Chiềng Sại khai thác lợi thế nuôi thủy sản

Khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình và nguồn nước dồi dào từ các con suối, những năm qua, xã Chiềng Sại, huyện Bắc Yên đã tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích ao, đánh bắt và nuôi cá trên lòng hồ, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với 50 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình, phát huy lợi thế, các bản dọc theo sông Đà đã đẩy mạnh nuôi cá lồng. Ông Lò Văn Quý, Trưởng bản Co Muồng, xã Chiềng Sại, cho biết: Bản hiện có 120 hộ nuôi cá và đánh bắt thủy sản, nhiều nhất xã. Để làm thức ăn cho cá, bà con đã tận dụng cây ngô, cỏ voi, cây chuối, cây sắn, cá lớn nhanh lại cho chất lượng tốt. Hiện nay, bản có 20 lồng cá và trên 10 ha ao nuôi cá, sản lượng đánh bắt và cá nuôi hàng năm trên 50 tấn, đem lại nguồn thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Người dân bản Nà Dòn, xã Chiềng Sại, huyện Bắc Yên đánh bắt thủy sản trên lòng hồ sông Đà.

Tại gia đình anh Hoàng Văn Thành, bản Co Muồng, với hơn 4.000 m² ao nuôi cá, đã đem lại cho gia đình anh thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh Thành cho biết: Nuôi cá không vất vả lắm, chi phí lại ít, tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có; kỹ thuật nuôi cũng không đòi hỏi cao, chỉ cần có một số kiến thức về cải tạo, vệ sinh ao nuôi, phòng chống dịch bệnh, chọn giống phù hợp với nguồn nước. Đồng thời, đảm bảo nguồn nước, cung cấp đủ thức ăn là cá lớn rất nhanh. Đặc biệt, cá có thể thu hoạch quanh năm, hết lứa lại tiếp tục thả gối vụ, cá tiêu thụ dễ dàng không như các loại cây trồng hay các loại gia súc khác; cá ít bị bệnh nên đem lại thu nhập ổn định. Với 4.000 m² ao nuôi, hàng năm gia đình tôi thu 1,2-1,5 tấn, đã đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình tôi đang tiếp tục đầu tư thêm 500 m² ao nuôi nữa để tăng thu nhập.

Còn anh Sa Anh Tuấn, bản Nà Dòn, xã Chiềng Sại chia sẻ: Thấy nguồn nước trên dòng sông Đà phù hợp với nuôi cá lồng, nên cuối năm 2020, tôi đã đầu tư 6 lồng cá, mỗi lồng rộng 20 m², nuôi các loại cá chép, trắm, trôi, rô phi. Năm 2021, tôi thả gần 5 tạ cá giống, gồm chép, trắm và trê lai, đến cuối năm cho thu hoạch 6,5 tấn. Thức ăn cho cá chủ yếu là lá chuối, cỏ voi được trồng trên vườn đồi, nên không mất nhiều chi phí; đến thời kỳ vỗ béo thì cho cá ăn thêm các thức ăn tinh, như cám gạo, cám ngô và thức ăn công nghiệp. Vì vậy, cá có sức đề kháng cao, phát triển tốt, cho chất lượng thịt thơm ngon, thương lái đến tận nơi mua, trừ chi phí thu được gần 200 triệu đồng, nuôi cá đã cải thiện cuộc sống của gia đình tôi rất nhiều.

Nuôi cá ở xã Chiềng Sại được người dân phát triển từ nhiều năm trước, song chủ yếu nuôi ở ao có diện tích nhỏ, manh mún, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Từ năm 2016, khi nhu cầu thị trường tăng cao, bà con đã bắt đầu phát triển nghề nuôi cá. UBND xã chỉ đạo các bản hướng dẫn người dân lựa chọn các loại cá nuôi cho phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá cho người dân.

Ông Đinh Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sại, cho biết: Đến nay, diện tích ao nuôi cá toàn xã là 15 ha, bà con tận dụng mặt nước lòng hồ để đánh bắt thủy sản và nuôi gần 30 lồng cá, sản lượng đánh bắt và cá nuôi hàng năm đạt trên 100 tấn, góp phần nâng cao đời sống và tạo công ăn, việc làm cho người dân.

Với hiệu quả mang lại, xã Chiềng Sại tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng diện tích nuôi cá lồng trên hồ sông Đà và phát triển đa dạng các loại cá nuôi có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh tập huấn cho người dân về quy trình nuôi cá; khuyến khích các hộ dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-sai-khai-thac-loi-the-nuoi-thuy-san-48222