Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện các chính sách BHXH, BHYT năm 2020

Trong phiên làm việc chiều 27/10, các ĐBQH thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

Trong phiên làm việc chiều 27/10, các ĐBQH thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

Tin liên quan

Quốc hội thảo luận trực tuyến tuyến Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đồng chí thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh dự và tham gia thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam.

Đoàn ĐBQH tỉnh dự phiên thảo luận chiều 27/10 tại điểm cầu Hà Nam.

Năm 2020, các nội dung chi của Quỹ BHXH và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều tăng về số người, số tiền so với năm 2019 và nằm trong xu thế tăng đều trong những năm qua. Cụ thể, tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH ước khoảng 240.765 tỷ đồng. Trong đó, số chi từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chiếm 19,58%, giảm giảm 0,24% so với năm 2019 và chi từ nguồn Quỹ BHXH chiếm 80,42%.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ để lạm dụng, trục lợi Quỹ ốm đau, thai sản; vẫn còn tình trạng chi sai, chi chế độ trợ cấp thất nghiệp trùng với thời gian đóng BHXH. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và Quỹ BHTN vẫn chi chủ yếu vào một số chế độ nhất định, chưa thực hiện được hết các chế độ theo quy định. Các quỹ có tính chất ngắn hạn về cơ bản đều bảo đảm khả năng chi trả, có kết dư lớn và còn có chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ này chưa được thực hiện. Về Quỹ Hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn trong việc bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số)...
Về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và Việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13, tổng thu Quỹ BHYT là 110.395 tỷ đồng; chi BHYT năm 2020 là 104.220 tỷ đồng. Dự kiến số dư Quỹ BHYT lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng.

Việc cân đối Quỹ vẫn được bảo đảm do Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chi từ Quỹ BHYT. Tuy nhiên, mức đóng BHYT của một số nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT, mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng. Vẫn còn tình trạng NSNN chậm chuyển kinh phí đóng BHYT cho đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương; chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT.

Tham gia thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 từ điểm cầu Hà Nam, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đưa vào Chương trình kỳ họp nội dung thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và tình hình quản lý sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 là dịp rất tốt để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của BHXH - một trong những trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động liên quan đến BHXH, BHTN vừa qua mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 30 của kỳ họp thứ nhất là một ví dụ điển hình - được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phấn khởi, đánh giá cao.

Để triển khai thực hiện chế độ, chính sách về BHXH, trong đó có Quỹ BHXH, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng: Hiện nay, cùng với việc thực hiện Luật BHXH còn phải thực hiện các quy định có liên quan của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; Luật Việc làm về chế độ BHTN và các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động. Theo Báo cáo của Chính phủ ngoài các luật, bộ luật nêu trên thì còn phải thực hiện theo quy định của hơn 60 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện (từ nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của Bộ). Như vậy, vẫn còn nhiều văn bản hướng dẫn và đối với người sử dụng lao động và nhất là người lao động cần một hệ thống văn bản làm sao gọn hơn, dễ tìm hơn thay vì nhiều loại văn bản như hiện nay. Đại biểu Trần Thị Hiền cũng đề xuất cần sửa đổi để quy định linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng vào Quỹ BHTN, Quỹ ốm đau và thai sản cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan quan tâm để thúc đẩy, có giải pháp cụ thể hơn nữa, nhất là khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về cải cách BHXH, đáp ứng với tình hình mới, phát huy hơn nữa vai trò của BHXH là trụ cột của an sinh xã hội.

Thảo luận trực tuyến tại phiên họp, đa số các đại biểu cho rằng cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH; hạn chế hưởng BHXH một lần; có giải pháp để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động, không để tình trạng người lao động không được hưởng chế độ BHTN do yếu tố khách quan. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị đưa hành vi mua bán sổ BHXH vào xử lý hình sự nhằm tăng cường tính răn đe và kịp thời ngăn chặn những đối tượng có ý định, hành vi trục lợi BHXH. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện.

Đối với BHYT, một số đại biểu cho rằng: Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn có thể đạt kết quả tốt hơn nếu có cơ chế đăng ký mua thẻ BHYT linh hoạt và đơn giản hơn như mua BHYT qua ứng dụng VssID cho người thân và giảm bớt các yêu cầu về giấy tờ như hộ khẩu, thẻ tạm trú… Đề nghị rà soát mức giá dịch vụ y tế để điều chỉnh mức giá chưa phù hợp, bổ sung danh mục về điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế theo chế độ BHYT. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy y tế cơ sở và bác sỹ gia đình phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng tỷ lệ thực hiện liên thông dữ liệu KCB BHYT trong ngày; tiếp tục nâng cao chất lượng KCB để đảm bảo nhu cầu của người dân...

Sau thảo luận của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu./.

Thu Thảo

Nguồn Hà Nam: https://www.baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/achieu-27-10-quoc-hoi-thao-luan-truc-tuyen-ve-tinh-hinh-thuc-hien-cac-chinh-sach-bhxh-bhyt-nam-2020-56130.html