Chiến tuyến của Ukraine có nguy cơ bị chọc thủng bất cứ lúc nào
Theo các sĩ quan quân đội cấp cao của Ukraine, bức tranh quân sự rất 'nghiệt ngã'. Họ lo ngại quy cơ tiền tuyến sẽ bị chọc thủng ở bất cứ nơi nào mà các tướng lĩnh Nga quyết định tập trung đòn tấn công.
Những tuyên bố mới nhất của tỷ phú Elon Musk liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến nhiều người lo lắng, khi ông cảnh báo rằng, dù Nga “không có cơ hội” kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine, nhưng “giao tranh càng kéo dài, Moscow sẽ càng giành được nhiều vùng lãnh thổ, thậm chí kiểm soát các khu vực dọc sông Dnipro và thành phố Odessa”.
Cảnh báo đáng lo ngại
Trước đó, vị tỷ phú này từng hối thúc Ukraine nhượng bộ lãnh thổ và phản đối gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine trong bối cảnh tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ ngày càng gay gắt. Elon Musk không phải nhà bình luận mà các chính trị gia Ukraine ưa thích và những phản hồi đối với bình luận của ông hoàn toàn có thể dự đoán được. Nhưng dự báo mà doanh nhân này đưa ra không khác nhiều so với những cảnh báo mà Tổng thống Ukraine Zelensky nhắc đến trong vài ngày qua. Theo ông Zelensky, nếu gói viện trợ trên không sớm được thông qua, quân đội Ukraine sẽ phải “quay trở lại, rút lui từng bước một” và nhiều thành phố lớn sẽ đứng trước nguy cơ thất thủ.
Theo giới phân tích, cảnh báo của Tổng thống Zelensky có thể là một phần trong nỗ lực ngoại giao để khiến Mỹ phải đẩy nhanh quá trình thông qua gói viện trợ quân sự mới mà quân đội Ukraine rất cần, từ đạn pháo 155mm đến hệ thống phòng không Patriot và máy bay không người lái. Nhưng ngay cả khi gói viện trợ này được phê duyệt, nguồn tiếp tế đó có thể không đủ để ngăn chặn sự thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường. Viễn cảnh này, cùng với các chiến dịch bầu cử ở Mỹ và châu Âu có thể khiến phương Tây nối lại việc gây sức ép buộc Ukraine tham gia các cuộc đàm phán có lợi cho Nga.
Về cơ bản, mọi thứ phụ thuộc vào việc liệu Nga có quyết định tập trung sức mạnh vào một cuộc tấn công lớn dự kiến diễn ra trong mùa hè năm nay hay không. Thời gian gần đây, Moscow đã đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Các cuộc tấn công dữ dội này diễn ra trải dài từ Kharkov đến Sumy ở phía Bắc, tới thành phố Odessa ở phía Nam. Nhưng vẫn chưa rõ nơi Nga sẽ ra cú đòn quyết định.
Chiến tuyến có nguy cơ bị chọc thủng
Theo các sĩ quan quân đội cấp cao của Ukraine, bức tranh quân sự rất “nghiệt ngã”. Họ lo ngại quy cơ tiền tuyến sẽ sụp đổ ở bất cứ nơi nào mà các tướng lĩnh Nga quyết định tập trung đòn tấn công. Hơn nữa, nhờ sở hữu một số lượng lớn bom dẫn đường từ trên không, Nga có khả năng “xâm nhập và đánh sập tiền tuyến của Ukraine ở một số khu vực”.
“Không gì có thể giúp Ukraine và cũng không có công nghệ nào có thể bù đắp cho sự thiếu hụt binh sỹ và vũ khí mà Ukraine đang phải gánh chịu trước thế mạnh áp đảo của Nga. Chúng tôi không có những công nghệ đó và phương Tây cũng không có đủ số lượng”, Politico dẫn lời một quan chức quân đội của Ukraine cho biết.
