Chiềng Pha mở rộng diện tích trồng cây ăn quả
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Pha (Thuận Châu) đã tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao.
Trao đổi với ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã được biết, những năm gần đây, xác định trồng cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày, năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao, như cam, thanh long, bưởi, chanh leo... Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện cung cấp cây giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; chỉ đạo cán bộ khuyến nông xuống các bản hướng dẫn các hộ dân phương pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; tạo điều kiện cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả tại các địa phương khác trong và ngoài huyện... Hiện, toàn xã có trên 115 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, xoài, thanh long ruột đỏ, cam, chanh leo.
Đến thăm vườn bưởi da xanh của gia đình chị Hoàng Thị Thu, bản Hưng Nhân, đúng mùa cây đang bắt đầu cho quả, ấn tượng bởi vườn cây được trồng đúng kỹ thuật, thẳng hàng. Khu vườn này trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng các loại rau, củ nên thu nhập bấp bênh. Qua tìm hiểu, tham khảo nhiều mô hình trồng cây ăn quả tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, nhận thấy cây bưởi da xanh dễ trồng, thích nghi với thổ nhưỡng tại địa phương, năm 2017, gia đình chị Thu đầu tư gần 800 triệu đồng để cải tạo hơn 8.000 m² đất vườn và mua cây giống bưởi da xanh về trồng. Để cây bưởi phát triển tốt, chị thường xuyên tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây qua sách, báo, mạng Internet, học hỏi một số mô hình trồng bưởi đã thành công ở một số nơi để về áp dụng tại vườn nhà, cùng với đó, đầu tư hơn 20 triệu để xây dựng hệ thống tưới ẩm tiết kiệm nước và hạn chế dùng phân vô cơ, mà chủ yếu ủ phân vi sinh từ bèo tây, vỏ cà phê, phân ủ cá, đậu tương để bón cho cây... Chị bảo: Tôi đang học tập và nghiên cứu áp dụng quy trình VietGAP cho vườn bưởi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, và truy xuất được nguồn gốc. Đến nay, gia đình tôi đã có gần 500 gốc bưởi da xanh, hơn 60 gốc bưởi Phúc Kiến, năm 2019, thu nhập từ quả bói được gần 100 triệu đồng, dự kiến năm nay sẽ thu trên 400 triệu đồng.
Còn gia đình ông Hoàng Văn Thắng, cùng ở bản Hưng Nhân bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây ăn quả từ năm 2015, ban đầu gia đình trồng thử nghiệm 70 cây cam, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sau hai năm cây bắt đầu ra bói, vụ đầu tiên thu được hơn 1 tấn quả. Ông Thắng chia sẻ: Năm 2017, tôi trồng thêm gần 500 gốc cam, hiện nay vườn cam đang phát triển tốt, vụ năm nay sẽ thu 8 - 10 tấn quả; ngoài ra gia đình còn trồng thêm chanh leo, thanh long ruột đỏ, dự kiến năm nay thu nhập từ cây ăn quả trên 300 triệu đồng.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã mang đến cho người dân xã Chiềng Pha mức thu nhập ổn định và bền vững. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc diện tích cây ăn quả theo quy trình VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.