Chiềng Bằng mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản
Xã Chiềng Bằng trước đây được coi là vựa lúa của huyện Quỳnh Nhai, nhưng từ khi Nhà máy thủy điện Sơn La tích nước, Chiềng Bằng đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khai thác hiệu quả gần 2.000 ha mặt nước hồ thủy điện để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, trở thành một trong những xã có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của huyện Quỳnh Nhai.
Ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Sau khi hoàn thành công tác di dân TĐC, xã đã tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, xác định nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là thế mạnh, xã đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, từ đó giúp người dân chuyển đổi thói quen sản xuất từ độc canh trên đất dốc sang phát triển nuôi cá lồng gắn với nuôi thủy cầm trên lòng hồ. Để tạo sự liên kết trong sản xuất, xã vận động thành lập các HTX. Đến nay, toàn xã có 18 HTX thủy sản hoạt động thường xuyên với gần 1.400 lồng cá; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ước đạt 300 tấn/năm. Cùng với đó, xã vận động người dân trồng cây ăn quả chất lượng cao, ghép mắt, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Theo giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi tới bản Ba Nhất, nơi chỉ 208 hộ dân, nhưng có đến 600 lồng cá, 5 HTX thủy sản hoạt động với gần 100 thành viên. Đến thăm mô hình nuôi cá của gia đình chị Mè Thị Bun, chúng tôi được biết, gia đình chị cũng như nhiều hộ dân trong bản, lúc đầu gặp không ít khó khăn bởi đất sản xuất ít mà trước đây chỉ quen làm ruộng. Năm 2010, chị được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và được hỗ trợ các điều kiện nuôi 1 lồng cá 30 m2. Nhờ làm đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tỷ lệ cá sống cao, năng suất cá thu được 3 tạ/lồng, bán được gần 30 triệu đồng, sau đó, chị vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, mở rộng quy mô sản xuất. Chị Bun chia sẻ: Diện tích mặt nước rộng lớn là cơ hội làm giàu cho các hộ TĐC như chúng tôi. Từ mô hình điểm được Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi và các hộ trong bản đã có cuộc sống tốt hơn từ nghề nuôi cá lồng. Hiện, gia đình tôi có 20 lồng cá, mỗi năm cho thu hơn 300 triệu đồng.
Bà con ở bản Ngáy cũng vậy, những năm gần đây nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là mô hình trồng nhãn và trồng rau màu của gia đình chị Lò Thị Liên. Năm 2016, chị Liên được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ 300 cây nhãn giống Miền Thiết trồng trên khoảnh nương 0,6 ha; được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cây nhãn đã bắt đầu cho sản phẩm. Chỉ riêng diện tích trồng rau màu, dưa hấu, ớt..., đã thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Năm nay, gia đình chị đã đăng ký trồng thêm 1,3 ha xoài, táo.
Chủ tịch Mè Văn Phái thông tin thêm: Chiềng Bằng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, xã đang triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí, tập trung cao cho tiêu chí thu nhập và môi trường, chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế, đẩy mạnh các phong trào “Sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân; “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội phụ nữ; tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế... phấn đấu đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,2%.
Phát huy những kết quả đạt được, Chiềng Bằng tập trung vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Sơn La và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm; khuyến khích bà con nuôi giống gia cầm chất lượng cao; chuyển đổi và mở rộng các ngành nghề, như làm nước mắm, đóng thuyền; hình thành làng du lịch sinh thái, tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.