'Chiêng có to tiếng mới lớn'
Từ ngày 8 đến 10-12, tại khu vực Sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (VietNam Defence 2022) đã được tổ chức và thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Đây cũng là cơ hội để các 'nhà dân chủ' ra sức 'khua môi múa mép', xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Theo quy định tại Luật Quốc phòng Việt Nam, quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Việc củng cố sức mạnh quốc phòng quốc gia được xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt ở tất cả mọi thời kỳ, mọi giai đoạn cách mạng. Tuy nhiên, với mục đích tấn công, can thiệp, hướng lái, lật đổ chế độ xã hội ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị liên tục tìm cách để công kích chính sách quốc phòng nước ta.
Lợi dụng sự kiện Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, những luận điệu chống phá lại một lần nữa được các đối tượng xấu đưa ra nhằm tạo sóng dư luận. Chúng rêu rao rằng “Việt Nam tổ chức triển lãm để kích động chạy đua vũ trang trong khu vực”. Từ sự kiện xung đột giữa Nga và Ukraine, các đối tượng tô vẽ ra “thuyết âm mưu” cho rằng “Việt Nam đang lo sợ bị như Ukraine nên phải tìm cách phô trương thanh thế”. Hay ở góc độ khác, một số kẻ lại kêu gọi Việt Nam phải thay đổi đường lối quốc phòng, tham gia vào các liên minh quân sự thì mới có thể bảo vệ Tổ quốc. Thậm chí có kẻ còn đòi thay đổi nguyên tắc hoạt động quốc phòng hiện đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; đòi đa nguyên đa đảng, đòi thành lập lực lượng quân đội “phi vũ trang”… (?!). Những luận điệu sai trái này dưới sự tiếp tay của các “con rối dân chủ” ở trong nước đã được chia sẻ, lan truyền trên nhiều trang mạng xã hội, tác động đến nhiều người, tạo ra dư luận xấu.
Tổ chức Triển lãm quốc phòng Việt Nam 2022 là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh. Chúng ta tổ chức triển lãm không phải vì “thúc đẩy chạy đua vũ trang” hay tìm cách “phô trương thanh thế” như những gì các đối tượng xấu đang cố tình tô vẽ, xuyên tạc. Triển lãm được tổ chức để mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và bạn bè trong khu vực cũng như trên thế giới. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đề ra các phương hướng: “Đa dạng hóa hợp tác quốc tế, ưu tiên hợp tác với các đối tác chiến lược. Gắn hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh”, “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”… Việc tổ chức Triển lãm quốc phòng Việt Nam 2022 là một trong những hình thức cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng. Thông qua tổ chức triển lãm, chúng ta quảng bá, tuyên truyền về năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước. Triển lãm có sự tham gia của 170 đơn vị, doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội để chúng ta tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; tiếp cận, đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật phục vụ yêu cầu hiện đại hóa nền quốc phòng toàn dân.
Liên quan đến các luận điệu đòi chúng ta phải thay đổi chính sách quốc phòng, tham gia vào các liên minh quân sự, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang… không khó để nhận thấy tất cả chỉ là những “miếng phô mai trong bẫy chuột”. Phía sau những lập luận hoa mỹ là mưu đồ làm suy yếu sức mạnh quân sự, kích động bạo loạn, bất ổn, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định rõ, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là một trong những yếu tố tiên quyết tạo nên sự thắng lợi. Nếu thiếu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì cách mạng nước ta sẽ mất phương hướng và rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối, lâm vào vết xe đổ của Liên Xô.
Đồng thời, trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta không thể nào chỉ dựa dẫm, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Việc tham gia vào các liên minh quân sự không phải là “liều thuốc chữa bách bệnh” để bảo vệ Tổ quốc. Bởi như Bác Hồ đã nói: “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”, “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”… Chính sách nhất quán của nước ta là chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Đây là chính sách hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Bởi vậy, chẳng có lý gì để chúng ta phải xóa bỏ như những gì các “nhà dân chủ” đang đòi hỏi.
Hiện nay, tình hình thế giới đang có nhiều biến động, luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng… Cùng với đó, 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Những điều này đòi hỏi chúng ta phải không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh. Mọi sự thờ ơ, mơ hồ, chủ quan, thiếu cảnh giác đều có thể khiến chúng ta phải trả cái giá lớn. Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới của nước ta là tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các chiến lược quốc phòng, an ninh như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia… để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/139646/chieng-co-to-tieng-moi-lon