Theo quan chức này, chỉ khi các chỉ huy Nga có sự sai sót trên chiến trường và quân đội Ukraine nắm bắt được sơ hở này thì tình thế mới có thể thay đổi. Hồi cuối tuần qua, Nga đã tiến hành một trong những cuộc tấn công bằng xe tăng lớn nhất vào cứ điểm của Ukraine, nhưng không đạt được kết quả như mong muốn, trái lại mất hơn 10 xe tăng và 8 xe chiến đấu bộ binh, Politico đưa tin.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine cho rằng, việc tận dụng sai lầm của đối phương không phải là chiến lược hữu hiệu. Họ cũng chỉ trích phương Tây đã quá chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí, trang thiết bị khiến quân đội Ukraine không thể xoay chuyển tình thế.
Một sỹ quan của Ukraine cho biết: “Các hệ thống vũ khí sẽ nhanh chóng trở nên vô ích vì chúng nhanh chóng bị Nga bắt thóp và vô hiệu hóa. Chẳng hạn, chúng tôi từng sử dụng thành công tên lửa hành trình torm Shadow và SCALP do Anh và Pháp cung cấp - nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Nga đã học được cách đối phó và họ đã thành công”.
“Nga không chỉ tận dụng lợi thế áp đảo về nhân lực mà họ cũng tìm cách học hỏi từ những sai lầm và cải thiện chiến lược”, một quan chức Ukraine lưu ý.
Các sỹ quan Ukraine cho biết, trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, tên lửa chống tăng vác vai, hệ thống HIMARS do Anh và Mỹ cung cấp đã được cung cấp kịp thời, giúp họ bảo vệ Kiev cũng như đẩy lùi Nga ra khỏi thành phố Kherson. “Nhưng thông thường, chúng tôi không nhận được các hệ thống vũ khí vào thời điểm chúng tôi cần. Vì thế khi được chuyển giao chúng không còn phù hợp nữa. Thậm chí máy bay chiến đấu F-16 cũng vậy. F-16 rất cần thiết cho Ukraine vào năm 2023, nhưng đến năm 2024, chúng có thể không còn phù hợp nữa”.
Phương Tây dự định cung cấp hơn 10 chiếc F-16 cho Ukraine vào mùa Hè này sau khi hoàn thành khóa huấn luyện phi công cơ bản, nhưng Nga dường như đang cố gắng phát triển các giải pháp đối phó.
“Trong vài tháng qua, Nga bắt đầu phóng tên lửa từ khu vực Dzhankoy ở phía Bắc Crimea, nhưng không có đầu đạn nổ. Chúng tôi không thể hiểu họ đang làm gì nhưng sau đó chúng tôi phát hiện ra: Họ đang tìm kiếm phạm vi cần thiết để đối phó với F-16”.
Sĩ quan này giải thích rằng Nga đang tính toán nơi tốt nhất để triển khai hệ thống radar và tên lửa S-400 nhằm tối đa hóa khu vực mà chúng có thể bao phủ để nhắm mục tiêu vào F-16, khiến chúng không thể tấn công tiền tuyến và các trung tâm hậu cần của Nga.
Quân đội Ukraine cho biết, hiện họ cần nhiều vũ khí truyền thống cơ bản hơn cũng như máy bay không người lái. “Chúng tôi cần tới 4 triệu quả đạn pháo và 2 triệu máy bay không người lái. Binh sỹ Ukraine có kinh nghiệm chiến đấu và có sự hiểu rõ về chiến trường. Phương Tây có đủ nguồn lực và họ nên cung cấp cho chúng tôi những gì cần thiết”.
Ngoài ra, các quan chức Ukraine cho biết họ cũng cần thêm rất nhiều binh sỹ. Kiev hiện không có đủ lực lượng ở tiền tuyến và điều này càng trở nên trầm trọng hơn do thiếu sự viện trợ từ phương Tây.
Về phần mình, châu Âu đang cố gắng giúp Ukraine bù đắp sự thiếu hụt to lớn về đạn pháo. Séc đã đề xuất chương trình mua sắm đạn pháo số lượng lớn để có thể cung cấp cho Ukraine khoảng 1,5 triệu viên đạn với chi phí 3,3 tỷ USD. Song vẫn chưa rõ, con số này có đủ đáp ứng nhu cầu của Kiev hay không.