Chiến trường Ukraine trở thành 'phòng thí nghiệm' vũ khí AI của Nga

Gần đây, các trang mạng xã hội Nga liên tiếp đưa tin về sự xuất hiện của các xe chiến đấu không người lái thông minh trang bị súng máy hạng nặng, được gọi là Robot sát thủ, trên chiến trường.

Một mẫu xe chiến đấu không người lái AI Uranus-9 của Nga (Ảnh: Sohu)

Một mẫu xe chiến đấu không người lái AI Uranus-9 của Nga (Ảnh: Sohu)

Năm 2022, trong bối cảnh Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc thảo luận về vấn đề sử dụng các hệ thống vũ khí tự động, được lập trình để phát hiện, xác định và tấn công mục tiêu chính xác và hiệu quả khi con người có rất ít quyền kiểm soát đối với các quyết định mà robot sát thủ đưa ra.

Branca Marijan, chuyên gia về tác động quân sự và an ninh của các công nghệ mới nổi, viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Scientific American và tham gia các cuộc thảo luận của Liên Hợp Quốc về vấn đề này: “Cuộc chiến Ukraine đã trở thành trường hợp thử nghiệm cho thấy chiến tranh sẽ như thế nào nếu trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng và tích hợp vào vũ khí, và điều này có thể sẽ tiếp tục”.

Vị chuyên gia lưu ý rằng công nghệ đằng sau một số hệ thống vũ khí tự động này vẫn còn non nớt và dễ mắc lỗi, đồng thời vẫn chưa biết rõ về cách chúng vận hành cũng như cách đưa ra quyết định. Một số loại vũ khí này có thể bắn nhầm mục tiêu và áp lực cạnh tranh có thể đẩy việc đưa nhiều hệ thống “chưa sẵn sàng” vào chiến trường.

Xe chiến đấu robot Uranus-9 nã đạn khi tham gia diễn tập (Ảnh: Sohu)

Vũ khí hóa AI: mối đe dọa mới với nhân loại

Cho đến gần đây, việc sử dụng AI chỉ giới hạn trong chiến tranh điện tử, bao gồm các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại hoặc mạo danh quan chức chính phủ để giành quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, các cường quốc không dừng lại ở đó và hiện đang sử dụng AI để phát triển vũ khí hủy.

Một sản phẩm của vũ khí hóa AI là súng canh gác cố định tự động (Autonomous stationary sentry guns). Những khẩu súng này có thể được định nghĩa là vũ khí tầm xa, có thể tự động ngắm và bắn các mục tiêu được các cảm biến phát hiện. Chúng là vũ khí phòng thủ dùng để phát hiện và tiêu diệt tên lửa tầm ngắn và máy bay đối phương.

Loại súng trường cảm biến đầu tiên được trang bị hệ thống AI tích hợp, bao gồm khả năng giám sát, theo dõi, bắn mục tiêu và nhận dạng giọng nói, được gọi là SGR-A1, được Hàn Quốc phát triển để hỗ trợ quân đội nước này canh gác ở biên giới với Triều Tiên.

Hệ thống SGR-A1 của Hàn Quốc (Ảnh: aljazeera).

Một sản phẩm khác là robot sát thủ. Đây là hệ thống robot tự động có khả năng xác định và tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người. Trong một số hệ thống, lệnh tấn công ban đầu được con người đưa ra, nhưng sau đó, robot có thể "lựa chọn" hành động độc lập. Các hệ thống khác có thể hoạt động mà không có sự can thiệp của con người hiện đang được nhiều quốc gia thử nghiệm.

Nga đẩy mạnh phát triển xe chiến đấu robot AI

Từ máy bay đến ô tô, Nga đã có những bước phát triển quan trọng trong ngành công nghiệp xe tự lái được trang bị AI, có thể vận hành mà không cần sự điều khiển của con người.

Năm 2021, xe robot của Nga đã gây ấn tượng mạnh trong cuộc tập trận Zapad, một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc tập trận này, xe chiến đấu "Uranus-9" đã ra mắt. Các chuyên gia cho rằng đây là một bước tiến quan trọng của Nga trong nỗ lực phát triển một đội quân hoàn toàn bằng robot, hiệu quả.

Nga thử nghiệm xe chiến đấu robot AI Marker trên địa hình phức tạp (Ảnh: Aljazeera)

Xe chiến đấu không người lái "Uranus-9" trông giống xe chiến đấu bộ binh nhưng có kích thước nhỏ hơn nhiều. Nó có chiều dài 4,5 mét và rộng 2 mét, tổng trọng lượng chiến đấu khoảng 10 tấn. Nó được trang bị pháo 2A72 cỡ nòng 30 mm và súng máy đồng trục 7,62 mm, hai bên tháp pháo có 4 quả tên lửa chống tăng 9M120 Ataka. Phía sau tháp pháo có 6 quả rocket (RPG) "Shmir". Uranus-9 cũng có thể thay thế tên lửa chống tăng bằng tên lửa phòng không SA-18 "Needle", nhờ đó có khả năng phòng không nhất định.

