Chiều 10-7, Tọa đàm trực tuyến 'Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch'
Vào 14 giờ chiều 10-7, Nhân Dân điện tử tổ chức Tọa đàm trực tuyến Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề 'Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch', có sự tham gia của các bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, ngành điện lực, địa phương và doanh nghiệp nhằm tìm hướng phát triển năng lượng cho Việt Nam trong tương lai.
Vào 14 giờ chiều 10-7, Nhân Dân điện tử tổ chức Tọa đàm trực tuyến Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch”, có sự tham gia của các bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, ngành điện lực, địa phương và doanh nghiệp nhằm tìm hướng phát triển năng lượng cho Việt Nam trong tương lai.
Ngày 11-2 vừa qua, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết của Bộ Chính trị đánh giá, trong 15 năm qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Cụ thể, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Đặc biệt, một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.
Nghị quyết của Bộ Chính trị cho rằng, một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là chậm giải quyết những vướng mắc về phương hướng phát triển các nguồn năng lượng và cụ thể hóa cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực này.
Từ đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu quan điểm: phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Về mục tiêu, Nghị quyết cũng yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý, cũng như yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bộ Chính trị cũng đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng một thị trường năng lượng phát triển đồng bộ, cạnh tranh và minh bạch.
Với quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp này của Bộ Chính trị, chúng ta đang cần sự vào cuộc nghiêm túc của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Chính vì thế, Nhân Dân điện tử tổ chức Tọa đàm trực tuyến Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch”.
Thành phần khách mời dự kiến gồm đại diện Bộ Công thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Tập đoàn điện lực; lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện; đại diện một số doanh nghiệp đã, đang đầu tư hạ tầng lưới điện và đại diện địa phương.
Bạn đọc quan tâm xin gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua địa chỉ email: nhandandientutiengviet@gmail.com; Fanpage: https://www.facebook.com/nhandandientutiengviet/.