Chiêng Tha - nhạc cụ đặc sắc, tài sản quý giá của người Brâu

Trong kho tàng nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên, cồng chiêng chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng, với không gian diễn xướng gần như là bất tận. Ẩn dưới bề mặt thô ráp, cũ kỹ màu thời gian, cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ đơn thuần là loại nhạc cụ, mà hơn thế nữa, đó là biểu hiện cho tâm hồn, cốt cách của mỗi dân tộc. Một số loại chiêng còn được nhân gian nhìn nhận như một thực thể sống, trở thành vật linh thiêng bậc nhất trong đời sống cộng đồng. Chiêng Tha của người Brâu là một trong số đó…

Khu nhà rông - điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Brâu ở thôn Đăk Mế hiện đang được Nhà nước đầu tư nâng cấp. Ảnh: Thái Kim Nga

Khu nhà rông - điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Brâu ở thôn Đăk Mế hiện đang được Nhà nước đầu tư nâng cấp. Ảnh: Thái Kim Nga

Trước hết, cũng cần có đôi dòng “trích ngang” về cộng đồng người dân tộc thiểu số Brâu ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đây là tộc người hết sức đặc biệt, cả nước chỉ còn duy nhất ngôi làng này và hiện đang được Nhà nước đưa vào dự án bảo tồn với 3 hình thức đầu tư: Đầu tư sinh kế, đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư bảo tồn.

Cũng như những dân tộc khác trên địa bàn Tây Nguyên, người Brâu ở Đăk Mế sống bằng nghề nông nghiệp, nhưng trình độ canh tác vẫn còn ở mức thấp, chủ yếu tự cung, tự cấp và còn phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Sống theo cộng đồng, văn hóa của người Brâu ở Đăk Mế mang đậm nét đặc trưng của núi rừng; từ thi - ca - nhạc- họa, lễ hội truyền thống đến những tập quán thường nhật. Núi rừng là nguồn mạch chính nuôi sống con người, là kho tàng bất tận chất chứa những giá trị bất biến của một tộc người từ bao đời nay.

Trở lại với câu chuyện xung quanh bộ chiêng Tha của người Brâu ở Đăk Mế. Đã rất nhiều lần người viết cố gắng tiếp cận để “tai nghe, mắt nhìn, tay nắm” bộ chiêng quí này theo cách tình cờ (những lúc không diễn ra sự kiện quan trọng của làng) nhưng đều không thực hiện được. Vì sao vậy? Đơn giản là vì chiêng Tha vừa là cổ vật, vừa là linh vật (ít nhất là trong quan niệm của người Brâu) nên mỗi lần thỉnh chiêng, chủ nhân phải làm lễ cúng.

Thế mới có câu chuyện kể lại rằng ngày UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) thẩm định hồ sơ để công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, khi các chuyên gia yêu cầu thỉnh bài chiêng báo tin buồn của làng, nghệ nhân nhất quyết không đồng ý. Thì ra, nghệ nhân không đánh chiêng chỉ vì làng không có chuyện buồn và đây là điều kiêng kỵ. Nói như thế để biết chiêng Tha luôn được đặt ở vị trí trân trọng nhất trong đời sống tâm linh của người Brâu.

Để được “tiếp cận xa” với chiêng Tha, chúng tôi phải nhờ sự trợ giúp của Đại úy A Hùng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (BĐBP Kon Tum). Tìm đến nhà ông Thao Lợi, Trưởng thôn Đăk Mế (có mẹ vợ là bà Nàng Chen hiện đang sở hữu bộ chiêng Tha), song những thông tin chúng tôi nhận được về bộ chiêng quý này cũng chỉ dừng lại ở lời kể.

