'Chiêng' đang to và 'tiếng' lớn dần lên

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: 'Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn!' Và thực tế những gì diễn ra vừa qua minh chứng sinh động 'chiêng' đang to dần và 'tiếng' cũng lớn dần theo.

Việc Việt Nam tham gia sự kiện APEC 2023 có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp với sự tham dự của hơn 2.000 lãnh đạo các Tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương phần nào minh chứng rõ điều đó.

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) và kết hợp các hoạt động song phương tại thành phố San Francisco, Mỹ các ngày 14-17/11.

Chuyến công tác của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh Kỷ niệm 30 năm Hội nghị cấp cao đầu tiên của các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC diễn ra tại Mỹ (1993-2023). Đồng thời, sự kiện đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập APEC (1998-2023).

Đáng chú ý, trên bình diện song phương, các hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Mỹ dịp này nhằm triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 vừa qua theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thúc đẩy sự hỗ trợ của Mỹ về giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác giữa các địa phương, giữa hai nước cũng như giao lưu nhân dân.

Vì thế, sự kiện đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam do Chủ tịch nước dẫn đầu dự Tuần lễ APEC tại Hoa Kỳ không chỉ được nhân dân trong nước quan tâm, mà truyền thông quốc tế cũng đặc biệt chú ý. Bởi, Việt – Mỹ là mối quan hệ đặc biệt, đây là hai đất nước cựu thù. Sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua đã và đang tiếp tục củng cố và nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ.

Kể từ khi bình thường hóa năm 1995 đến nay, quan hệ Việt Nam – Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu được cả hai phía nhận định là “ấn tượng”, điều mà cách đây 28 năm khó ai có thể hình dung được. Từ chỗ còn dè dặt và mang nhiều nghi kỵ, quan hệ Việt – Mỹ đã không ngừng được cải thiện theo thời gian và hai nước đã trở thành đối tác toàn diện sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hồi năm 2013.

Đã có rất nhiều chuyến thăm của các quan chức hàng đầu của hai nước, khởi đầu bằng việc Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher đến thăm Việt Nam vào tháng 8/1995 tiến tới việc Hoa Kỳ mở Đại sứ quán ở Hà Nội và Việt Nam mở Đại sứ quán ở Washington. Tiếp theo là các chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton năm 2000; Tổng thống George W.Bush năm 2006; Tổng thống Barack Obama năm 2016; Tổng thống Donald Trump (11/2017 và 2/2019); Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (8/2021) và đặc biệt, mới nhất là Tổng thống Joe Biden (9/2023).

Những chuyến thăm Việt Nam vào những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau dù có những mục đích, tác động khác nhau dưới thời các đời Tổng thống Mỹ, tuy nhiên nó phần nào minh chứng cho nỗ lực “xích lại gần nhau” của hai nước. Điều này đã từng được cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi đến Việt Nam đánh giá: “Không có hai quốc gia nào làm việc chăm chỉ hơn, làm được nhiều hơn, và làm tốt hơn để xích gần lại nhau và thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai so với hai quốc gia Việt Nam và Mỹ”.

Có rất nhiều điều để nói về mối quan hệ này. Nhưng có một điều mà ai ai cũng có thể cảm nhận được là giờ đây, cả nhân dân Mỹ và Việt Nam đều muốn “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Và chắc chắn là trong hai ngày ở xứ Cờ hoa, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có rất nhiều việc phải làm, trong đó có hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết, các vấn đề liên quan TPP, hợp tác an ninh, thương mại, việc tái cân bằng của Mỹ về Châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề Biển Đông...

Hơn nữa, cuộc tiếp xúc của hai lãnh đạo cấp cao hai nước lần này càng làm chúng ta nhớ tới câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”.

Thực tế những gì diễn ra vừa qua minh chứng sinh động “chiêng” đang to và “tiếng” cũng lớn dần theo. Việc Việt Nam tham gia sự kiện APEC 2023 có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực với sự tham dự của hơn 2.000 lãnh đạo các Tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương phần nào minh chứng rõ điều đó.

Việt Nam hiện đã xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn, 17/20 thành viên G20 và toàn bộ các nước ASEAN. Đồng thời, Việt Nam cũng đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (như CPTPP, EVFTA…), qua đó tạo ra động lực mới cho phát triển.

Hy vọng chuyến công du của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Mỹ lần này sẽ là dấu mốc quan trọng đưa mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ tiếp tục xích lại gần nhau hơn vì những lợi ích chung mà hai quốc gia cách nhau một đại dương tìm thấy ở nhau; vì sự kết nối xây dựng một khu vực tự cường và thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện.

Sông Hàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/chieng-dang-to-va-tieng-lon-dan-len-i713815/