia hủy chuyến bay. Hôm 20/10, hãng hàng không mang cờ Liban, Middle East Airlines thông báo họ sẽ giảm các chuyến bay “do tình hình đang diễn ra trong khu vực và phạm vi bảo hiểm giảm đối với các rủi ro hàng không trong thời chiến”.

Di chuyển hàng cho chương trình cứu trợ từ Beirut đến miền nam Liban, nhằm giúp đỡ những người phải di dời do căng thẳng giữa Hezbollah và Israel, ngày 27/10/2023. Ảnh: Reuters

Di chuyển hàng cho chương trình cứu trợ từ Beirut đến miền nam Liban, nhằm giúp đỡ những người phải di dời do căng thẳng giữa Hezbollah và Israel, ngày 27/10/2023. Ảnh: Reuters

Quyết định nói trên đã khiến số chuyến bay của hãng hàng không Liban giảm 80%. Tại sân bay Beirut – sân bay duy nhất trong cả nước – hiện có rất ít máy bay trên đường băng, và hầu như không có hành khách.

“Khu vực nhà hàng bị tàn phá hoàn toàn”, Nagi Morkos, làm việc cho Hodema, một công ty tư vấn có trụ sở tại Liban, nói với Al Jazeera. Ông cho biết, các nhà điều hành nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và trung tâm thương mại đang “lo sợ”.

“Mối lo ngại lớn nhất không phải là chiến tranh, mà là hiện trạng sẽ khiến tình hình như vậy kéo dài nhiều tháng. Đó là một nỗi đau đớn hơn cả cái chết”, Morkos nói. “Chiến tranh, thật khủng khiếp, nhưng chiến tranh thì có thời gian. Còn ở đây chúng tôi không biết bao giờ mới dứt, chỉ ở trong tình thế thấp thỏm”.

Các kệ trống tại một tiệm bánh ở Tripoli, Liban. Ảnh: Al Jazeera

Các kệ trống tại một tiệm bánh ở Tripoli, Liban. Ảnh: Al Jazeera

Một cuộc khủng hoảng khác

Ngày 22/10, chính phủ Liban thông báo đang xây dựng kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Các biện pháp này bao gồm đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay Beirut, bến cảng và các tuyến đường chính, tất cả đều bị Israel ném bom trong cuộc xung đột với Hezbollah năm 2006.

Nhưng Liban và khu vực đang ở trong một tình huống khác, thách thức hơn so với năm 2006: Hệ thống ngân hàng của Liban khi đó tương đối bình thường, cho phép ngân hàng trung ương cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng nếu cần thiết trong chiến tranh; tương tự như vậy, vẫn còn niềm tin vào hệ thống tài chính và hàng triệu người Liban ở nước ngoài vẫn gửi ngoại tệ vào nước này.

Năm 2006, mặc dù sân bay Beirut bị đánh bom, hãng hàng không Middle East Airlines vẫn tiếp tục hoạt động từ Damascus trong suốt cuộc xung đột kéo dài hàng tháng trời, và hàng hóa cũng như người dân vẫn có thể qua lại biên giới với Syria. Tuy nhiên, chiến tranh ở Syria và các cuộc không kích thường xuyên của Israel vào sân bay Damascus đồng nghĩa với việc lựa chọn đó không còn nữa.

Liban cũng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men, 70-80% trong số đó đến bằng đường biển.

Vào năm 2006, các cảng của đất nước không thể sử dụng được do mối đe dọa từ tàu chiến Israel nhưng Liban có thể lấy nguồn dự trữ dồi dào, như ngũ cốc, được trữ trong các hầm chứa ở cảng Beirut. Tuy nhiên nơi này cũng đã bị phá hủy sau vụ nổ cảng năm 2020.

Bộ trưởng kinh tế Amin Salam cho biết, Liban đang ở vào tình thế tồi tệ hơn bao giờ hết và an ninh lương thực là một trong những mối quan tâm chính đối với chính phủ khi nước này xây dựng kế hoạch khẩn cấp cho trường hợp chiến tranh có thể xảy ra.

Bộ trưởng kinh tế Liban, Amin Salam. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng kinh tế Liban, Amin Salam. Ảnh: Reuters

Ông Salam nói rằng, nguồn dự trữ thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men hiện tại của Liban chỉ đủ cho hai đến ba tháng, đồng thời cho biết thêm rằng nguồn dự trữ thường đủ để tồn tại trong “khoảng một năm”.

“Do sự thiếu tầm nhìn của các chính phủ trước đây, không ai nghĩ đến việc xây dựng một số địa điểm để dự trữ quốc gia. Mọi thứ đã được đưa về cảng Beirut và khi vụ nổ xảy ra, chúng tôi đã mất đi nguồn dự trữ quốc gia duy nhất mà chúng tôi có”, Bộ trưởng Salam nói. “Vì vậy, nếu hàng không được giao đến cảng biển, chúng tôi sẽ không có lúa mì, ngũ cốc và bánh mì.”

Khi ông Salam nhậm chức vào năm 2021, Liban đã phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thời hiện đại, với thiệt hại lên tới hơn 72 tỷ USD, đồng nội tệ mất giá 98%, 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ, và ngân hàng trung ương bị phá sản sau khi thống đốc ngân hàng này bị buộc tội lừa đảo tài chính công.

Khoản vay trị giá 3 tỷ USD đã được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế được coi là ánh sáng cuối đường hầm, nhưng việc thực hiện các cải cách có điều kiện vẫn còn chậm để có thể giải ngân.

Ông Salam nói: “Mọi thứ đang diễn ra hiện nay đang tạo thêm một lớp hỗn loạn khác và sự thiếu chú ý đến những cải cách cần thiết để xây dựng lại nền kinh tế Liban bởi vì khi điều gì đó như thế này leo thang, chúng tôi phải lùi lại 10 bước”. “Cơ sở hạ tầng rất, rất tệ. Và nền kinh tế của chúng tôi đang ở tình thế rất khó khăn”, ông Bộ trưởng nói thêm.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-tranh-israel-hamas-co-the-danh-sap-kinh-te-liban-20231101165951183.htm