Ông Thao Lợi cho biết: “Bộ chiêng Tha của người Brâu có hai chiếc úp mặt vào nhau, nhìn giống như con hến khổng lồ sống dưới suối. Mình không biết bộ chiêng của nhà vợ mình có từ lúc nào, nhưng nghe nói ông bà ngày xưa tìm thấy nó dưới chân nông tưn (thác) thuộc con suối Pờ Y chảy trên vùng ngã ba biên giới. Ngoài ra, người Brâu ở Đăk Mế còn tìm thấy những bộ chiêng Tha tại con suối Hun sát biên giới Việt Nam - Campuchia (thuộc xã Mo Ray, huyện Sa Thầy bây giờ - phóng viên). Ở ngoài tự nhiên, chiêng Tha tự di chuyển được và ăn các loại hoa quả trong rừng (?). Ngày xưa, để thuần phục được chiêng Tha, gia chủ phải là người giàu có và quyền uy, dùng máu của nô lệ để làm lễ cúng. Khi thuần phục được rồi, mỗi lần mang ra đánh, chủ nhà phải cho nó ăn (làm lễ cúng - phóng viên) gồm một chén nước và một con gà. Con gà làm thịt xong lấy bộ lông dán xung quanh vành, còn máu của nó rắc đều lên mặt chiêng. Nếu làng đón khách quý thì chỉ cần dùng rượu thay máu gà rắc lên là có thể mang chiêng ra đánh được...”.

Trưởng thôn Đăk Mế Thao Lợi và Đội trưởng Đội Vận động quần chúng A Hùng trò chuyện về nguồn gốc bộ chiêng Tha của người Brâu. Ảnh: Thái Kim Nga

Trưởng thôn Đăk Mế Thao Lợi và Đội trưởng Đội Vận động quần chúng A Hùng trò chuyện về nguồn gốc bộ chiêng Tha của người Brâu. Ảnh: Thái Kim Nga

Câu chuyện của Trưởng thôn Thao Lợi về bộ chiêng Tha đã được thần thánh hóa, mặc dù không đủ sức thuyết phục người nghe, nhưng chắc chắn một điều, đó là cổ vật được người Brâu xem như linh vật. Ngày xưa, người Brâu dùng cả một đàn trâu trưởng thành trên dưới 10 con để đổi lấy một bộ chiêng Tha và cất giữ nó như thứ tài sản quý giá nhất. Cũng theo lời ông Thao Lợi, chiêng Tha không phải sắt cũng không phải đồng mà nó được pha trộn từ nhiều hợp chất kim loại khác nhau để tạo nên. Chính vì vậy, thanh âm của nó có sự khác lạ so với các loại cồng, chiêng của các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên.

Chiêng Tha thực sự quý và hiếm. Trưởng thôn Thao Lợi cho biết, hiện tại, người Brâu ở Đăk Mế chỉ còn 8 chiếc và được bà con lưu giữ rất cẩn trọng. Do loại nhạc cụ đặc sắc này vừa là cổ vật, vừa là linh vật, nên tình trạng mất cắp vẫn thường xuyên xảy ra. Không gian diễn xướng của chiêng Tha từ đó ngày càng bị thu hẹp, khiến cho nét đẹp văn hóa của người Brâu ở Đăk Mế ngày càng có nguy cơ mai một hơn.

Có thể nói, việc dành sự ưu tiên đặc biệt trong những năm qua đối với tộc người Brâu ở Đăk Mế là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời của Nhà nước ta. Ở góc độ văn hóa, sự đầu tư bảo tồn vừa tạo ra không gian diễn xướng cho cồng chiêng, trong đó có chiêng Tha, vừa hình thành hành lang bảo vệ an toàn đối với loại nhạc cụ truyền thống đặc sắc này. Tuy nhiên, để chiêng Tha được lưu giữ và phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng người Brâu ở Đăk Mế cho đến ngày hôm nay không thể không nhắc đến vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đứng chân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tài Thu, Bí thư Đảng ủy xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Việc đầu tư bảo tồn nói chung, bảo tồn về văn hóa nói riêng không chỉ giúp người Brâu ở Đăk Mế thoát khỏi nguy cơ suy giảm dân số và chất lượng giống nòi, mà còn phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cơ sở, thì những đóng góp của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự đồng hành sẻ chia của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y từ nhiều năm qua đã tạo nên chỗ dựa vững chắc để người Brâu ở Đăk Mế phát triển toàn diện. Những giá trị truyền thống, trong đó có cồng chiêng được bảo tồn, lưu giữ và phát huy, đã đáp ứng tốt mọi nhu cầu được hưởng thụ văn hóa của bà con…”.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chieng-tha-nhac-cu-dac-sac-tai-san-quy-gia-cua-nguoi-brau-post431503.html