Chiến tranh thương mại: Doanh nghiệp cần làm gì để mở rộng thị phần và tăng sức cạnh tranh?
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thích ứng nhanh chóng bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh, tái định vị thị trường mục tiêu và chuyển đổi mô hình kinh doanh để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 21/5, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều góc nhìn và giải pháp thiết thực.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh rằng chính sách thuế quan và bảo hộ tại nhiều quốc gia đang tạo ra áp lực đáng kể lên hoạt động xuất khẩu.

Doanh nghiệp chia sẻ về giải pháp mở rộng thị phần trong bối cảnh chiến tranh thương mại sáng 21/5. Ảnh: CTV
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như Mỹ, mà chưa chủ động tìm kiếm và khai thác thêm các thị trường tiềm năng khác.
Theo bà Chi, việc tái định vị thị trường xuất khẩu là điều cấp thiết. Doanh nghiệp cần xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa trên sự khác biệt trong sản phẩm, nơi mỗi chai nước mắm hay mỗi túi gạo đều cần mang theo một “câu chuyện” riêng.
Bà cũng đề cao việc ứng dụng giải pháp xanh và chuyển đổi số như yếu tố sống còn, từ tiết kiệm năng lượng đến truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, việc kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp sẽ giúp các đơn vị nhỏ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng lớn, đáp ứng các đơn hàng quy mô toàn cầu.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ TP.HCM chia sẻ tại diễn đàn
Chia sẻ về thị trường nội địa hơn 100 triệu dân, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ TP.HCM cho rằng nhu cầu tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng thận trọng do sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và người tiêu dùng còn hạn chế.
Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước đang chậm chân hơn so với các tập đoàn FDI trong việc tiếp cận xu hướng tiêu dùng cá nhân hóa và mua sắm đa kênh.
Ông Đức dẫn chứng: có đến 74% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn tới 20% cho sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hệ thống tiêu chuẩn trong nước vẫn chưa theo kịp thực tế. Mặc dù các công nghệ như AI, chuyển đổi số được nói đến nhiều, nhưng việc triển khai tại các doanh nghiệp nội địa vẫn còn gặp nhiều lúng túng.
Ông cho rằng để có thể cạnh tranh hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng những mô hình bán lẻ phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người Việt, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, điều mà hiện nay vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Chín - Chủ tịch Sàn giao dịch TMĐT B2B Arobid chia sẻ tại diễn đàn
Từ góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Lâm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) chia sẻ kinh nghiệm trong việc tránh phụ thuộc vào các kênh phân phối nước ngoài bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu một cách linh hoạt.
Các đơn vị thành viên như Cofidec đã đạt được kết quả ấn tượng với 80% kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản, 10% sang Hàn Quốc và phần còn lại vào các thị trường như Úc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Canada và Mỹ.
Công ty hiện đang tiếp tục mở rộng sang thị trường Trung Đông và châu Phi, tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do. Ông Thanh đề xuất cần xây dựng cơ chế giao thương linh hoạt, áp dụng các giải pháp logistics hiện đại, minh bạch về nguồn gốc hàng hóa, đồng thời cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ sinh thái kinh doanh đồng bộ, trong đó chính sách, hạ tầng, hỗ trợ thị trường và kết nối quốc tế cần được phối hợp chặt chẽ, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.