Chiềng On tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo

Là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu, Chiềng On cách trung tâm huyện hơn 30 km, có 15 km đường biên giáp với nước CHDCND Lào, với 1.290 hộ, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Xinh Mun. Mặc dù được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm nhưng đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 71%. Làm thế nào để giúp người dân thoát nghèo đang là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Với hơn 2.500 ha đất nông nghiệp, sau nhiều năm canh tác nhưng không được cải tạo, nhiều diện tích đất của xã Chiềng On bị xói mòn, rửa trôi, bạc màu, khiến năng suất, chất lượng cây trồng thấp. Tuy cây trồng ở xã tương đối đa dạng, từ các loại cây ngắn ngày như lúa nương, ngô, sắn, mía đến các loại cây như cà phê, chè, sơn tra, các loại cây ăn quả mận hậu, xoài, chanh leo… với tổng diện tích gần 1.300 ha, song do ít được đầu tư chăm bón, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, cộng thêm thời tiết không thuận lợi nên năng suất thấp. Thậm chí có một số hộ còn bỏ hoang diện tích đất sườn đồi hoặc trồng nhưng không chăm sóc do không chủ động được nguồn nước. Nhiều hộ được các dự án hỗ trợ giống bò, dê, nhưng không đầu tư, nhân rộng; sản phẩm chăn nuôi cũng chưa trở thành hàng hóa. Cùng với thiếu đất sản xuất, giao thông đi lại khó khăn, người dân chưa năng động trong phát triển kinh tế… cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã Chiềng On vẫn ở mức cao.

Cán bộ xã Chiềng On hướng dẫn người dân lắp đặt hệ thống tưới ẩm cho cây mận hậu.

Cán bộ xã Chiềng On hướng dẫn người dân lắp đặt hệ thống tưới ẩm cho cây mận hậu.

Đồng chí Sồng Lao Dia, Chủ tịch UBND xã trăn trở: Bình quân trung bình mỗi hộ tại xã có 2 ha đất sản xuất nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo có giảm nhưng chậm và chưa bền vững. Khó khăn nhất trong công tác giảm nghèo ở xã là việc chưa thay đổi được cách nghĩ, cách làm của một bộ phận không nhỏ người dân. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không tích lũy, thiếu quyết tâm thoát nghèo ở một bộ phận đồng bào dân tộc đang là bước cản để xã thực hiện tiêu chí giảm nghèo. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhiều lần họp bàn, chỉ ra được những nguyên nhân, nhưng để đưa ra giải pháp và thay đổi nhận thức của người dân không thể làm trong “một sớm, một chiều”.

Gia đình anh Vàng Lao Lịa, bản Đin Chí thuộc diện hộ nghèo của xã. Do địa hình đồi dốc nên vợ chồng anh chỉ trồng được vài vụ ngô là đất đã bạc màu. Năng suất, chất lượng ngô thấp, vận chuyển tiêu thụ khó khăn nên bình quân mỗi năm gia đình anh chỉ thu nhập chưa đầy 10 triệu đồng/ha từ bán ngô. Anh Lịa chia sẻ: Sau một thời gian trồng ngô không hiệu quả, từ năm 2018, tôi chuyển đổi 1 ha diện tích đất nương sang trồng mận hậu, bí đao. Nhưng 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, giá mận xuống thấp, cùng với giá cả phân bón, vật tư đẩy lên cao, không có vốn đầu tư nên diện tích mận cho năng suất càng ngày thấp, khó tiêu thụ. Niên vụ vừa qua, gia đình thu được 6 tấn bí đao, cho thu nhập trên 40 triệu đồng nhưng vẫn không đủ trang trải cho 4 nhân khẩu.

Gia đình anh Vì Văn Khằm cũng là một trong 68 hộ nghèo của bản Đin Chí. Nhà có đến 5 nhân khẩu, không có đất sản xuất nên bao năm qua, gia đình anh chưa thể thoát nghèo. Anh Khằm bộc bạch: Gia đình tôi không có ruộng, chỉ có 1.000 m² đất nương mượn của anh em họ hàng, qua nhiều vụ canh tác nên năng suất cây trồng thấp. Nguồn thu chỉ trông chờ vào tiền đi làm thuê, ai thuê gì tôi làm nấy. Mong Nhà nước hỗ trợ cấp đất để gia đình phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định cuộc sống.

Nắm bắt được những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, Đảng ủy xã Chiềng On đã ra nghị quyết chuyên đề chuyển một số diện tích đất bạc màu trồng ngô, lúa nương năng suất thấp sang trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt chuồng theo hướng hàng hóa; đưa vào trồng các loại cây, con phù hợp với điều kiện lợi thế của từng bản. Cụ thể, đối với các bản trung tâm của xã, tập trung trồng cây lương thực, rau màu; đối với các bản xa trung tâm phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, trồng các loại cây ăn quả như mận hậu, sơn tra... Xã cũng đề nghị huyện tăng cường cán bộ khuyến nông về hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất điểm cho bà con theo cách “cầm tay chỉ việc”; phân công cán bộ phụ trách địa bàn các bản nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Mặt khác, các tổ chức đoàn thể trong xã tiếp tục tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho nông dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Người dân bản Nà Đít, xã Chiềng On thu hoạch cỏ voi cho gia súc.

Người dân bản Nà Đít, xã Chiềng On thu hoạch cỏ voi cho gia súc.

Đồng chí Sồng Lao Dia, Chủ tịch UBND xã Chiềng On, chia sẻ thêm: Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo nguyên nhân nghèo; đề xuất với các cấp, ngành giảm những hỗ trợ trực tiếp, cho không và chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; đưa ra những mô hình thiết thực hơn và thực hiện hỗ trợ sinh kế đối với những hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; tích cực vận động người dân thâm canh, cải tạo cây ăn quả; đưa vào trồng thử nghiệm một số cây trồng mới như dược liệu, gai xanh... để thoát nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới 50%.

Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Nhưng hơn hết, chính các hộ nghèo cần phải có ý chí vươn lên để thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền trong tuyên truyền vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sinh hoạt và sản xuất, tin rằng, nỗ lực giảm nghèo ở xã Chiềng On sẽ mang lại kết quả khả quan, cuộc sống của người dân sẽ ngày càng được cải thiện.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-on-tim-loi-giai-cho-bai-toan-thoat-ngheo-49705