Chiến tranh lan sang tòa án

Sau khiếu kiện của Nam Phi cáo buộc Israel tiến hành diệt chủng trong cuộc xung đột với Hamas ở Dải Gaza, Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc lại phải thụ lý xem xét khiếu kiện của Nicaragua cáo buộc nước Đức 'hậu thuẫn Israel diệt chủng'.

Vậy là cuộc xung đột giữa Israel và Hamas lại thêm lần nữa lây lan sang Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc.

Cơ sở và bằng chứng được Nicaragua sử dụng cho cáo buộc nước Đức như trên là sự hậu thuẫn chính trị, tài chính và quân sự của Đức dành cho Israel trong cuộc xung đột hiện tại với Hamas. Mỹ và Đức là hai nước đồng minh gắn bó nhất của Israel và viện trợ tài chính, quân sự nhiều nhất cho Israel. Chỉ riêng từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ vào ngày 7-10 năm ngoái đến nay, Đức đã viện trợ tài chính và quân sự (thông qua cung cấp vũ khí) cho Israel trị giá 330 triệu euro, lớn gấp 10 lần so với cả năm 2023. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thuộc diện những chính khách đầu tiên của khối phương Tây đứng hẳn về phía Israel. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock trong hơn nửa năm qua đã 7 lần tới Israel và khu vực Trung Đông, Bắc Phi, vùng Vịnh.

Nicaragua không khởi kiện Mỹ mà khởi kiện Đức vì cả Mỹ và Đức đều tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống diệt chủng nhưng Mỹ không tham gia Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc và luôn không tuân thủ mọi phán quyết xưa nay bởi tòa án cao cấp nhất này của Liên hợp quốc. Cả Nicaragua lẫn Nam Phi đều không liên quan trực tiếp gì đến cuộc chiến tranh giữa Hamas và Israel nhưng Nam Phi có thể khởi kiện Israel và Nicaragua có thể khởi kiện Đức vì những việc như thế này được Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc cho phép kể từ năm 2022. Cáo buộc quốc gia nào đó thực thi diệt chủng hoặc tiếp tay cho diệt chủng là chuyện "tày đình" trên thế giới.

Trong vụ kiện của Nam Phi, Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc không xác nhận Israel tiến hành diệt chủng người Palestine ở Dải Gaza với lý do không xác nhận phía Israel có chủ định tiến hành diệt chủng đối với người Palestine ở Dải Gaza cho dù cuộc chiến này cho đến nay đã khiến cho hơn 33.000 người Palestine bị thiệt mạng và cho dù Israel bị rất đông đảo đồng minh và các nước trên thế giới phê phán mạnh mẽ về cách thức tiến hành chiến tranh ở Dải Gaza với Hamas.

Vì thế, Nicaragua gần như không có được bất cứ triển vọng thắng nào trong vụ việc này ở Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc. Nhưng Nicaragua vẫn khởi kiện nước Đức lên Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc xem ra vì mục đích chính trị chứ không phải nhằm để giành về chiến thắng pháp lý. Đất nước ở vùng Trung Mỹ này hiện có quan hệ không được tốt đẹp với Mỹ, EU và các nước khác trong khối phương Tây. Tổng thống đương nhiệm của Nicaragua, ông Daniel Ortega, là người luôn ủng hộ Palestine.

Bằng vụ kiện nước Đức trước Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc, Nicaragua xem ra chủ định làm cho dư luận thế giới quan tâm nhiều hơn đến cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza cũng như tình cảnh thê thảm của người Palestine hiện tại ở Dải Gaza. Đồng thời, đó cũng là sự nhắc nhở thế giới về trách nhiệm giải quyết dứt điểm cuộc xung khắc dai dẳng giữa Israel và Palestine ở khu vực Trung Đông. Nicaragua chắc còn chủ ý gia tăng áp lực đối với Israel và những đồng minh quân sự quan trọng của Israel như nước Đức chẳng hạn. Đấy cũng còn là một cách được Nicaragua sử dụng để phân hóa Israel và các đồng minh của Israel với phần còn lại của thế giới bên ngoài liên quan đến cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza. Không thể thắng được trước Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc nhưng việc này vẫn có được hiệu ứng chính trị to lớn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chien-tranh-lan-sang-toa-an-663419.html