Chiến tranh tương lai đã xuất hiện
Cuộc oanh kích chớp nhoáng của Mỹ vào các địa điểm hạt nhân của Iran hồi cuối tháng 6 vừa qua được giới quan sát nhận định là một dạng chiến tranh kiểu mới. Trong đó, có yếu tố được mô tả là 'diễn ra với tốc độ siêu thanh, không hình, không tiếng, ngược hẳn với hình ảnh đã có về oanh tạc'.
Thế chiến kiểu mới
Báo Les Echos (Pháp) nhấn mạnh việc Mỹ oanh kích các địa điểm hạt nhân của Iran cho thấy chiến tranh đã thay đổi quy mô, khi các oanh tạc cơ bay một vòng trái đất để tấn công mục tiêu. Các chuyên gia đã tốn rất nhiều thời gian để nghiên cứu hai cuộc đại chiến thế giới và nghi ngại Thế chiến thứ 3. Nhưng những gì diễn ra trong đêm 21 rạng sáng 22-6 vừa qua là một dạng thế chiến kiểu mới. Một cuộc can thiệp quân sự tầm cỡ hành tinh trong vòng chưa đầy một ngày. Các pháo đài bay cất cánh ở cách mục tiêu trên 10.000km và đến nơi sau 18 giờ bay. Cuộc tấn công trên bộ và trên biển được tính toán đến từng phút. Chiến dịch Nhát búa lúc nửa đêm vừa theo truyền thống, vừa đặt chân vào chiến tranh tương lai.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Dan Caine, trình bày chi tiết về chiến dịch Nhát búa lúc nửa đêm tại Lầu Năm Góc ngày 22-6. Ảnh: ANDREW HARNIK/GETTY IMAGES
Hai ê kíp cất cánh từ căn cứ Whiteman ở Missouri theo hai hướng trái ngược, nhóm đầu 6 chiếc B-2 bay qua Thái Bình Dương để đánh lừa, nhóm tấn công thực sự vượt Đại Tây Dương. Đây là chiến thuật cổ điển cả ngàn năm, tuy nhiên tầm cỡ khác hẳn. Khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima (Nhật Bản) trước đây, những chiếc B-29 Superfortress cất cánh từ quần đảo Mariannes cách mục tiêu 2.500km. Lần này, Mỹ thực hiện chiến dịch Nhát búa lúc nửa đêm với Iran, khoảng cách không chỉ xa gấp 4 lần, mà phi đội gồm 7 chiếc oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit còn bay rất cao, radar không thể phát hiện.
“Chiến tranh diễn ra trên đầu chúng ta với tốc độ siêu thanh, không hình, không tiếng, ngược hẳn với hình ảnh đã có về oanh tạc”, báo Les Echos viết.
Về mục tiêu, cơ sở hạt nhân Fordow (Iran) nằm sâu mấy chục mét dưới núi đá. Khi những quả bom xuyên boongke GBU 57 nặng 13 tấn của Mỹ thả xuống, trên ảnh vệ tinh chỉ thấy khói bốc lên và những vết nứt. Một dạng chiến tranh hầu như vô hình, không thấy phi cơ lẫn tình trạng hủy diệt. Chiến dịch này tương phản hẳn với những trận đánh trong chiến hào một thế kỷ trước. Theo tờ báo Pháp, một thông điệp mạnh mẽ được gửi đi: chiến tranh tương lai đã thực sự xuất hiện.
Đồng minh phối hợp đánh trận
Trang mạng Medium khẳng định chiến dịch Nhát búa lúc nửa đêm của Mỹ là một cột mốc quan trọng về một cách đánh trận tương lai. Theo đó, thời điểm của chiến dịch cho thấy sự phối hợp cẩn thận với mục tiêu của Israel. Bằng cách chờ 8 ngày sau chiến dịch không kích Iran mang tên Sư tử trỗi dậy của Israel, Mỹ đã cho phép các chiến thuật “chiến tranh lai” (hybrid warfare - kết hợp hài hòa giữa các công cụ quân sự truyền thống và các phương tiện không truyền thống như: gián điệp, tấn công mạng, sử dụng vũ khí tàng hình, thiết bị đã cài đặt sẵn…) của Israel làm suy yếu khả năng phòng thủ và năng lực tình báo của Iran, tạo điều kiện tối ưu cho các cuộc tấn công thông thường. Việc sắp xếp này chứng minh cách thức chiến tranh hiện đại có thể tích hợp các phương pháp hoạt động khác nhau giữa các quốc gia đồng minh.
Ngay trước khi máy bay xâm nhập không phận Iran, một tàu ngầm của Mỹ đã phóng hơn 20 tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu tại cơ sở hạt nhân Isfahan. Tàu ngầm đã thêm một chiều không gian vào chiến dịch, kết hợp các nền tảng trên không và trên biển trong một cuộc tấn công phối hợp mà Iran không thể phản công hiệu quả. Cả hai chiến dịch của Mỹ và Isarel đều đạt được mục tiêu ngay lập tức với hiệu quả cao. Hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của quân đội Iran được thông báo đã thiệt mạng, các cơ sở hạt nhân bị hư hại và khả năng phản công của Iran suy giảm nghiêm trọng. Sự kết hợp giữa “chiến tranh lai” của Israel và đòn tấn công quy ước của Mỹ đã tạo ra mức độ tàn phá mà riêng lẻ từng bên không thể đạt được. Chuỗi chiến dịch này đã tạo ra mô hình mới về leo thang phối hợp mà Iran không đủ khả năng đối phó.
Việc thực hiện liên tiếp các chiến dịch Sư tử trỗi dậy (của Israel) và Nhát búa lúc nửa đêm (của Mỹ) với Iran, cho thấy xung đột hiện đại có thể kết hợp “đòn đánh xa quy ước” và “hoạt động bất thường” giữa nhiều quốc gia đồng minh, tạo ra năng lực mà học thuyết quân sự truyền thống không thể lường trước. Đây không chỉ là việc dùng nhiều công cụ, mà là tái định nghĩa cách tình báo và quân sự tương tác giữa các cường quốc đồng minh, tạo nên một mô hình chiến tranh phối hợp mới.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chien-tranh-tuong-lai-da-xuat-hien-post803644.html