Trước đây, xe tăng được coi là “vua” của tác chiến trên bộ. Xe tăng hay xe bọc thép trong tác chiến trên bộ có đặc điểm là tốc độ nhanh, vỏ giáp mạnh, hỏa lực định hướng và tính cơ động cao. Pháo cỡ nòng lớn là vũ khí chính của xe tăng, ngoài ra còn có các vũ khí phụ trợ khác như súng máy, lựu đạn khói. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi AI được thêm vào?

Xe chiến đấu robot Marker hành tiến trên địa hình bằng phẳng (Ảnh: Sohu)

Nhìn chung, sức hấp dẫn của xe robot chiến đấu là việc chúng không cần người lái, có thể điều khiển từ xa. RAND Corporation, một tổ chức nghiên cứu do quân đội Mỹ tài trợ, giải thích rằng việc sử dụng xe chiến đấu robot, hay RCV, sẽ diễn ra theo một trong hai cách: một là xe robot được con người điều khiển từ xa; hai là tạo ra các RCV tự động hoàn toàn được vận hành bằng AI dự kiến sẽ bắt đầu sử dụng vào năm 2030.

Các chính phủ sản xuất những phương tiện như vậy đang nỗ lực giảm giá thành sản xuất, tuy nhiên, thành công vẫn còn hạn chế.

Mặc dù giá thành xe robot cao, tháng 2/2022, Nga đã triển khai các phương tiện mới này ở miền đông Ukraine trong nỗ lực đối phó với xe tăng "Leopard 2" do Đức sản xuất. Loại xe được Nga triển khai là hệ thống xe robot không người lái "Marker" được trang bị súng máy 7,62 mm và tên lửa chống tăng, đồng thời có thể dùng để mang và điều khiển máy bay không người lái quân sự.

Xe chiến đấu robot AI Marker được trang bị hỏa lực mạnh (Ảnh: Sohu).

Ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu nhóm cố vấn quân sự được mệnh danh là "Sói của Sa hoàng", cho biết xe Marker sẽ hoạt động như một "thợ săn xe tăng Leopard".

Ông giải thích: "Marker có thể tự động phân biệt trang bị của đối phương. Ví dụ, khi quân đội Ukraine sử dụng xe tăng Abrams và Leopard, Marker sẽ có thể tự động nhận dạng và phát hiện chúng thông qua dữ liệu mà nó được cung cấp, sử dụng tên lửa chống tăng để tiêu diệt xe tăng của đối phương".

Các xe chiến đấu robot mang súng máy được Nga vận chuyển ra mặt trận (Ảnh: Telegram)

Phía Nga cho biết, xe chiến đấu không người lái (UGV) Marker thử nghiệm đã di chuyển được 30 km ở chế độ tự hành trên địa hình gồ ghề lộ trình đi qua một khu vực không được chuẩn bị trước bao gồm rừng và đồng cỏ phủ đầy tuyết. Hệ thống tự điều khiển của xe nhận bản đồ lộ trình và điều khiển xe đến đích bằng thuật toán dựa trên mạng thần kinh tích hợp.

Hệ thống điều khiển tự động AI giúp chiếc xe tránh mọi chướng ngại vật trên mặt đất. Marker có thể hoạt động liên tục 48 giờ trên địa hình bằng phẳng và tối đa 24 giờ trên địa hình gồ ghề.

Một loại xe chiến đấu robot của Nga mang súng máy tại mặt trận (Ảnh: Telegram).

Marker cũng được thử nghiệm trong cuộc tập trận tại trường bắn Chebakul. Sau khi thử nghiệm khả năng cơ động, theo dõi và bắn, nó cũng thể hiện khả năng phóng một nhóm máy bay không người lái trinh sát nhỏ để thực hiện các nhiệm vụ riêng lẻ hoặc theo nhóm thông qua mô-đun phóng bầy đàn. Marker có thể được trang bị máy bay không người lái tự sát mang theo chất nổ tiêu diệt mục tiêu bằng cách đâm vào chúng.

Xe chiến đấu không người lái Marker được thiết kế theo mô-đun và có cấu trúc mở. Cấu hình thử nghiệm được trang bị súng máy và súng phóng lựu chống tăng do Kalashnikov sản xuất, nhưng có thể thử nghiệm với các cấu hình vũ khí khác.

Theo Aljazeera, Sohu

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chien-truong-ukraine-tro-thanh-phong-thi-nghiem-vu-khi-ai-cua-nga-post174381.html