Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đi về đâu sau hội nghị thượng đỉnh?

Giới phân tích nhận định Mỹ và Trung Quốc có thể cùng giảm thuế trừng phạt đánh vào hàng hóa nhập khẩu của nhau, nhưng chưa thể đưa quan hệ thương mại trở về hiện trạng trước thời ông Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến ngày 16/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến ngày 16/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Giới phân tích nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung theo hình thức trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 15/11 (giờ Mỹ) đã giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương, nhưng chưa tạo ra cú hích đủ lớn để xử lý tranh chấp dai dẳng về thương mại giữa hai nước.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cuộc chiến được Tổng thống Donald Trump khởi xướng năm 2018, đã khiến người tiêu dùng ở cả hai nước phải chịu thiệt khi mua hàng hóa từ bên còn lại. Leo thang trừng phạt thuế nhập khẩu cũng đã tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Nhưng tại cuộc hội đàm thượng đỉnh vừa qua, nhóm vấn đề kinh tế bị xếp sau những chủ đề địa chính trị trong nghị trình thảo luận. Ông Biden chỉ đề thập thoảng qua “chính sách kinh tế, thương mại bất bình đẳng” của Trung Quốc gây hại đến người lao động Mỹ. Ông dành phần lớn thời gian còn lại để đề cập đến vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan và quản trị hiệu quả cạnh tranh, không để quan hệ Mỹ-Trung rơi vào xung đột với hệ quả không mong đợi cho cả hai bên.

Theo chuyên gia phân tích chuyên về Trung Quốc Joe Mazur tại hãng tư vấn Trivium China, Nhà Trắng hiểu rằng Bắc Kinh sẽ không xê dịch chính sách trong những vấn đề mang tính cốt lõi vốn là nguyên nhân tạo căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Vì thế, Mỹ đang tìm kiếm những điểm có thể hỗ trợ hợp tác hạn chế với Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác với đồng minh, đối tác trên thế giới.

“Đây là một bước điều chỉnh lớn so với chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của Donald Trump vốn cho rằng Mỹ có thể tự mình tạo sức ép hiệu quả trước Trung Quốc, không cần nỗ lực mở rộng tìm kiếm hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều điểm có sự hội tụ lợi ích”, ông Mazur nói.

Với cách tiếp cận mới này, ông Mazur cho rằng Washington sẽ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc thông qua việc tự thúc đẩy các sáng kiến về thương mại và hạ tầng. Đường hướng này tự nhiên sẽ làm gia tăng cạnh tranh kinh tế Mỹ-Trung, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của những nước khác liên quan đến ưu tiên lựa chọn quan hệ đối tác kinh tế với Washington, Bắc Kinh hay cân băng cả hai.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó có điều khoản Bắc Kinh cam kết tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ thêm 200 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2021, với mốc so sánh là giá trị nhập khẩu của năm 2017. Nhưng trong một năm qua, Trung Quốc mới chỉ thực hiện được khoảng 60% cam kết này. Chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận giai đoạn một và kỳ vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ các cam kết về thương mại đã ký kết.

“Về chính sách thương mại, Nhà Trắng đã tuyên bố rõ rằng sẽ theo dõi sát cách thức Trung Quốc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Thêm nữa, chúng ta cũng biết rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đang có ý thúc đẩy một cuộc điều tra mới dựa trên Điều khoản 301 Đạo luật thương mại năm 1974 – một động thái có thể dẫn đến việc áp thuế mạnh hơn nữa. Nội bộ chính quyền Mỹ hiện còn bất đồng về chính sách này, nên chưa thể biết các bước đi tiếp theo sẽ là gì”, chuyên gia Qazi nhìn nhận.

Tại cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình đã nêu vấn đề thương mại, trực tiếp kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, chính giới Mỹ ngừng việc lạm dụng khái niệm “an ninh quốc gia” để kìm kẹp công ty, doanh nghiệp Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề cập đến khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại, giúp nền kinh tế hai nước phục hồi nhanh hơn.

“Có thể có một số hàm ý về điểm này. Nổi bật nhất là khả năng giảm hoặc loại bỏ thuế trừng phạt để giúp trung hòa lạm phát trong ngắn hạn – một điểm gai góc thường trực mà chính quyền ông Biden đang phải đối diện”, chuyên gia Taylor Loeb tại Trivium China nhận định. Theo ông, việc giảm thuế có thể sẽ xuất hiện ở một thời điểm nào đó, nhưng sẽ không đồng loạt với mọi mặt hàng. Mỹ sẽ nới lỏng thuế ở những nhóm sản phẩm mang lại lợi ích kinh tế nhiều nhất cho mình, ít vướng mắc tới vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Không có tuyên bố chung được đưa ra sau điện đàm thượng đỉnh kéo dài ba tiếng rưỡi và vòng tiếp xúc này chưa đủ lực để tạo ra thay đổi đủ lớn để đưa quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung trở lại trạng thái trước thời điểm năm 2018 – chuyên gia Loeb nói.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo aljazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-tranh-thuong-mai-mytrung-di-ve-dau-sau-hoi-nghi-thuong-dinh-20211118162212747.htm