Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Doanh nghiệp Việt cần 'biến cái rủi thành cái may'
Ông Đào Trần Nhân, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, Việt Nam sẽ là một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đây là cơ hội cũng như thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Ông Đào Trần Nhân, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ. (Ảnh: DNVN/Dương Hòa)
Không còn là những “đòn gió”, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bước vào “cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế” khi ngày 6/7 vừa qua các mức thuế mới lên đến hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên đã chính thức được áp dụng.
Cùng với động thái đánh thuế hàng Trung Quốc, Mỹ cũng tuyên bố áp dụng thuế nhập khẩu 25% với thép và 10% với nhôm đối với một số đồng minh là Canada, Mexico và EU từ ngày 1/6/2018.
Trao đổi với Doanh nhân Việt, ông Đào Trần Nhân cho biết, cuộc chiến tranh thương mại nổ ra thì vấn đề thị trường sẽ trở nên hết sức quan trọng, các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý vấn đề này. Khi mà hàng hóa của nước này không vào được thị trường của nước kia thì lẽ tất yếu các nước đó cần phải tìm kiếm một thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa của mình. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ là một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến tranh thương mại này. Nguyên nhân là do hiện nay nhiều doanh nghiệp Mỹ có chính sách thương mại là Trung Quốc + 1 và nước +1 gần Trung Quốc nhất, có điều kiện gần giống với Trung Quốc nhất chính là Việt Nam. Cho nên khi mà cuộc chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai nước thì vừa tạo ra cơ hội, vừa tạo ra thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Để nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp cần lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất, thời gian tới sẽ có dòng hàng hóa lớn của cả Trung Quốc và Mỹ vào Việt Nam, các doanh nghiệp cần chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để không tuột mất cơ hội này. Thứ hai là sự chuyển dịch của các dòng đầu tư, khi bị đánh thuế tại một thị trường đang hoạt động thì các nước sẽ có xu hướng tìm cách đầu tư vào các thị trường mới không bị đánh thuế để có được xuất xứ hàng hóa của các nước không bị đánh thuế sau đó mới xuất khẩu vào thị trường mình mong muốn.
Ông cho biết thêm, chiến tranh thương mại vừa có cơ hội, vừa có thách thức có nghĩa là trong cái rủi có cái may. Nếu doanh nghiệp nào biết biến thách thức thành cơ hội, biến cái rủi thành cái may trong cuộc chiến tranh này thì sẽ đạt được những thành công nhất định. “Tôi không đánh giá cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ là một đòn nặng đánh vào kinh tế Việt Nam mà tôi đánh giá đây là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý rằng, Mỹ là một đất nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới còn Trung Quốc lại được mệnh danh là “công xưởng” của thế giới nên khi hai nước này chiến tranh thương mại với nhau thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm thì nhu cầu của các nước trên thế giới cũng giảm đi. Như vậy, việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác cũng sẽ bị sụt giảm và khó khăn hơn.
Dương Hòa