Chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump đe dọa châu Âu

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn với các nước Liên minh châu Âu (EU) vì cho rằng mối quan hệ thương mại giữa hai bên là không cân bằng.

Rượu vang được trưng bày tại hội chợ ở Bordeaux, Tây Nam nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Rượu vang được trưng bày tại hội chợ ở Bordeaux, Tây Nam nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau đây là phân tích của tờ Le Figaro số ra gần đây về những tác động từ chính sách thương mại của Mỹ đối với các nền kinh tế châu Âu.
Đối với Pháp
Mỹ là thị trường xuất khẩu rượu vang hàng đầu của Pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã ba lần đe dọa tấn công vào hoạt động xuất khẩu rượu vang Pháp sang Mỹ vào các tháng 11/2018, 6/2019 và 7/2019.
Kim ngạch xuất khẩu rượu vang Pháp vào thị thường Mỹ trong năm 2018 đạt khoảng 1,68 tỷ euro. Ở hai lần đe dọa đầu, ông Trump cảm thấy khó chịu vì hàng nhập khẩu của Mỹ sang Pháp đã bị áp thuế quá cao so với hàng Pháp xuất vào Mỹ.

Ở lần đe dọa thứ ba, rượu vang Pháp trở thành “con tin” trong cuộc xung đột giữa Washington và Paris xung quanh vấn đề đánh thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số của các công ty hàng đầu Mỹ như Google, Amazon, Facebook, Apple (gọi là thuế GAFA), được Quốc hội Pháp thông qua ngày 11/7.
Tổng thống Trump cảnh báo trên trang Twitter cá nhân: “Chúng tôi sẽ sớm thông báo một hành động tương ứng với ‘sai lầm’ của Tổng thống Pháp Macron, có thể là trừng phạt đối với rượu vang hoặc một mặt hàng khác”.

Chính quyền Trump đã mở một cuộc điều tra về thuế GAFA để xem xét "các tác động và xác định liệu có sự phân biệt hoặc bất hợp lý của loại thuế này” và tạo gánh nặng cho thương mại Mỹ hay không. Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo những cuộc điều tra tương tự sẽ được tiến hành đối với tất cả các quốc gia đang cố gắng thực hiện một loại thuế như vậy.
Đối với Tây Ban Nha
Ngay cả những sản phẩm nhỏ nhất cũng có thể chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. Tháng 7/2018, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết ngành công nghiệp Mỹ "đang chịu tổn thất đáng kể" do nhập khẩu ô liu Tây Ban Nha.

"Được trợ giá" bởi Madrid trong khuôn khổ Chính sách nông nghiệp chung EU (PAC), ô liu Tây Ban Nha được xuất khẩu sang Mỹ "với giá thấp hơn giá trị thực". Do đó, Mỹ đã áp dụng thuế bù trừ và chống bán phá giá để chống lại sự cạnh tranh được coi là không công bằng cho nông dân Mỹ.

Tháng 1/2019, EU đã đáp trả bằng cách khởi động quy trình chống lại Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các quốc gia thành viên EU lo ngại rằng "các biện pháp của Mỹ có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho mô hình nông nghiệp của EU và tạo tiền lệ tại WTO".

Nghị viện châu Âu nhấn mạnh rằng giá trị xuất khẩu ô liu năm 2017 của Tây Ban Nha sang Mỹ (đạt 67,6 triệu USD) chỉ là con số nhỏ, song việc tăng thuế hải quan lại có thể dẫn tới thiệt hại từ “350 đến 700 triệu euro trong vòng 5 đến 10 năm tới” trong lĩnh vực này.
Đối với Đức
Tháng 6/2019, Tổng thống Mỹ đã trút giận lên đường ống dẫn khí Nord Stream 2 cho phép công ty Gazprom của Nga cung cấp thêm khí đốt cho khu vực Tây Âu mà không cần qua Ukraine. Chủ đề này gây chia rẽ các quốc gia thành viên EU và khiến Mỹ giận dữ vì muốn hạn chế ảnh hưởng của Nga trên “Lục địa Già”, đồng thời bảo vệ hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong khu vực.

Khi được hỏi về khả năng trừng phạt đối với các quốc gia tham gia xây dựng đường ống dẫn khí này, Tổng thống Trump trả lời rằng các cơ quan của Mỹ "đang giải quyết vấn đề này … Chúng tôi bảo vệ Đức trước Nga. Và Nga lại nhận được hàng tỷ USD từ Đức”. Ông Trump tuyên bố lo lắng về "tình hình cực kỳ bất lợi" của Berlin, "trong khi 50, 60 hoặc 70% năng lượng của Đức do Nga cung cấp" và cho rằng "điều này thực sự khiến Đức trở thành con tin của Nga".
Đối với EU nói chung
Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Washington và Brussels ngày càng gia tăng khi Tổng thống Mỹ chuyển sự chú ý từ Bắc Kinh sang EU. Trong chiến dịch tái tranh cử của mình, ông Trump bằng cách này hay cách khác muốn giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với EU. Với ông Trump, "EU cũng gây hại nhiều như Trung Quốc", các quốc gia thành viên EU đối xử "rất tệ" với Mỹ.

Mới đây, Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland đã cảnh báo 28 nước EU nên chuẩn bị trước việc "Mỹ sẽ ít khiếu nại mà sẽ hành động nhiều hơn, và những hành động này sẽ gây ra hậu quả tài chính ngay lập tức cho những người bạn châu Âu".
Trong bối cảnh này, thị trường xe hơi là một ví dụ. Tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ đã cảnh báo chống lại việc Brussels áp thuế hải quan đối với các công ty Mỹ ở châu Âu. Ông Trump đã đe dọa trên trang Twitter cá nhân rằng “nếu EU tăng thuế, chúng tôi sẽ áp dụng thuế đối với ô tô của EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ” và chỉ ra "sự mất cân bằng thương mại lớn" giữa hai bờ Đại Tây Dương. Các tuyên bố trên được lặp đi lặp lại trong năm 2019.

Với Tổng thống Trump, nhập khẩu xe châu Âu "là một nguy cơ cho an ninh quốc gia" vì nó làm suy yếu ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã lùi quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với EU khi gia hạn 6 tháng nhằm đạt được thỏa thuận thương mại với 28 nước EU.
Đại diện thương mại của EU Cecilia Malmström nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ ý kiến cho rằng xuất khẩu ô tô của chúng tôi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ". Giữa tháng 7/2019, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố danh sách "các sản phẩm có thể bị áp thuế hải quan cao hơn" trị giá khoảng 4 tỷ USD, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp như pho-mát Hà Lan, trái cây, rau quả, thịt, dầu ô liu và rượu whisky của Italy, các nguyên liệu thô và chất hóa học. Lần này, đe dọa của Mỹ nhằm mục đích buộc 28 nước EU phải dừng các khoản tài trợ cho "thiết bị bay dân dụng lớn", bao gồm cả các sản phẩm của Airbus./.

Linh Hương (TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chien-tranh-thuong-mai-cua-tong-thong-trump-de-doa-chau-au/129971.html