Chiềng Sại đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Là một trong những xã ven sông thuộc diện khó khăn của huyện Bắc Yên, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Sại đã tập trung lãnh đạo nhân dân từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Tiếp chúng tôi, ông Đinh Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Trước đây, sản xuất nông nghiệp ở Chiềng Sại chủ yếu là các loại cây lương thực ngắn ngày, đời sống người dân khó khăn. Một phần là do giao thông cách trở, hạn chế trong giao lưu, buôn bán hàng hóa với các vùng lân cận. Đến năm 2000, khi con đường nhựa nối từ quốc lộ 6 với trung tâm xã được đầu tư xây dựng đã tạo bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế ở Chiềng Sại, tạo điều kiện cho bà con đi lại và tiêu thụ hàng hóa thuận tiện.
Nhiệm kỳ trước, Đảng bộ xã đề ra nghị quyết chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, hướng đến mục tiêu tham gia xuất khẩu. Cụ thể hóa Nghị quyết, UBND xã Chiềng Sại đã chỉ đạo các bản tổ chức họp dân để nắm tình hình thực tế sản xuất và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Qua đó, định hướng cụ thể cho từng bản về việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho trên 2.000 lượt người, giúp bà con có kiến thức để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn bà con cải tạo hơn 100 ha cây xoài bản địa đã thoái hóa để ghép giống xoài lai. Năm 2018, diện tích cây ăn quả này đã cho thu hoạch, năng suất trung bình 10 tấn quả/ha. Từ kết quả này, để phát triển nông nghiệp bền vững, đã khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi thêm 180 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng các loại cây ăn quả.
Chúng tôi về bản Co Muồng, bản có hơn 50 hộ, bà con đã chuyển đổi gần 70 ha đất trồng ngô sang trồng mía, năng suất đạt 70-80 tấn mía cây/ha. Từ trồng mía, có nhiều hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm. Anh Đinh Văn Lành chia sẻ: Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động về việc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, gia đình tôi chuyển 3 ha ngô sang trồng mía, sản lượng năm nay khoảng 240 tấn, trừ chi phí thu nhập 80 triệu đồng.
Tiếp tục đến bản Nà Dòn, là bản đầu tiên trong xã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên 4 ha cây ăn quả. Sau khi công nghệ được đưa vào sử dụng, đã giúp cây trồng đủ nước, năng suất đạt 10 tấn quả/ha. Cùng với đó, người dân còn trồng rau màu dưới tán vườn cây ăn quả, tăng thêm thu nhập. Thăm gia đình trồng xoài đầu tiên ở bản Nà Dòn, ông Đinh Văn Kiểu nói: Được cán bộ khuyến nông tư vấn về sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, tôi đã học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ những mô hình đã được công nhận VietGAP ở huyện Yên Châu và Mai Sơn, từ đó áp dụng vào sản xuất. Năm 2019, hơn 2 tạ xoài của nhà tôi đạt tiêu chuẩn và được lựa chọn tham gia xuất khẩu.
Hiện, Chiềng Sại là xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất của huyện Bắc Yên, với trên 400 ha. Năm 2019, HTX xây dựng - dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chiềng Sại đã liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn (Mai Sơn) xuất khẩu 4 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc, đây là tín hiệu vui cho người dân nơi đây, góp phần đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả chất lượng cao.
Những kết quả đạt được ban đầu trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững sẽ là động lực để xã Chiềng Sại tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhận cho nhân dân, phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên.